Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Con đường khôi phục du lịch nội địa còn xa

(SGTT) – Để du lịch thực sự khôi phục trở lại điều cốt lõi là đảm bảo an toàn nhưng cũng cần tạo cảm giác thoải mái cho du khách và giảm thiểu tối đa các quy định về xét nghiệm tại điểm đến.

Những ngày qua, nhiều địa phương đã có kế hoạch “mở cửa lại” hoạt động kinh doanh du lịch nhưng thực tế chủ yếu đón khách nội tỉnh; đối với khách ngoại tỉnh phải yêu cầu có thẻ xanh Covid-19 kèm theo xét nghiệm RT-PCR.

Đó là chưa kể, các sân bay ở một số tỉnh được phép hoạt động trở lại đều yêu cầu khách đi máy bay từ TPHCM đến phải cách ly tập trung, tự cách ly tại nhà hoặc duyệt trước danh sách khách bay.

Hành khách đi máy bay thời điểm này đều bắt buộc phải đeo khẩu trang, đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin và xét nghiệm âm tính với Covid-19. Ảnh: Vietnam Airlines

Báo cáo tại buổi họp khẩn chiều ngày 11-10, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết sau 2 ngày thí điểm mở lại đường bay nội địa, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là phải thống nhất quy định điều kiện hành khách đi máy bay trên toàn quốc.

Trao đổi với tác giả, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel Holdings, cho biết, vấn đề ách tắc mà chính Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ và yêu cầu chấm dứt nhưng không đưa ra chế tài cụ thể nếu địa phương không thực hiện thì cũng như “đánh bùn sang ao”. “Con đường khôi phục du lịch nội địa còn xa lắm”, ông Kỳ nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty du lịch Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, cho biết thêm, vẫn biết chính quyền địa phương có mong muốn khôi phục lại hoạt động kinh tế – xã hội, trong đó có du lịch. Bằng chứng là các địa phương dần mở cửa lại du lịch, đón khách nội tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, một số địa phương đưa ra những phương án như yêu cầu cách ly (tại nhà, cơ sở lưu trú…) đối với người ngoài tỉnh vì địa phương chưa đủ miễn dịch cộng đồng và như thế thì “mở cửa du lịch cũng như không”.

“Chỉ những khách tận dụng việc mở cửa hàng không, được phép đi lại để rời TPHCM về quê do bị mắc kẹt vì dịch chứ áp dụng với khách du lịch thì doanh nghiệp chịu thua”, ông Dũng nói thêm.

Ông Dũng cho biết thêm du lịch không phải bước ra khỏi nhà thì được gọi là đi du lịch. Du lịch phải có thêm sự thoải mái, thư giãn, trải nghiệm dịch vụ, điểm đến. Vì thế, khi đi du lịch, yếu tố an toàn là quyết định nhưng cần phải có thêm sự thân thiện của người phục vụ, thân thiện tại điểm đến.

Đoàn khách là đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch đi tour du lịch do TPHCM tổ chức tri ân.

“Hiện nay, các địa phương gần như chỉ mới đặt yếu tố an toàn chứ chưa đưa ra phương án mang lại sự thân thiện, thoải mái cho khách du lịch đến”, ông Dũng chia sẻ. Và điều này khiến cho khách du lịch thời điểm này sẽ cảm thấy bị áp lực vì phải bị xét nghiệm, cách ly (dù họ đã đáp ứng đủ điều kiện an toàn như tiêm đủ 2 liều vắc-xin và đã xét nghiệm PCR trước khi đi). Đó là chưa kể, khách sẽ có cảm giác bị kỳ thị khi mà địa phương thực hiện các biện pháp trên vì cứ như xem họ có nguy cơ mang mầm bệnh đến địa phương.

Vì thế, để mở cửa du lịch, cần phải giải bài toán miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vắc-xin cho trên 70% người dân. “Độ bao phủ vắc-xin cao thì mới đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Khi đó, xúc tiến du lịch mới đúng nghĩa”, ông Dũng phân tích thêm.

“Chúng ta kêu gọi sự an toàn cho du khách nhưng hiện cứ thực hiện một chiều (an toàn cho địa phương – PV) thì sẽ gây ra sự khó chịu cho du khách”, ông Dũng nói.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết: “Để mở cửa, cái chính là độ phủ vắc-xin”, ông Khanh nói nhưng chờ độ phủ vắc-xin trong cộng đồng đạt ở mức cao mới quyết định mở cửa thì sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất. Ảnh chụp màn hình chiều ngày 14-10.

Ông Khanh cũng cho rằng việc các tỉnh đưa ra phương pháp đó nhằm mang tính thăm dò. Nghĩa là khách tới tỉnh đó, đi trên cung đường không lây thêm cho ai hoặc nếu có xảy ra thì chỉ lây cho nhóm người cùng đi nhưng cấp độ nhẹ vì tất cả đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 và xét nghiệm PCR trước khi đi.

Vì thế, theo ông Khanh, để triển khai hoạt động đi lại bằng đường hàng không hoặc người ngoài tỉnh vào bằng đường bộ, địa phương có thể theo dõi điểm đến, hành trình và từ đó đánh giá tình hình dịch bệnh, nếu có xuất hiện ca nghi nhiễm thì cho dừng hoạt động để kiểm soát.

“Nếu đảm bảo các điều kiện này thì vẫn có thể triển khai”, ông Khanh nói thêm. “Chứ chống dịch theo kiểu chắc chắn rồi mới mở cửa thì đó không phải làm kinh tế”, cũng không cần thiết phải lập “bộ sậu” từ trung ương tới địa phương để chỉ đạo phòng chống dịch.

Vì thế, để thực hiện mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” như Nghị quyết 128 của Chính phủ, cần có sự phối hợp với nhau không chỉ giữa các cơ quan ban ngành và còn giữa ban ngành và doanh nghiệp để bàn phương hướng vì không có gì hoàn hảo.

Danh sách các địa phương được Bộ Y tế phân bổ vắc-xin. Ảnh chụp màn hình từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia.

“Phải tính toán sao cho người đi du lịch cảm thấy thoải mái, thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Khanh nói thêm. Khách ở đâu cũng được miễn hạn chế tối đa tiếp xúc ngoài cộng đồng và người phục vụ du lịch cũng phải đủ tiêu chuẩn như đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, xét nghiệm tầm soát thì du lịch có thể hoạt động.

Ngày 14-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch, một số cục, vụ của Bộ VHTTDL, Bộ Y tế về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch trong tương lai.Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cùng với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch cần khẩn trương khôi phục lại hoạt động từng bước an toàn, chắc chắn.Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam chủ động được cơ bản nguồn vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm, ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh đã nâng cao thêm một mức… Đây là những yếu tố thuận lợi hơn trước để từng bước mở lại hoạt động du lịch.

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Biến thể phụ XBB.1.5 mới xuất hiện ở TPHCM nguy hiểm...

0
Ngày 14-4, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa qua, thành phố đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu...

Dịch có xu hướng giảm, phòng chống Covid-19 có được điều...

0
Vừa qua, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, Covid-19 sẽ thành một bệnh như cúm mùa trong năm 2023....

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Đến thăm cây di sản tại VQG Bù Gia Mập

0
(SGTT) - Trong thời gian qua, bằng những hoạt động cụ thể, Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập đang tập trung phát triển...

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

Kết nối