(SGTT) – Trong nhiều phiên bản lẩu cháo, lẩu cháo cá lóc được nhớ đến bởi vị thanh ngọt từ thịt cá lóc đồng, nấu trong nồi cháo vừa tới. Rồi có thêm rau nhúng kèm ăn thỏa vị trong trưa cuối tuần.
- Nồi lẩu cuối tuần thơm lừng cùng thịt lươn, hoa chuối
- Nồi lẩu cuối tuần bổ dưỡng khi chọn nhúng tủy bò
- Nồi lẩu cuối tuần đầu năm chọn thịt cá nhúng cho may mắn
Nhắc đến lẩu cháo trong ẩm thực Việt, có thể kể qua một số phiên bản như lẩu cháo lòng, lẩu cháo cua đồng, lẩu cháo sườn, lẩu cháo gà… Mỗi phiên bản có vị ngon riêng nhưng tựu chung lại là phải có rau nhúng kèm, cháo cũng chính là nước dùng lẩu.
Như tên gọi, lẩu cháo cá lóc gồm các thành phần nước lẩu cháo, thịt cá lóc, rau nhúng kèm. Khác với các món lẩu khác khi nước dùng hầm từ xương của chính nguyên liệu thực phẩm nhúng lẩu, món lẩu cháo cá lóc có nước dùng chính là phần cháo nấu từ gạo rang.
Việc chọn gạo cũng phần nào ảnh hưởng đến nồi nước dùng, cụ thể, mọi người thường chọn gạo nếp/gạo tẻ nghiền vỡ rồi trộn theo tỷ lệ riêng biệt. Khác với kiểu cháo thông thường, lẩu cháo cần cho nhiều nước để tránh cho nồi lẩu bị cháy khét trên lửa lớn. Cứ thế, nồi cháo nấu sôi bằng lửa lớn rồi để lửa nhỏ liu riu cho đến khi thêm thịt cá lóc vào.
Về cá lóc, đây là loại cá ngọt thịt, ít xương nên được ứng dụng nhiều trong các bữa cơm văn phòng. Theo đó, cá lóc nấu lẩu cháo phải là loại cá lóc đồng để bảo đảm hương vị món ăn. Tiếp đến, cần sơ chế cá thật sạch, lọc ấy từng khứa thịt vừa rồi rồi xếp ra đĩa.
Để tăng vị ngọt thanh tự nhiên cho nồi lẩu cháo cá lóc, một số đầu bếp thả thêm ít nấm vào như nấm kim châm, nấm rơm, nấm đùi gà… Song song đó là một số loại rau mang tính mát như cải cúc, mồng tơi, rau đắng.
Khi thực khách gọi món, người bán dọn lên một phần ăn gồm nồi cháo, đĩa thịt cá lóc, đĩa rau, còn nước chấm thực khách tự pha theo ý thích. Cách thưởng thức món ăn là cho thịt cá vào nồi cháo nấu sôi, nhúng rau vừa ăn rồi cảm nhận độ thanh ngọt của tất cả hương vị thực phẩm nấu cùng.
Theo amthucvungmien, monanmientrung, amthucmientay, shopeefood