Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu

(SGTTO) - Ban chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp đã chính thức công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu trong phiên họp ngày 10-7-2020.

Phiên họp công nhận 15 công viên địa chất toàn cầu diễn ra tại Paris, Pháp.

Quyết định này đưa ra sau phiên họp cuối cùng của Ban chấp hành UNESCO chiều ngày 10-7. Tổ chức này đã thống nhất với danh sách đề cử 15 công viên địa chất do Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đưa ra từ quyết định đề cử tại Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu ở Lombok, Indonesia.

Chủ tịch Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế, đại sứ của Venezuela, đã báo cáo các quyết định của Ủy ban cho phiên toàn thể của Hội đồng chấp hành UNESCO, trong đó có quyết định điểm 208EX/5.I.E về công viên địa chất toàn cầu.

Bản đồ Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Sau báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức thông qua danh sách các công viên địa chất được chấp thuận trở thành Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Công viên địa chất Đắk Nông đã trở thành công viên địa chất toàn cầu UNESCO cùng với 14 công viên địa chất khác trên thế giới.

Công viên Địa chất Đăk Nông trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Núi lửa Nâm Kar trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Ảnh: Lê Thành Đạt

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được thành lập năm 2015, có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông; nằm trên cao nguyên M’Nông hùng vĩ, có ranh giới trải dài trên năm huyện và một thị xã, gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa. Đây là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực, đáp ứng các tiêu chí để đăng ký danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Do đó, tháng 10-2019, Công viên địa chất Đắk Nông được Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Global Geoparks Network) đề cử Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận là Công viên địa chất toàn cầu trong kỳ họp diễn ra vào mùa xuân năm 2020 của UNESCO.

Điểm đặc biệt nhất trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động nằm trong các núi đá bazan, phân bố ở khu vực D’ray Sáp – Chư R’Luh, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động núi lửa này đã được Hiệp hội Hang động Núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, sự đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ… Đến nay, các nhà khoa học và đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m.

Trong khu vực công viên địa chất còn có các di sản kiểu cổ sinh, các mỏ và điểm quặng khoáng sản, các di vật khảo cổ, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, và là khu vực có đa dạng sinh học cao.

Phiên họp công nhận 15 công viên địa chất toàn cầu diễn ra tại Paris, Pháp:

Công viên địa chất là mô hình kết nối và tìm hiểu về sự hình thành của trái đất, thông qua hình thức du lịch địa chất. Đây là nơi du khách có cơ hội được tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm cấu tạo của các dạng địa hình. Mô hình này đề cao công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để sống chan hòa với thiên nhiên, biết trân trọng những giá trị và tài nguyên của tạo hóa. Tiềm năng phát triển du lịch thông qua mô hình công viên địa chất đã trở thành xu thế phát triển bền vững của ngành du lịch trong khu vực và trên thế giới. Tính đến nay, thế giới có 162 công viên địa chất toàn cầu UNESCO.  

Ngọc Bảo - Trần Hoàng Mai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối