Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

“Mở cửa lại” du lịch: Đảm bảo an toàn nhưng cần sự thống nhất

(SGTT) – Các doanh nhân cho rằng để mở cửa trở lại thị trường du lịch, vấn đề an toàn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, an toàn cần phải hiểu là khách đã tiêm vắc-xin và nhân viên phục vụ tiêm đủ 2 mũi; đồng thời các địa phương nên thống nhất phương án với nhau, tránh mỗi nơi một kiểu.

Trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch với chủ đề Đảm bảo an toàn khi khôi phục hoạt động du lịch diễn ra ngày 6-10 do Sài Gòn Tiếp ThịSáng kiến Điểm đến an toàn phối hợp thực hiện, các khách mời đều khẳng định, đảm bảo an toàn khi mở cửa du lịch trở lại là điều kiện bắt buộc nhưng các địa phương nên có phương án thống nhất chung chứ hiện nay đang theo kiểu “mỗi tỉnh một kiểu”.

Video Du khách tham quan và trải nghiệm du thuyền

An toàn là cốt lõi

Theo chia sẻ của ông Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn Lux Group, nhu cầu khách nội địa đi du lịch là rất lớn sau thời gian bị “nén” quá lâu. “Khách thường có nhu cầu đi nhóm nhỏ gia đình, đi điểm đến gần, đường bộ, đến biển đảo, khu nghỉ núi và đi nhiều lần trong năm”, ông Hà nói, du lịch không còn là xa xỉ mà là nhu cầu thiết yếu trong đời sống, hưởng thụ để tái tạo năng lượng.

Một góc vịnh Lan Hạ, Hải Phòng.

Cũng theo ông Hà, từ ngày 21-9, Quảng Ninh đã cho đón khách nội tỉnh; ngày 1-10, Hải Phòng cũng cho khôi phục lại các hoạt động du lịch và du thuyền được đón khách nội tỉnh. “Hai tỉnh có thể đi lại với nhau bằng thẻ xanh và tiến tới xúc tiến du lịch chung, du khách có thể thăm quan hai vịnh trên một hành trình du thuyền”, ông Hà nói thêm.

Hiện các hoạt động du lịch nội tỉnh của các địa phương này diễn ra bình thường. Tinh thần sống chung với Covid-19 tạo nhiều trải nghiệm mới như tour ăn tối ngắm hoàng hôn trên vịnh từ cảng du thuyền Sun (Hạ Long) và chuẩn bị mở cửa đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11 với “thẻ xanh Covid-19” và có test xét nghiệm RT-PCR trước và sau khi tham quan.

Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện tại toàn bộ nhân viên Lux Group đã tiêm vắc-xin đủ 2 mũi, thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K. “Trên du thuyền, ít các điểm chạm tiếp xúc giữa người với người nhưng chúng tôi đảm bảo du khách vẫn cảm thấy ấm áp và hiếu khách”, ông Hà khẳng định.

Đồng tình với ông Hà, ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch BenThanh Tourist, cho biết thêm, doanh nghiệp của ông tuân thủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch do Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 TPHCM ban hành; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

“Việc đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch khi mở cửa trở lại và phải duy trì cả về sau trong giai đoạn bình thường mới, xác định sống chung với Covid-19”, ông Nguyên nói. Phần lớn hoạt động của công ty được chuyển thành hình thức làm việc online, không tiếp xúc trực tiếp để đảm bảo an toàn.

Mặt khác, theo ông Nguyên, để nâng cao nhận thức cho nhân sự công ty, BenThanh Tourist còn tổ chức thêm nhiều cuộc thi online truyền tải thông điệp tích cực trong mùa dịch Covid-19.

Gần đây nhất, BenThanh Tourist tổ chức cuộc thi tìm hiểu và áp dụng Bộ đánh giá tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua đó, nhân viên công ty có thể hiểu đúng hơn, rõ ràng hơn về các tiêu chí an toàn du lịch để áp dụng, bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ an toàn cho du khách tham gia chương trình du lịch của công ty.

Ngay tại Bến Tre, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, địa phương đang áp dụng Chỉ thị 19 của Chính phủ. “Các hoạt động lưu trú, nhà hàng đã được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tuyến điểm tham quan thì xếp vào danh mục vui chơi giải trí ngoài trời nên vẫn chưa được hoạt động”, bà Dung nói.

Đoàn du khách nội địa tham quan Phú Quốc trước đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Cũng theo bà Dung, các dịch vụ được hoạt động vẫn phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19. “An toàn là tiêu chí hàng đầu và quyết định trong việc đánh giá để mở cửa trở lại hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có du lịch”, bà Dung nói thêm.

Cần bỏ những quy định không cần thiết

Theo các khách mời, những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”, thích nghi an toàn với Covid-19. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế mở cửa du lịch tại mỗi địa phương lại khác nhau.

Theo ông Hà, các địa phương chống dịch cũng khá cực đoan trong đợt 4 này, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và tâm lý ngại đi du lịch, mặc dù nhu cầu là rất lớn.

Theo ông Hà, hiện nay một số địa phương còn chưa cho phép mở cửa lại đường bay nội địa.

“Chính quyền địa phương một số nơi cũng có khá nhiều rào cản như chưa nhận chuyến bay tới; mở cửa nhưng chỉ phục vụ khách nội tỉnh, du khách ngoại tỉnh đã có thẻ xanh Covid (đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin) vẫn yêu cầu test RT-PCR. Điều này vô tình tạo phiền phức cho khách, giá tour đắt hơn và quan trọng du khách cảm thấy không được chào đón”, ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, cần thay đổi tư duy từ “Zero Covid sang sống chung Covid”. Vì thế, cần có sổ tay an toàn chung cho cả nước trong việc ban hành quy định về an toàn phòng chống dịch.

“Chúng ta xác định sống chung với Covid, nghĩa là sẽ đi du lịch cùng Covid”, ông Hà nói. Như thế, định nghĩa an toàn cần phải hiểu là khách đã tiêm vắc-xin và nhân viên phục vụ tiêm đủ 2 mũi. Chỉ cần thế là đủ điều kiện để mở cửa du lịch, kinh tế, có như vậy khách mới đi du lịch.

Ông Hà cho rằng định nghĩa an toàn cần phải hiểu là khách đã tiêm vắc-xin và nhân viên phục vụ tiêm đủ 2 mũi. Ảnh minh họa: Quốc Bảo

Ông Hà dẫn chứng, tại châu Âu khi đã tiêm vắc-xin trong cộng đồng đạt 70% họ đều làm như vậy và rất thành công. Trong nước, một số địa phương “nói mở cửa nhưng tay đóng”. Doanh nghiệp tới mức không chịu đựng hơn được nữa.

Cũng theo ông Hà, hiện nay quy định vận chuyển không quá 50% sức chứa của du thuyền/ca nô cũng không hợp lý lắm. Đang được áp dụng mỗi nơi một kiểu, không thống nhất.

Ông Hà ví dụ ngay chính du thuyền của doanh nghiệp ông có 1.000m2 mỗi sàn, 4 tầng với 20 phòng, tối đa 60 khách, mà đón 50% thì phi lý, vì thực tế đã quá rộng và thoáng đãng.

“Bên Hạ Long, Quảng Ninh lại không áp dụng 50% công suất như Hải Phòng. Tuy nhiên du thuyền có chạy trong giai đoạn này cũng chưa thể lấp đầy khách nên chúng tôi cũng thấy chấp nhận được”, ông Hà nói thêm. Thiết nghĩ cần thống nhất và đã sống chung nên để phục vụ đủ công suất kèm cam kết thực hiện 5K, nếu không doanh nghiệp sẽ khó và càng chạy càng lỗ.

Ông Nguyên cũng cho rằng, từ góc độ nhà tổ chức tour du lịch, doanh nghiệp đánh giá cao các tiêu chí an toàn được Ban phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đưa ra. Tuy nhiên, một số điểm trong đó chưa phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của ngành du lịch.

Ông dẫn chứng rằng, yêu cầu “Người lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch như hướng dẫn viên, tài xế, phụ xế… phải được xét nghiệm nhanh định kỳ 3 ngày/lần” còn khá mơ hồ, chưa quy định mốc thời gian cụ thể; đồng thời còn có nguy cơ tạo thêm gánh nặng tài chính cho các công ty du lịch vốn đã bị ảnh hưởng kinh tế rất nặng nề qua 4 lần dịch tái bùng phát.

Vì thế ông đề xuất, việc xét nghiệm nhanh cho người lao động trực tiếp phục vụ du khách được tiến hành trước ngày khởi hành tour 1 ngày thì hợp lý hơn.

Hiện nay, TPHCM chỉ mới thực hiện tour thí điểm, tri ân các lượng lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Ngoài ra, tiêu chí an toàn yêu cầu du khách dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch còn chưa thỏa đáng.

Điều này có thể tạo gánh nặng chi phí cho khách hàng. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ có những điều chỉnh linh hoạt hơn. Ví dụ những nhóm khách gia đình mà người lớn đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin thì các thành viên dưới 18 tuổi chỉ cần dùng bộ kit test nhanh trước khi khởi hành là đủ.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, bên cạnh khó khăn về tài chính còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực do nhiều người lao động đã phải chuyển ngành, chuyển nghề nhằm mưu sinh trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Tiếp đến là những nhà cung dịch vụ cũng đã chuyển nghề trong đại dịch. Chính sách đi lại, xét nghiệm, cách ly của từng địa phương chưa thống nhất. Bên cạnh đó, sự đoàn kết giữa các điểm đến, các nhà cung cấp để đưa ra các phương án kích cầu, hoàn trả chi phí, hoãn, hủy dịch vụ hợp lý cho khách hàng là rất cần thiết. Ngoài ra, thị trường du lịch quốc tế còn phải phụ thuộc rất nhiều về chính sách mở cửa và chính sách y tế của từng nước cụ thể.

Ngoài ra, độc giả có thể xem thêm nội dung trong buổi tọa đàm trực tuyến do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp với Sáng kiến Điểm đến an toàn tổ chức tại đây.

Nguyễn Nam

Video: Phạm Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Buýt vi vu: Tìm về 4 hội quán của người Hoa...

0
(SGTT) - Vi vu cùng tuyến buýt số 1, du khách có thể khám phá các hội quán của người Hoa ở quận 5...

Đang lắp đặt trạm dừng chân tạm trên tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Theo ghi nhận Kinh tế Sài Gòn Online, trên tuyến cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang đang có nhiều điểm thi...

Các hãng hàng không tăng tải, ngành đường sắt ‘cháy’ vé...

0
(SGTT) - Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, các hãng hàng không sẽ tăng hơn 100 chuyến bay/ngày để đáp ứng nhu...

‘Chìa khóa’ mở các ‘cánh cửa quốc tế’ cho thời trang...

0
(SGTT) - Nổi bật và ấn tượng giữa vô vàn thiết kế trong và ngoài nước là khát vọng mà bất kỳ nhà thiết...

Bùng nổ công nghệ: cần ‘siết lại’ để đảm bảo lợi...

0
(SGTT) - Hai thập niên trước đây là giai đoạn các nước để công ty công nghệ tự quản lý, tuy nhiên trước tình...

Kết nối