Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Gặp già làng người Chơ-ro nghe chuyện người dân tộc thoát nghèo nhờ rừng

(SGTT) – Hơn 30 năm di dời vào ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bà Điểu Thị Út Lan, 58 tuổi, với chín năm làm già làng trong cộng đồng người Chơ-ro, đã cùng bà con tại đây nương tựa vào rừng để duy trì kế sinh nhai. Giờ đây, rừng với người dân Chơ-ro không còn là phương tiện kiếm ra tiền, mà còn là người bạn thiên nhiên mà người dân ra sức bảo vệ.

Hết cảnh nghèo khó nhờ rừng

Bà Út Lan là một già làng cũng là chi hội trưởng, người có uy tín nhất ấp 5. Từ hơn 30 năm trước, bà nhận quyết định của chính quyền di dời chỗ ở gần lòng hồ Trị An vào khoảng 50km gần bên khu rừng của doanh nghiệp. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, Đồng Nai cũng bắt đầu ký hợp đồng khoán cho người dân chăm lo, trồng rừng, bảo vệ rừng phục vụ cho công tác sản xuất gỗ hằng năm của công ty.

Bà Điểu Thị Út Lan, già làng của người dân tộc Chơ-ro tại ấp 5. Ảnh: An Phú

Đại diện công ty cho biết khu rừng này có rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ. Vì nơi đây có cộng đồng người dân tộc sống kề cận, công ty quyết định tạo điều kiện, khoán cho người dân tộc Chơ-ro hơn 70 ha rừng để chăm sóc cũng như làm rừng quanh năm. Vị này đánh giá cao chất lượng cũng như khả năng làm rừng của bà con nơi đây trong thời gian qua vì hiệu suất đạt được như mong muốn.

“Chúng tôi luôn tổ chức tập huấn một năm ít nhất ba lần về kiến thức phòng chống cháy rừng, cách trồng cây, chăm sóc sao cho đúng và bà con đều nghiêm túc thực hiện thông qua sự quản lý của bà Út Lan, người đại diện nhận hợp đồng ở đây”, vị đại diện chia sẻ.

Về tính chất công việc, bà Út Lan cho biết làm rừng có tính mùa vụ nên tùy vào từng thời điểm sẽ có việc làm khác nhau. Chẳng hạn như lúc thì trồng rừng, lúc thì chăm sóc, bón phân, tưới tiêu, rải vôi, cuốc đất, rồi làm sạch, vệ sinh cho rừng. Đến hạn thanh lý hợp đồng thì công ty giao khoán khu vực khác để người dân có việc làm liên tục.

Khu vực rừng keo 9 năm tuổi của công ty Lâm Nghiệp La Ngà do bà con trồng. Nơi này đối diện cộng đồng dân cư của người Chơ-ro. Ảnh: An Phú

Được biết, hiện tại làng có khoảng 120 hộ với hơn 300 nhân khẩu, trong đó 90% là người Chơ-ro. Có 80% người dân ở đây đều đi làm rừng. “Đất lành thì chim đậu. Từ ngày công ty giao cho người dân làm rừng, làng thu hút nhiều gia đình di dời vào đây lập nghiệp, ước tính số hộ dân đã tăng lên gấp bốn lần so với thời gian đầu. Đây cũng là niềm phấn khởi cho người dân đồng bào Chơ-ro nói chung”, bà Lan chia sẻ.

Sau khi đại diện ký hợp đồng với công ty khoán 70 ha rừng, bà Lan sẽ phân chia đầu việc cho bà con trong làng làm để ai cũng có công ăn việc làm lo toan cơm áo. Trung bình một ngày công người dân được trả 250.000 đồng, bà Lan nhận khoán một ha từ 800.000 – 5.000.000 đồng tùy vào công việc làm ở thời điểm đó, một ha rừng cần 5-7 nhân công.

Theo bà Lan, gia đình ở đây hầu như ai cũng đi làm rừng, từ thanh niên trai trẻ đến người già miễn còn sức là còn làm. Cũng nhờ công việc này cộng với thói quen sống tiết kiệm, không ít hộ dân biết cách tích lũy, mua thêm bò, heo để nuôi, cải thiện cuộc sống qua ngày. Tính đến nay, làng có 20 hộ dân thoát nghèo từ làm rừng, còn lại khoảng 7 hộ nghèo, bà Lan cho biết.

Yêu rừng như người thân ruột thịt

Ngoài thời gian làm rừng chiếm gần nửa thời gian hằng năm, bà con nhận thêm hạt điều về làm hoặc đi làm thuê cắt cỏ, trồng rừng cho các đơn vị lâm nghiệp khác.

“Cuộc sống gắn liền với rừng cây cũng xuất phát từ ý niệm lấy dân địa phương làm gốc của công ty, đó là mối quan hệ chặt chẽ giữa bà con Chơ-ro và doanh nghiệp mấy chục năm qua và cả tương lai sau này”, bà Lan bộc bạch.

Bên trong nhà bà Lan có rất nhiều bằng khen công nhận đóng góp, thành tích của bà trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ rừng, giúp nâng cao ý thức cho người dân sinh nơi đây. Bà kể mình đã từng được mời đi phỏng vấn, công tác ở Hà Nội, các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, Nam Bộ, đại diện tiếng nói cho người đồng bào dân tộc, hội nông dân tỉnh… và nhiều lần đi theo huyện ủy tiếp xúc tìm hiểu môi trường sống của nhiều dân tộc khác.

“Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người phụ nữ đồng bào có thể được đi nhiều nơi như vậy, đây là niềm vinh hạnh lớn của đời tôi. Chính vì vậy, tôi muốn giúp bà con hiểu rõ hơn giá trị của rừng, sự rộng lượng của mẹ thiên nhiên và thực hiện công tác tuyên truyền thật tốt đến người dân”, bà tâm sự.

Bà nhận được rất nhiều bằng khen, chứng nhận từ đơn vị doanh nghiệp và cơ quan chức năng của tỉnh về tinh thần giữ rừng, công tác làm rừng. Ảnh: An Phú

Đảm nhiệm công việc của già làng Chơ-ro chín năm qua, bà Út Lan tâm sự sự tín nhiệm của bà con đã khiến bà luôn trăn trở làm sao giúp họ ổn định cuộc sống mà phải bền vững, dài lâu ngay khi bà ở tuổi gần đất xa trời.

Bà Út Lan rạng rỡ xen lẫn tự hào khi nói về công việc mình đang làm. Ảnh: An Phú

Giờ đây, qua những buổi tập huấn, thông tin liên tục, bà có thể tự tin người dân ở đây đều có ý thức lao động làm rừng rất tốt và trách nhiệm cao với rừng. Họ hiểu chuyện bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng như bảo vệ tính mạng của mình là việc làm đúng. Vì rừng không chỉ che chắn, cho họ cơm ăn áo mặc, nhờ rừng, bà con dân tộc nhận lại sự trọng dụng, tin tưởng từ chính địa phương, cơ quan chức năng.

Đường vào cộng đồng người dân Chơ-ro quanh co, đường đất hơn 15km. Ảnh: An Phú

“Thật sự mà nói, chúng tôi rất cảm kích tấm lòng cũng như sự quan tâm của công ty Lâm nghiệp La Ngà khi cho chúng tôi công việc để làm và gắn bó lâu dài. Người dân đồng bào Chơ-ro thì ít điều kiện học cao, chủ yếu làm lụng tay chân. Trước chúng tôi làm nương rẫy nhưng khu đó mùa thì ngập, hạn không làm được thường xuyên nữa, bây giờ nói tôi làm nông chắc không tốt bằng làm rừng”, bà cười nói.

Bà cũng hy vọng vào thế hệ tiếp nối sau này, những người trẻ sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp và Nhà nước tiếp tục sản xuất nguyên liệu gỗ hợp pháp, khai thác rừng trồng hợp lý để thêm giá trị kinh tế cũng như tính bền vững qua thời gian.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Ngắm đồng lúa Tà Lài qua góc máy từ trên cao

0
(SGTT) – Đồng lúa Tà Lài nằm cạnh Vườn quốc gia Cát Tiên, điểm nhấn của nơi đây là hàng trăm cây dầu mọc...

Ngày tết nhớ món lá mì xào cà đắng, đặc sản...

0
(SGTT) – Lá mì (sắn) xào cà đắng là món ăn đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây...

Chơi gì khi đến Đồng Nai?

0
(SGTT) – Khu du lịch đảo Ó, công viên suối Mơ, thác Giang Điền hay Vườn quốc gia Cát Tiên… là những điểm đến...

Đạp xe thăm ‘cánh đồng lúa giữa rừng’ ở Đồng Nai

0
(SGTT) - Nếu có dịp đạp xe khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, du khách sẽ không khỏi bất ngờ...

Đại học Nguyễn Tất Thành hỗ trợ phát triển du lịch...

0
(SGTT) - Khoa Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có chuyến nghiên cứu khảo sát thực tế tại khu vực thi...

Kết nối