Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cô giáo vùng cao ở Kon Tum quyết khởi nghiệp bằng đặc sản quê nhà

(SGTT) – Trong quá trình giảng dạy cho trẻ em vùng cao, chị Trần Thị Kim Huệ, 37 tuổi, ngụ tại Kon Tum nhận thấy tình yêu của mình dành cho đặc sản quê nhà ngày càng lớn. Và rồi, chị quyết định chọn món thịt hun khói là sản phẩm tâm huyết để giới thiệu đến du khách gần xa.
Chị Kim Huệ bên gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp mình. Ảnh: NVCC

Được biết, chị Kim Huệ sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, hiện đang giảng dạy tại trường Trung học cơ sở Măng Đen (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum). Chị cho hay, trong thời gian làm giáo viên, chị hay tiếp xúc nhiều với các em học sinh cũng như phụ huynh là đồng bào dân tộc như Ba Na, M'nông, Xê Đăng, Ka Dong. Qua đó, chị cảm nhận rõ không chỉ văn hóa đời sống mà còn là các món ăn của bà con đồng bào.

Và rồi, chị ấn tượng nhất là món thịt hun khói có hương vị đặc trưng khó lẫn so với các món thịt khác. Cụ thể, họ dùng những nguyên liệu, gia vị của núi rừng như hạt dổi rừng, hạt mắc khén… quyện cùng các loại thảo dược sẵn có ở Măng Đen để ướp vào miếng thịt được lấy từ con heo, con bò chăn nuôi tự nhiên ở núi rừng.

Từ đó, chị nghĩ rằng mình cần giới thiệu nét đẹp văn hóa ẩm thực này đến mọi người trong cả nước và kể cả du khách nước ngoài. Về bàn bạc với chồng xong, cả hai cùng kiên trì để học hỏi, thử nghiệm… nhằm tìm ra cách chế biến hun khói thể hiện đúng tinh thần của bà con đồng bào. Sau nhiều lần thất bại, chị cũng có cơ duyên gặp được các bậc cao niên bản địa ở Măng Đen, và từ họ chị đã tìm ra đúng hương vị gốc của thịt hun khói Măng Đen.

Kinh doanh nhỏ lẻ vài năm, chị nghĩ mình phải có thương hiệu riêng cho món thịt hun khói này để thực khách có thể nhớ, nhận diện và tìm thưởng thức mỗi khi nhớ. Vậy là năm 2021, thương hiệu thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen đã chính thức ra mắt thị trường tiêu dùng.

Gian hàng Huệ Tâm Măng Đen trong một sự kiện kết nối các doanh nghiệp đạt sản phẩm OCOP của tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC

Giải đáp thắc mắc của Sài Gòn Tiếp Thị vì sao quyết định "khởi nghiệp" trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chị cho rằng “đó là duyên ẩm thực văn hóa vùng miền mà mình phải có trách nhiệm lan tỏa".

Về chất lượng, chị cho hay, cơ sở Huệ Tâm Măng Đen sản xuất theo quy trình khuyến cáo, bảo đảm an toàn vệ sinh từ cơ quan chức năng. Nguồn thịt hoàn toàn là thịt sạch được nuôi ở vùng cao nguyên Kon Tum, Gia Lai, kết hợp cùng các gia vị đặc trưng của núi rừng. “Sau này, khi tôi mở rộng hoạt động sản xuất, quy mô thì tiêu chí miếng thịt vẫn vẹn nguyên hương vị như ngày đầu sẽ luôn là tâm niệm trong kinh doanh của mình”, chị nhấn mạnh.

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, hiện chị đã nâng cấp các món thịt hun khói mới lạ hơn cho thực khách chọn lựa. Có thể kể đến như thịt bò hun khói, thịt heo ba chỉ hun khói, thịt heo mông hun khói. Đặc biệt, sản phẩm khô bò que và miếng rất được mọi người quan tâm bởi đáp ứng tiêu chí, nhanh, gọn, lẹ mà hương vị vẫn bảo đảm.

Giữa thời buổi 4.0, chị cho hay mình không chỉ bán theo kiểu truyền thống mà còn đem sản phẩm lên trên mạng. Cụ thể, khách hàng có thể đặt hàng ở trên các kênh Facebook, Zalo của cơ sở hay tại các đại lý có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Vịnh dự là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương được giới thiệu tại Diễn đàn du lịch Kon Tum vừa qua, chị cho rằng đó là thành công ban đầu của mình khi được các cấp quản lý công nhận về một thương hiệu chất lượng của quê nhà.

Sắp tới, chị còn cùng một số doanh nghiệp, cấp quản lý nhà nước phối hợp để mở một gian hàng chỉ chuyên trưng bày các sản phẩm địa phương, trong đó, có thịt hun khói Huệ Tâm Măng Đen để tạo thêm điểm nhấn cho khách du lịch khi ghé thăm Măng Đen.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối