Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Đầu bếp Nguyễn Văn Thanh và 8 năm ‘ngược dòng’ theo nghề

(SGTT) – Giữa lúc có công việc văn phòng ổn định, anh Nguyễn Văn Thanh lại rẽ hướng sang nghề bếp. Tuy 8 năm là khoảng thời gian chưa dài nhưng đủ để anh chứng minh niềm đam mê với nghề và hái trái ngọt từ quyết định ngày ấy.

Đầu bếp Nguyễn Văn Thanh hiện đang là Bếp trưởng Nhà hàng Hideout Kitchen & Bar tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Trở thành đầu bếp là một kế hoạch anh không dự tính trước. Vừa học nghề vừa làm nghề, anh gặp không ít khó khăn với nhiều lần đổi việc trước khi có vị trí ổn định để phát huy tay nghề như hiện nay.

Đầu bếp Nguyễn Văn Thanh hiện đang là Bếp trưởng Nhà hàng Hideout Kitchen & Bar tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: NVCC

Ngã rẽ với ẩm thực

Anh Nguyễn Văn Thanh (33 tuổi) sinh ra ở Quảng Trị và lớn lên tại đất biển Bình Thuận. Cũng như nhiều người, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh vào TPHCM học và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Đại học Lao động và Xã hội. Anh bắt đầu đi làm công việc văn phòng tại một tổ chức phi chính phủ và lập gia đình. Tưởng chừng ở giai đoạn này, ai cũng cố gắng duy trì công việc ổn định, nhưng anh lại chọn một ngã rẽ ngược dòng: đổi nghề.

“Khoảng thời gian đó, gia đình tôi sắp có con nhỏ. Áp lực về tài chính cũng thôi thúc tôi tìm một hướng đi mới trong sự nghiệp. Nhờ ở miền biển, tôi tập tành kinh doanh buôn bán hải sản từ quê vào”, anh nhớ lại bước ngoặt chọn hướng đi khác. Tuy nhiên, việc kinh doanh không mấy thuận lợi khiến anh một lần nữa tìm kiếm cơ hội khác. Anh kể thêm “Khi đó cũng loay hoay vì việc kinh doanh không được như ý. Tôi muốn tìm một công việc mà có thể vừa làm vừa học nghề để đảm bảo tài chính cho gia đình. Và tôi thấy nghề bếp có thể đáp ứng được yêu cầu này mà tôi cũng có niềm yêu thích việc nấu nướng”.

Chia sẻ thêm về những ngày đầu làm bếp, anh cho biết khó khăn lớn nhất là chưa nhận được sự ủng hộ của người thân, gia đình vì đang có công việc ổn định. Chưa kể đến, nghề này rất vất vả: đi sớm về khuya, những ngày lễ tết lại không có nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Nhìn thấy những khó khăn đang phải trải qua, thời gian đầu, người thân không ủng hộ con đường mới này của anh. Song anh không xem đây là điều cản trở, trái lại, anh càng muốn nỗ lực hơn để theo đuổi con đường làm đầu bếp chuyên nghiệp.

Sự nỗ lực và nghiêm túc trong nghề là những tiêu chí anh luôn giữ vững khi chọn theo đuổi công việc đầu bếp. Ảnh: NVCC

Con đường học nghề thêm phần gian nan vì anh là tay ngang, chưa từng học nghề bài bản. Năm 2015, anh bắt đầu vị trí phụ bếp tại các quán ăn, nhà hàng ở khu vực Thủ Đức (TPHCM). Sau khoảng 1 năm vừa học vừa nghiên cứu nghề bếp và đặc biệt là xem nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới chế biến món ăn chuyên nghiệp, anh bắt đầu định hình lại con đường sự nghiệp.

“Tiếp xúc một năm trong nghề, tôi nhận thấy ngành ẩm thực đa dạng, phong phú và thú vị. Tôi tìm hiểu và thấy rất thích phong cách ẩm thực fusion nên muốn theo đuổi học hỏi thêm. Các món ăn theo phong cách này hấp dẫn và còn được trình bày chuyên nghiệp, bắt mắt”, đầu bếp Văn Thanh chia sẻ về phong cách ẩm thực anh theo đuổi.

Gian nan chặng đường theo nghề

Sau khi định hình phong cách ẩm thực mình theo đuổi, anh tìm đến công việc tại một nhà hàng chuyên món Nhật và Á trên đường Hàm Nghi, quận 1 để tiếp tục học nghề. Từ bếp quán ăn đến nhà hàng lớn, anh cũng vấp phải rất nhiều khó khăn từ quy trình làm việc đến kiến thức chuyên môn phải luôn được cập nhật và thích nghi với môi trường mới. Không ngại khó, anh đặt mục tiêu học hỏi kiến thức ẩm thực và cách làm việc chuyên nghiệp nơi đây để vượt qua.

“Tại nhà hàng đó, tôi học về các món nướng, cách sơ chế nguyên liệu đặc trưng của các món Nhật. Vị bếp trưởng ở đó cũng là một người đóng góp nhiều trong việc dẫn dắt tôi học nghề. Tôi cố gắng quan sát, thấy có gì hay thì ghi lại và về học hỏi thêm trong quá trình làm việc. Vì là tay ngang, nên tôi chủ động học hỏi mới có thể theo kịp”, anh Thanh kể về phương pháp học nghề của mình.

Nhờ nỗ lực để phát triển kiến thức chuyên môn, trong vòng 2-3 năm, anh giữ vị trí bếp phó tại một nhà hàng bia ở Thủ Đức. Ở giai đoạn này, anh có cơ hội trải nghiệm vị trí quản lý và đúc kết thêm nhiều kinh nghiệm điều hành bếp. Anh tiếp tục cơ hội thử sức vị trí bếp trưởng tại một nhà hàng ở Tân Bình, chuyên về các món Việt phong cách fusion – đúng định hướng mà anh lựa chọn. Đây cũng là nơi đầu tiên kể từ khi học nghề cho anh thỏa sức sáng tạo và phát huy tay nghề. “Tôi được tham gia tạo thực đơn mới cho nhà hàng. Món ăn nổi bật của tôi tại nhà hàng là sườn xông khói kiểu Mỹ”, anh kể.

Phong cách ẩm thực fusion anh theo đuổi thể hiện rõ nét trên từng món ăn. Ảnh: NVCC

Con đường học nghề của anh vẫn tiếp tục bằng kinh nghiệm từ những lần đổi việc, học hỏi nhanh ở nhiều nhà hàng lớn sau đó. Có thời gian, anh cùng những anh em trong nghề học thêm về công việc setup nhà hàng. Anh cho biết bản thân không ngại thay đổi công việc, dù gặp nhiều áp lực và liên tục thích nghi, làm mới bản thân. Với anh, cùng là nghề bếp những mỗi căn bếp lại có những đặc trưng và thế mạnh riêng mà anh cần học hỏi. Ngoài ra, anh còn dành thời gian tham gia một số cuộc thi ẩm thực để thử sức và xây dựng hình ảnh cá nhân trên con đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.

Khi sự nghiệp vừa nhen nhóm đi vào ổn định thì bất ngờ dịch Covid-19 ập đến, ảnh hưởng chung toàn bộ ngành ẩm thực, dịch vụ. “Thời gian này rất khó khăn, tôi phải chuyển qua chạy xe ôm công nghệ một thời gian để trang trải cuộc sống. Nhưng những ngày ở nhà nấu ăn, tôi lại nhớ cảm giác đứng bếp, nhớ cả những niềm vui nỗi buồn của nghề bếp. Niềm vui lớn nhất của người đầu bếp là được khách hàng tấm tắc khen ngợi món ăn của mình. Dù phải làm việc rất áp lực, liên tục 12-13 giờ trong bếp, nhưng khi được khách khen thì tất cả mệt mỏi tan biến hết”, anh nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.

Niềm đam mê nghề bếp một lần nữa dẫn dắt anh tới công việc tại nhà hàng Hideout Kitchen & Bar (địa chỉ 13/5L Đường 30/4, Phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một, Bình Dương) hiện tại. Anh nhận lời mời làm bếp trưởng và chính thức quay lại nghề bếp từ một năm sau dịch. Dù phải xa nhà đến một nơi mới làm việc nhưng anh hoàn toàn hài lòng với quyết định này.

Những bàn tiệc sang trọng, tinh tế do bếp trưởng Nguyễn Văn Thanh setup. Ảnh: NVCC

Tại căn bếp này, anh thỏa sức sáng tạo, điều hành bếp và ứng dụng cả những kiến thức về setup nhà hàng, tiệc. “Tôi thấy chủ đầu tư của nhà hàng này dù trẻ tuổi nhưng có tầm nhìn, hiểu biết rộng về ẩm thực. Họ cũng có cùng điểm chung mong muốn tôn vinh ẩm thực Việt như tôi. Đặc biệt, phân khúc khách hàng trẻ là thế mạnh giúp tôi dễ tiếp cận các món ăn kiểu fusion mới mẻ”, anh tâm đắc về công việc tại đây.

Mảnh đất Bình Dương hay thành phố mới Thủ Dầu Một cũng là mảnh đất màu mỡ để anh có thể gặp gỡ và tham gia công tác đào tạo, định hướng cho các đầu bếp trẻ. Cụ thể, anh vừa được bổ nhiệm vị trí Ủy viên Hội Đầu bếp Bình Dương. Đây cũng là một bước ngoặt minh chứng cho năng lực và tình yêu nghề bếp của anh kể từ khi chọn ngã rẽ ẩm thực cách đây 8 năm. Nhìn lại quá trình nhiều gập ghềnh đó, anh cho biết, chính sự đam mê và lao động nghiêm túc đã cho anh một con đường tương lai với nghề chảo lửa.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối