Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bỏ phố về rừng: Trào lưu làm farmstay

(SGTT) – Sau homestay, mô hình xây dựng farmstay gồm trang trại nông nghiệp kèm nơi lưu trú cho khách đến tham quan và trải nghiệm đời sống nông dân, tận hưởng không khí nhà vườn nơi núi rừng đang nở rộ. Nhiều người chấp nhận rời cuộc sống nơi phố thị để về quê làm farmstay.

Ồ ạt làm farmstay

Sau homestay, trào lưu mua đất rộng làm vườn, vườn rừng kết hợp xây nhà nghỉ lưu trú cho khách du lịch theo mô hình farmstay đang nở rộ. Nhiều vùng trước đây chỉ thuần làm nông nghiệp, lâm nghiệp thì nay, nhộn nhịp các khu trang trại kèm nhà nghỉ được đầu tư, xây dựng.

Dạo một vòng các group trên mạng xã hội như “Bỏ phố về rừng”, “Bỏ phố về quê”… phần lớn các thành viên đều có “dính dáng” đến mô hình farmstay. Hàng loạt các dự án farmstay được giới thiệu với những hình ảnh đẹp, bắt mắt nhằm thu hút khách.

Bỏ phố về rừng
Những ngôi nhà nhỏ là chỗ cho khách lưu trú, nằm xen kẽ trong trang trại rộng lớn. Ảnh: Huyền Trần.

Dịp tết dương lịch 2021 vừa qua, chị Nguyễn Thị Mỹ Tú, chủ một farmstay ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), cho biết sau gần bốn năm mua đất, đầu tư làm vườn, trồng cây, xây nhà lưu trú…, chưa kịp đón được khách nào đến ở thì dịch Covid-19 xảy ra nên kế hoạch mở cửa đón khách theo dạng farmstay của chị cũng phải tạm dẹp qua một bên.

Đến dịp nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch vừa qua, chị Tú mới tiếp đón được 4 – 5 đoàn khách đến nghỉ qua đêm và sinh hoạt với gia đình tại trang trại. Vì vừa hết dịch, không “dò” được khả năng chi trả của khách nên chị Tú đưa ra giá cho các dịch vụ như phòng nghỉ đêm, ẩm thực tại nhà với các món ăn địa phương, sử dụng nguyên liệu có sẵn tại trang trại… với giá rất “mềm”.

Theo chị Tú, một nguyên nhân nữa khiến giá dịch vụ loại hình du lịch farmstay ở mức thấp là đang có rất nhiều mô hình tương tự được xây dựng ở những vùng đất có địa thế đẹp, khí hậu ôn hòa, phù hợp với phát triển nông nghiệp và nghỉ dưỡng như Lâm Đồng, Đắc Nông, Kon Tum.

“Bốn năm trước, khi quyết định chuyển từ TPHCM về đây sinh sống, đầu tư trang trại và du lịch, mình đoán rằng mô hình này sẽ phát triển. Đúng như vậy, hiện có rất nhiều farmstay đang được xây dựng tại Lâm Đồng. Gần như nhà nào về đây mua đất trồng cây đều kết hợp làm farmstay”, chị Tú chia sẻ.

Hay như tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), chỉ từ 2 – 3 năm trở lại đây, rất nhiều người đổ xô về đây mua đất, xây dựng trang trại kết hợp du lịch. Chỉ trong vòng trung tâm thị trấn Măng Đen đã có nhiều farmstay như Thiện Mỹ Farm, Ê Ban Farm, Orfarm… Ngoài ra, nhiều ngôi nhà trước đây bị bỏ hoang nay cũng đã được cải tạo, đầu tư thêm để đón khách du lịch.

Bỏ phố về rừng
“View” từ nhà nhìn ra của một farmstay ở Kon Tum. Trong ảnh có thể nhìn thấy rất nhiều ngọn đồi được cải tạo để trồng cây nông nghiệp. Ảnh: Huyền Trần.

Chị Huyền Trần (28 tuổi, ngụ TPHCM) chia sẻ chị vừa cùng nhóm bạn có chuyến du lịch khám phá Măng Đen dịp lễ vừa qua. Có khá nhiều lựa chọn cho du khách khi muốn “book” một farmstay ở thị trấn nhỏ nằm lọt thỏm trên cao nguyên này.

Ngoài việc chỉ lưu trú một vài đêm, khách còn có thể dễ dàng tìm một chỗ lưu trú dài ngày (từ vài tháng) theo dạng tình nguyện viên, học việc tại các farmstay.

Theo đó, chủ trang trại sẽ cung cấp chỗ ở, thức ăn cho tình nguyện viên tới trang trại. Thay vào đó, các tình nguyện viên sẽ phụ giúp chủ nhà các công việc liên quan tới nông nghiệp như làm vườn, dọn cỏ, thu hái nông sản…

“Sống” được với farmstay không đơn giản

Theo các chuyên gia, farmstay là mô hình kết hợp giữa trang trại (farm) và nơi lưu trú (stay), xuất hiện lần đầu tiên năm 1980 tại Italia, sau đó nhanh chóng lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên đây vẫn là một loại hình mới du nhập và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Khác với homestay có thể được thực hiện bởi bất cứ một gia đình nào, chỉ cần có chỗ nghỉ ngơi dành cho khách để họ trải nghiệm văn hóa bản địa, cùng sinh hoạt với gia đình thì farmstay được xây dựng bởi các trang trại nông nghiệp lớn, thường tọa lạc ở nông thôn, vùng rừng núi xa trung tâm…

Bỏ phố về rừng
Khi đến với các farmstay, du khách được trải nghiệm cuộc sống làm nông nghiệp, thông thường là hái rau, củ quả hoặc tưới nước cho rau, câu cá, bắt gà… Trong ảnh, khách du lịch hái cam tại Orfarm Măng Đen (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Huyền Trần.

Khi du nhập vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây, mô hình farmstay khiến giá đất tại nhiều địa phương lân cận TPHCM như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Lâm Đồng… tăng cao. Cùng với phong trào “Bỏ phố về rừng”, việc mua đất xây dựng farmstay được nhiều nhà đầu tư bất động sản mời chào rầm rộ.

Tại tọa đàm “Bất động sản thời kỳ mới: đầu tư vào đâu?” diễn ra hồi tháng 10-2020, các chuyên gia cho rằng đầu tư nông trại nghỉ dưỡng kết hợp làm du lịch (farmstay) ẩn chứa nhiều rủi ro do chi phí vận hành lớn, trong khi phần lớn đất dự án loại hình này có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm.

Theo TS Đinh Thế Hiển, cách đây chừng 10 năm, từng có trào lưu mua 5-10ha ở các tỉnh lân cận TPHCM để làm nhà vườn nhưng sau đó, nhiều người nhận ra rằng, mua đất rồi phải xây nhà, bảo trì nhà khá tốn kém, trong khi về ở xung quanh không có tiện ích nên phong trào này lắng xuống.

Bỏ phố về rừng
Các farmstay ngoài cung cấp chỗ lưu trú thường kèm theo các dịch vụ ẩm thực với những món ăn đặc sản tại địa phương, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong trang trại. Trong ảnh, khách nướng khoai lang tại Family Farm (Kon Tum) dịp lễ tết tây vừa qua. Ảnh: Chấn Hưng.

Trong hai năm nay, việc đầu tư vào nông trại nghỉ dưỡng đang ‘sống lại’ một lần nữa với nhà vườn diện tích nhỏ hơn, khoảng 1.000 – 2.000 m2 đối với các dự án gần TPHCM. Trong khi đó, rất nhiều người đổ xô mua đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp với diện tích lớn chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên để làm farmstay. Mô hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính pháp lý, liên quan tới việc lên thổ cư, các quy định về sử dụng đất, đăng ký kinh doanh…

Còn theo chị Hoàng Thị Nhung, một thành viên group Bỏ phố về rừng và đang có một farmstay ở Di Linh (Lâm Đồng), việc rời bỏ cuộc sống nơi thành thị để về quê hay lên các vùng rừng núi xây dựng trang trại, kết hợp làm du lịch, nghĩ dưỡng không hề đơn giản, nhất là với các bạn trẻ, kinh nghiệm làm nông nghiệp không hề có.

Theo chị Nhung, nhìn hình ảnh về đời sống làm nông dân trên các trang mạng xã hội đẹp lung linh, huyền ảo với cỏ cây, hoa lá, ánh mặt trời… nhưng trên thực tế, một người khi xác định gắn bó với nông nghiệp là phải “chân lấm tay bùn”, phải có kiến thức về nông nghiệp mới có thể “trụ” được.

 Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khi rau xanh không chỉ để ăn

0
(SGTT) - Không chỉ cung cấp thực phẩm hữu cơ, an toàn, những vườn rau xanh mướt tại các khu nghỉ dưỡng đang dần...

Các tour du lịch định hướng ‘xanh’ ngày càng được ưa...

0
(SGTT) - Những năm gần đây, du lịch xanh tại TPHCM đang phát triển mạnh và được nhiều du khách ủng hộ, đặc biệt...

Sáng kiến Điểm đến An toàn: Đồng hành cùng doanh nghiệp...

0
(SGTT) - Ngày 5-4, tại TP Châu Đốc, An Giang, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài...

Nhà hàng tại Quảng Nam nỗ lực làm du lịch xanh

0
(SGTT) - Tại Quảng Nam, một số doanh nghiệp đang hướng đến việc đầu tư cho du lịch xanh, bền vững, trong đó có...

Trao ‘hộ chiếu xanh’ khi du lịch xứ dừa

0
(SGTT) - Đã có 15 du khách được trao "hộ chiếu xanh" (passport Net Zero) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”...

Người dân Nhà Bè thức đêm làm du lịch

0
(SGTT) - Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có...

Kết nối