Thứ Năm, Tháng Năm 9, 2024

Đầu bếp Lê Châu Trung: Từng bỏ nghề giữa chừng đến hành trình chinh phục những thực khách trẻ

(SGTT) – Anh Lê Châu Trung, 35 tuổi hiện đang là Bếp trưởng Nhà hàng Vườn Bia The 90’s (TPHCM), ngụ tại quận 11 đã có 15 năm thăng trầm trong nghề bếp. Từng có thời gian bỏ nghề giữa chừng vì quá vất vả, nhưng chính lúc đó anh nhận ra niềm đam mê với nghề mình đã chọn lớn hơn bao giờ hết. 

Từng bị bỏng nước sôi, nản chí bỏ nghề

Ngay từ nhỏ, anh Trung đã có niềm đam mê nấu ăn, nhưng thời gian đó anh không có điều kiện để tiếp xúc với nghề bếp. Thế nên, sau khi hoàn thành phổ thông trung học, anh chọn học ngành cơ khí ô tô tại trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

“Lúc nhỏ tôi hay nấu ăn cho gia đình, đam mê nghề bếp được nhen nhóm từ đó, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Cho đến khi học đại học, tôi làm thêm công việc phục vụ tại nhà hàng tiệc cưới. Chính môi trường này khiến tôi khao khát được trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp”, anh Trung kể.

Đến năm 22 tuổi, anh không làm công việc liên quan đến ngành cơ khí ô tô mình đã theo học mà quyết định rẽ sang một hướng mới, xin vào làm bếp tại Nhà hàng Buffer Ngon, quận 1. Anh bồi hồi: “Những ngày đầu tiên đến với nghề, tôi bắt đầu công việc từ 9:00-21:00 mỗi ngày. Áp lực công việc thật sự đôi lúc làm mình nản nhưng cũng từ đó mới hiểu được sự vất vả của đầu bếp là như thế nào”.

Có một kỷ niệm mà anh nhớ nhất là lần vì quá đuối sức bởi làm nhiều nên trượt tay làm đổ nồi nước phở rồi bị bỏng cả 2 chân. Lần đó, anh phải điều trị hết 1 tháng mới quay trở lại công việc. Rồi những khi nản chí anh xin nghỉ và lúc thì đi làm bảo vệ, lúc đi làm phục vụ quán ăn bởi nghề đầu bếp quá khắc nghiệt.

Nhưng được một thời gian, anh lại nhớ những lúc đứng bếp, lúc chế biến từng món để phục vụ khách hàng và nhìn thấy nụ cười mãn nguyện lúc thưởng thức của họ. Chính động lực ấy đã dẫn dắt anh trở lại với con đường đầu bếp mà anh từng nản chí.

Ở lần quay trở lại này, anh đã xác định tư tưởng rằng không có con đường nào là dễ dàng, vì vậy, anh không ngừng rèn luyện, học hỏi, nâng cao tay nghề. Cuối cùng “quả ngọt” cũng đã đến khi anh Trung từ phụ bếp đã trở thành bếp phó tại Hệ thống Cơm tấm Cali.

May mắn mỉm cười với anh một lần nữa, khi đến năm 2009, anh Trung được hợp tác làm việc tại nhà hàng Trung Lương, thành phố Mỹ Tho và gặp được người thầy giỏi, tận tâm. Đến năm 2010, được sự động viên của thầy anh quyết định đi học thêm kiến thức chuyên sâu tại trường Trung cấp nghề Du lịch và Khách sạn Khôi Việt, quận Phú Nhuận, TPHCM.

Hành trình chinh phục thực khách trẻ

Anh Trung cho biết, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau mang đến cho mình những cơ hội tiếp cận thực khách, văn hóa ẩm thực đa dạng để nâng cao tay nghề hơn. Tuy nhiên, gắn bó với nền ẩm thực Việt ngay từ những ngày đầu, điều này mang đến cho anh nhiều dấu ấn và ấn tượng mạnh đối với các món ăn Việt Nam.

Chia sẻ về một trong những món ăn anh cảm thấy tự hào nhất chính là món lẩu cua đồng. “Tôi nấu lẩu cua đồng theo vị của miền Bắc nhưng biến tấu, làm mới khẩu vị theo cách chế biến của riêng mình. Thay vì dùng dấm bỗng như cách nấu truyền thống, tôi sử dụng dấm gạo để giữ được độ chua ổn định, giúp màu nước lèo trong hơn. Rồi cho thêm chút mắm tôm để ngậy mùi hơn một chút”, anh Trung bật mí.

Không dừng lại ở đó, anh còn luôn biết cách làm mới phong cách chế biến bằng những thực đơn mới lạ. Cũng là những món ăn Việt, nhưng anh biến tấu, kết hợp nguyên liệu, cách chế biến từ ẩm thực Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… để cho ra các món ăn mà được nhiều bạn trẻ ưa thích và ủng hộ.

“Đối tượng khách hàng tại Nhà hàng Vườn Bia The 90’s, nơi tôi đang làm việc chủ yếu là các bạn trẻ, vậy nên tôi phải nâng cao tay nghề để chinh phục được khách hàng của mình. Bây giờ, các bạn thường ưa thích những món ăn có hương vị và cách trình bày theo phong cách nước ngoài, các món ăn theo xu hướng thì người trẻ càng thích thú”, anh bày tỏ.

Anh Trung cho biết thêm, để chinh phục được khẩu vị của thực khách trẻ, bản thân anh phải luôn cập nhật và nghiên cứu những món ăn mới, độc đáo nhằm giữ chân khách hàng. “Hạnh phúc nhất là khi món ăn mình chế biến được người ăn khen ngon và ghé quán lần nữa, đó là niềm vui lớn nhất của chính tôi khi gắn bó với công việc này”, anh chia sẻ.

Trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Trung phải gác lại công việc tại nhà hàng và dành thời gian nấu bếp ăn từ thiện tại quận 4. Anh chia sẻ, khi có chỉ thị được mở cửa trở lại, anh sẽ sớm quay trở lại với công việc để phục vụ những khách hàng đã yêu thích những món ăn do mình chế biến.

Uyển Cầm ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Kết nối