Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Để sông nước ĐBSCL thật sự hấp dẫn du khách

Sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là tài nguyên lớn để khai thác du lịch, nhưng tiềm năng này chưa được sử dụng tương xứng. Vậy cần làm gì để “mỏ vàng” này thật sự hấp dẫn du khách?

Vấn đề trên đã được nêu ra tại talkshow “Khai thác “mỏ vàng” du lịch trên mặt nước ở ĐBSCL” do chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 20-12 trên Du thuyền Victoria Mekong (Cần Thơ), cùng sự đồng hành của Tập đoàn Thiên Minh (TMG).

Sông nước có lợi thế thu hút du khách, nhưng…

Là vùng có hệ thống sông, rạch chằng chịt, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển du lịch bởi sự riêng biệt. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt đánh giá: “Sông nước là tài nguyên du lịch tiềm năng, ĐBSCL đang nằm ở vùng có dòng sông mà thế giới gọi là sông huyền thoại, tức sông Mê Kông”, ông cho rằng, đây là điểm khác biệt mà cả miền Trung và miền Bắc không có được.

Là vùng có hệ thống sông, rạch chằng chịt, ĐBSCL có lợi thế để phát triển du lịch bền vững dựa trên tài nguyên quan trọng này. Ảnh: Ngọc Khuyến

Điểm thú vị gắn liền với sông nước vùng ĐBSCL còn là cuộc sống cả trên sông lẫn hai bên bờ rất đa dạng, bao gồm hoạt động nghề chài lưới, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của xóm làng, thậm chí nhiều lễ hội của người Hoa, Chăm, Khmer cũng diễn ra trên sông... “Chúng ta đang ở trên “mỏ vàng” rất dễ để khai thác du lịch, cả về những tour trên sông, hoạt động thể thao trên sông, thậm chí những khu du lịch, khách sạn ven sông”, ông Huê nhấn mạnh.

Một yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch chính là yếu tố khí hậu nắng ấm nên có thể khai thác du lịch quanh năm. Ngoài ra điểm độc đáo của sông vùng ĐBSCL là không có sóng quá lớn hay ghềnh thác nên rất an toàn cho hoạt động du lịch, đặc biệt vùng này gần như không có bão lũ cũng là một yếu tố thuận lợi.

Sức hấp dẫn của du lịch sông nước miền Tây Nam bộ đối với du khách đặc biệt là khách nước ngoài chính sự mộc mạc, giản dị, đồng thời mỗi vùng một cảnh sắc khác nhau như ven sông Bến Tre có những rặng dừa, Sóc Trăng có các rặn bần… bà Tô Linh Đa, Giám đốc Khối du lịch MICE và Khách hàng doanh nghiệp của Công ty Image Travel & Events - đơn vị chuyên khách Pháp cho biết nhận xét.

“Tham gia tour trên sông du khách không dừng lại ở thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, mà còn tận hưởng bầu không khí cũng như khám phá cuộc sống người dân địa phương hai bên bờ sông. Chẳng hạn, du khách rất thích thú với cảnh xe đạp chạy trên đường làng”, bà Linh Đa nói thêm.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận du có nhiều lợi thế nhưng thực tế việc khai thác du lịch ở đây vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng đang có. Theo ông Huê, hạ tầng giao thông để triển khai sản phẩm trên sông không đồng bộ hoặc số khác vẫn còn rất yếu. “Ví dụ, cả ĐBSCL chỉ thấy có một bến du thuyền duy nhất ở Mỹ Tho (Tiền Giang), trong khi những nơi khác chỉ ở mức tạm bợ”, ông Huê nói.

Ngoài ra, việc thiếu lễ hội tầm quốc tế trên sông Mê Kông hay xây dựng quá nhiều các đập trên những nhánh sông khiến ghe, xuồng từ ruộng vườn, làng xóm ra ngoài sông lớn và ngược lại rất khó khăn, cản trở phát triển du lịch sông nước.

Các diễn giả tham dự buổi trò chuyện. Ảnh: Trung Chánh

Du thuyền là “điểm sáng” du lịch sông nước

Trong bối cảnh khai thác du lịch sông nước của ĐBSCL được đánh giá “chưa tương xứng” với tiềm năng, thì việc TMG khai thác hiệu quả các tuyến du lịch sông nước ở ĐBSCL, thậm chí kết nối sang Campuchia được xem là một “điểm sáng”.

Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Cụm khách sạn phía Nam của TMG cho hay doanh nghiệp này muốn kết nối tài sản hiện có để tạo ra những trải nghiệm cho du khách cũng như kết nối du khách với con người ở các điểm đến. “Đây cũng là cách chúng tôi giới thiệu về văn hoá, lịch sử, làng nghề truyền thống của người dân vùng ĐBSCL”, bà Thư cho biết.

Tại ĐBSCL, doanh nghiệp này có 3 điểm đến chính gắn liền với sông nước, bao gồm khu vực Cái Bè (Tiền Giang), TP Cần Thơ và ở TP Châu Đốc (An Giang). Trong đó du lịch sông nước độc đáo nhất của TMG ở ĐBSCL đó là Du thuyền Victoria Mekong ở Cần Thơ. Theo bà Võ Xuân Thư, “Du thuyền Victoria Mekong là 1 trong hơn 20 du thuyền khai thác trên sông Mê Kông, nhưng là du thuyền đầu tiên khai thác trên nhánh sông Hậu xuất phát từ Cần Thơ đi Long Xuyên đến Vàm Nao qua Tân Châu, sau đó nhập vào sông Tiền lên Phnôm Pênh”.

Du thuyền Victoria Mekong trên sông Hậu.

Sau khoảng 4 năm hoạt động, hiện đơn vị này đã có được một lượng khách cố định, thậm chí trong cả năm 2024 (ngoài trừ các thời điểm bảo trì du thuyền) lịch tàu đã kín rất nhiều. Lịch trình năm 2024 từ Cần Thơ đến đến Phnôm Pênh và kéo dài đến tỉnh Kampong Cham (Campuchia) với hành trình 8 ngày 7 đêm.

Ngoài việc phục vụ khách quốc tế, bà Thư cũng cho biết, đơn vị này đang hướng đến phục vụ khách cao cấp nội địa. “Chúng tôi sẵn sàng tạo nên các sản phẩm có lịch trình đặc biệt để hướng đến những tổ chức, công ty hay du lịch họp hội của những nhóm lãnh đạo cao cấp từ 100 khách trở lại trên du thuyền này”.

Phải có thương hiệu cho vùng

Nói thêm về xu hướng du lịch, các chuyên gia trong buổi trò chuyện cũng đề cập, xu hướng du lịch xanh đang chi phối các tour tham quan do đó mà việc khai thác du lịch trên mặt nước kết nối nhiều với thiên nhiên sẽ thu hút lượng lớn du khách.

Tuy nhiên, để tạo sự thành công hơn khai thác du lịch sông nước, bà Linh Đa, Công ty Image Travel & Events cho biết, nhà tổ chức cần chú ý đến 4 yếu tố chính, bao gồm thứ nhất, lộ trình tham quan phải thích hợp để khách có thể trải nghiệm được nhiều nhất; thứ hai, về cơ sở vật chất (nhà hàng, tàu thuyền, khách sạn) phải gần gũi với thiên nhiên, mang bản sắc văn hoá và có chấm phá những nét đẹp kiến trúc vùng ĐBSCL; thứ ba, về nhân sự phải ở mức chuyên nghiệp, tức có sự bài bản trong giao tiếp và cuối cùng là phải tập trung về ẩm thực, tức tuỳ vào từng đặc điểm khách mà có sự lựa chọn thực đơn cho phù hợp.

Sông nước là tài nguyên du lịch đầy tiềm năng ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Theo PGS - TS Lê Anh Tuấn, Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), khi nói đến khai thác “mỏ vàng” du lịch sông nước ĐBSCL, thì phải biến “mỏ vàng” đó lấp lánh trên mặt mọi người, chứ không phải nằm sâu dưới đất. “Muốn vậy, người làm công tác du lịch phải có chất lượng”.

Theo ông, khi nói đến du lịch sông nước ĐBSCL, không chỉ giới thiệu đến du khách yếu tố vật lý như đặc điểm con sông hay vùng đó có gì, mà phải “lột tả” cho du khách thấy được cái hồn trên đó, tức biết được tại sao con sông này chỗ khác chỗ kia hay tại sao các vùng đô thị hoặc chợ nổi được hình thành. Muốn vậy, cần có sự kết hợp giữa các ngành, chứ riêng ngành du lịch là không đủ. “Cần có những chuyên gia hiểu biết nói về văn hoá, nói sâu về các vấn đề có liên quan đến sông nước ĐBSCL cho hướng dẫn viên hiểu rõ”, ông Tuấn cho hay.

Còn theo chia sẻ ông Huê, “ĐBSCL cũng chưa có thương hiệu chung cho cả vùng để khai thác du lịch, trong khi “Mekong Delta” là thương hiệu nằm trong “sách giáo khoa” của các nước trên thế giới. Do đó, trong tương lai, chúng ta cần phải định hướng thêm chiến lược marketing gắn với thương hiệu của vùng”, ông gợi ý.

Bên cạnh việc đưa ra những ý kiến tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ sông nước, theo các chuyên gia, để phát triển lâu dài các nhà tổ chức cần chú trọng đến yếu tố bền vững trong khai thác du lịch với những sản phẩm và hoạt động đảm bảo thân thiện môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và có đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối