Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Đầu bếp Phạm Văn Đông và ngã rẽ thành công với nghề cắt tỉa rau củ

(SGTT) – Từng học ngành điện công nghiệp, anh Phạm Văn Đông đã bén duyên với nghề bếp trong một lần đi làm thêm tại các quán ăn khi còn là sinh viên. Chính bước ngoặt này đã giúp anh khám phá ra năng khiếu của bản thân ở công việc cắt tỉa rau củ và hiện đã đạt được nhiều thành tích trong lĩnh vực này.

Ngoài công việc cắt tỉa rau củ, trang trí món ăn, anh còn làm công việc kết tráp mâm quả rồng phụng cho khách có nhu cầu và nhận dạy nghề này. Anh từng đạt giải 3 cuộc thi cắt tỉa Vietnam Culinary Chanllenge 2019; giải 3 cuộc thi cắt tỉa Non sông liền một dải 2020. Thành công của anh không chỉ đến từ năng khiếu mà còn là sự nỗ lực, chăm chỉ và kiên trì theo đuổi đam mê từng ngày.

Anh Phạm Văn Đông sinh năm 1993, quê quán tại Phan Thiết. Trước khi theo nghề bếp, anh Đông theo học nghề điện công nghiệp. Cũng như bao sinh viên khác, anh bắt đầu đi làm thêm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, đóng tiền học. Anh từng làm qua rất nhiều công việc như bảo vệ, phục vụ quán cà phê, phục vụ quán ăn….

Thời gian làm ở quán ăn, anh đã không khỏi thích thú và ngưỡng mộ các đầu bếp tại quán ăn. Anh kể: “Mỗi lúc các anh đầu bếp xào chiên lửa bốc xèo xèo như đầu bếp Martin Yan khiến tôi rất ấn tượng và thấy thú vị. Thấy tôi thích và quan tâm, có một anh trong bếp hỏi tôi có muốn làm nghề bếp không sẽ giới thiệu cho tôi. Khi đó, tôi đã suy nghĩ mấy đêm liền giữa việc học điện và bếp. Và cuối cùng tôi đã chọn bếp”.

Tay ngang theo nghề, nhưng với niềm tin rằng “gừng càng già càng cay”, cứ rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm sẽ giỏi nghề, anh Đông không ngừng học hỏi. Nghề dạy nghề, dần dần anh bắt đầu làm quen và đi lên từ vị trí phụ bếp, lên bếp chính kiêm cắt tỉa trang trí món ăn tại nhiều căn bếp của resort tại Phan Thiết, nhà hàng tiệc cưới lớn tại TPHCM như resort 4 sao Lotus tại Mũi Né, Phan Thiết; Nhà hàng tiệc cưới – Trung tâm hội nghị Glorious, quận Tân Phú; Nhà hàng tiệc cưới – Trung tâm hội nghị Kỳ Hòa, quận 10; Nhà hàng tiệc cưới Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình.

Thông qua thời gian làm việc tại nhà hàng tiệc cưới, đầu bếp Phạm Văn Đông đã nhận ra bản thân có khiếu với nghề cắt tỉa rau củ – tiền đề cho ngã rẽ thành công của anh.

Anh ngày càng tìm tòi, học hỏi và phát triển tay nghề qua chính những công việc tại nhà hàng tiệc cưới – nơi mà những bàn ăn không chỉ yêu cầu ngon miệng mà còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ. Công việc cắt tỉa rau củ, trang trí món ăn không chỉ đòi hỏi đôi tay khéo léo, lành nghề mà còn đòi hỏi người thực hiện phải có thẩm mỹ tốt.

Anh Đông chia sẻ, trong cắt tỉa khó nhất là kỹ thuật ghép khối, để làm sao ra dáng. “Sau đó mình vẽ trên nguyên liệu mình tỉa, nếu mình vẽ chuẩn thì tác phẩm của mình sẽ chuẩn, kỹ thuật khó nhất là tỉa nhân vật người cổ trang”, anh Đông cho hay.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất, anh nhớ lại thời mới tập cầm dao, tay nghề chưa vững. Anh kể: “Lúc đó tôi chỉ học qua mạng xã hội video – YouTube. Đến lúc Tết Dương lịch, cách đây 10 năm khi tôi còn làm ở resort Lotus, Phan Thiết, tôi phải tỉa rất nhiều thứ để trang trí buffet cho khách nước ngoài”.

Lần đó, anh thấy đoàn khách nước ngoài đến nói chuyện với anh quản lý mà anh lại không giỏi tiếng Anh lắm. Nghe anh quản lý dịch lại, ảnh nói là họ hỏi: “Ai là người thiết kế mấy mẫu này? Rồi quản lý trả lời và chỉ sang tôi. Thế là đoàn khách này lại chụp hình với mình quá trời! Cảm giác của tôi lúc ấy rất vui và cũng là động lực để mình phát triển xa hơn”.

Anh Phạm Văn Đông đạt giải 3 cuộc thi cắt tỉa củ quả Non sông nối liền một dải 2020. Ảnh: NVCC

Đối với anh, nghề cắt tỉa, trang trí món ăn rất cần thiết để thu hút thực khách, giúp họ cảm thấy thỏa mãn cả về vị giác vẫn thị giác khi đến nhà hàng thưởng thức, ăn uống. “Cùng là đĩa thức ăn như nhau, nhưng đĩa có trang trí sẽ thu hút hơn. Hiện nay người ta, đặc biệt là giới trẻ cũng thường có thói quen chụp ảnh, nên nhiệm vụ của người cắt tỉa, trang trí cũng rất quan trọng. Đó cũng là yếu tố giúp giữ chân thực khách”, anh Đông nhận định.

Dù đam mê nghề bếp, song anh nhận thấy công việc nấu bếp khiến anh khá áp lực và không thể dành nhiều thời gian cho gia đình, bản thân. Đầu bếp Phạm Văn Đông quyết định nâng cao tay nghề và chuyển hẳn cắt tỉa rau củ chuyên nghiệp.

Với kinh nghiệm và tay nghề đã tích lũy, anh đi giảng dạy trang trí cắt tỉa, đồng thời làm cho các nhà hàng tiệc cưới và thậm chí làm sản phẩm bán cho các nhà hàng khác. Có những mùa cuối năm, số lượng tiệc cưới tăng nên anh còn phải thường xuyên tăng ca để đảm bảo chuẩn bị đủ các sản phẩm phục vụ tiệc. Mùa cao điểm, nơi cung cấp giao nguyên liệu không đúng ý tưởng, đích thân anh phải tự tay đi mua để các sản phẩm của mình luôn có chất lượng tốt nhất.

Khi dịch Covid-19 bùng lên tại Việt Nam, anh bắt đầu nhận thấy công việc không còn thuận lợi, nghề cắt tỉa rau củ cũng đã bão hòa. Từ một đầu bếp, nhân viên cắt tỉa rau củ chuyên nghiệp, anh còn mở rộng thêm công việc của mình với nghề kết tráp mâm quả rồng phụng cho đám tiệc và làm cho khách đặt có nhu cầu.

Tưởng chừng không có mối liên hệ, song anh Đông chia sẻ, nghề kết mâm quả có mối liên quan rất nhiều với nghề cắt tỉa. Cụ thể, anh có thể áp dụng các kỹ thuật cắt tỉa vào cắt khung rồng phụng. Trong nghề này, khung đã đẹp thì những người thợ kết những nguyên liệu lên sẽ có hồn, mềm mại và uyển chuyển hơn. Nhờ đã có đôi tay khéo léo, kỹ thuật vững trong nghề cắt tỉa, anh có thể sáng tạo nên nhiều tác phẩm đẹp và nhanh chóng theo được nghề. Hiện tại, anh đang giảng dạy tạo hình tráp rồng phụng tại cửa hàng hoa tươi Rừng Flower, quận 10, TPHCM.

Đầu bếp Đông cùng các học viên trong một lớp học cắt tỉa. Ảnh: NVCC

“Kể từ khi chuyển sang nghề cắt tỉa rau củ, tôi đã trở thành giảng viên cắt tỉa trang trí món ăn truyền lửa đam mê cho tất cả các bạn đầu bếp nói chung và những chị em nội trợ nói riêng; giảng viên kết tráp tạo hình trái cây giúp cho anh chị em shop hoa có thêm nguồn thu nhập ổn định. Điều tôi tâm đắc nhất là các học viên đều làm nghề được và thậm chí còn giỏi hơn tôi “, anh Đông tâm đắc.

Thậm chí, anh còn đạt được nhiều giải thưởng về nghệ thuật cắt tỉa rau củ quả, nhận được lời mời tham gia các chương trình truyền hình về ẩm thực. Mùa dịch, anh Đông còn mở thêm tài khoản trên Tiktok (mạng xã hội chia sẻ bằng video) để chia sẻ những video cắt tỉa rau củ bắt mắt, đạt hơn 65.000 lượt theo dõi.

Trong tương lai, anh Đông dự định sẽ giảng dạy mở rộng ra Hà Nội nếu có cơ hội. Xa hơn, khi dịch Covid-19 ổn định, anh mong muốn sẽ được sang Thái Lan tham gia cuộc thi ẩm thực để ghi thêm cột mốc vào sự nghiệp của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin cho Chishuru

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc), nữ đầu bếp người Nigeria - Adejoké Bakare – vừa “hái” sao Michelin thành công vào ngày 5-2-2024. Đầu bếp 31 tuổi tạo nền ẩm...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế Phụ nữ

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp thân hữu về chuyện nghề, chuyện đời. Nghe đầu bếp Việt kể chuyện sang Thái nấu tiệc mừng Ngày Quốc khánh Việt Nam 2-9 Tìm...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc gia

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn tìm cách rẽ hướng lập nghiệp ở thành phố xa lạ. Qua nhiều thăng trầm, anh đã trở thành bếp trưởng của một tập đoàn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai xịt’

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị về câu chuyện mang nước mắm vào chai xịt, góp phần nâng tầm giá trị của nước mắm Việt. Thơm...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường quốc tế

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp. Hơn cả mong muốn phát triển bản thân, chị nuôi dưỡng ước mơ đưa tên Việt Nam ghi danh trên đấu trường ẩm thực quốc...

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc bánh kem ngọt ngào

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm bánh, tôi luôn giữ cho mình hơi thở và cảm xúc tốt, để từng đường nét thể hiện trên bánh sắc sảo và có hồn...

Kết nối

Cùng chuyên mục