(SGTT) – Nhận ra mình không hợp với môi trường công sở sau nhiều năm làm thiết kế, Nguyễn Gia Bảo Khanh vận dụng sở trường của mình vào niềm đam mê đồ ngọt, tự mở tiệm bánh làm chủ. Đến nay, tiệm của chị đã có nhiều học viên theo học và khách hàng cũng lên đơn đều tay.
- Khởi nghiệp từ “chân gà” online, chàng trai 9X mở quán ăn miền quê tại TPHCM
- TikToker hơn trăm ngàn lượt theo dõi và hành trình mang ẩm thực Việt đến đất Hàn
- Chàng trai Cần Thơ khởi nghiệp với ca cao dừa, bán gần 500 ly mỗi ngày
“Yêu bơ sữa đường từ lúc nào không hay”
Đó là chia sẻ của Bảo Khanh khi nhớ về lần đầu bén duyên với điều ngọt ngào từ các loại bánh khác nhau trong buổi workshop.
“Sau nhiều giờ làm việc căng thẳng với khách hàng ở công ty, tôi thường đăng ký các khóa học nhỏ liên quan đến nghệ thuật để giải stress cũng như dùng thêm tài lẻ của mình. Vì tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc, dân vẽ nên thích sáng tạo thiết kế, mà làm bánh lại cho tôi cảm giác mới mẻ mỗi ngày, thế là từ làm chơi đến làm say mê, tôi không biết mình đã yêu những nguyên liệu như bơ sữa đường từ lúc nào”, chị cho hay.
Chị cho biết sau khi xác định nghiêm túc muốn rẽ hướng thay đổi công việc ở độ tuổi chỉ muốn mình yên bề gia thất, chị đã tự tay chuẩn bị mọi thứ và tìm bạn đồng hành cùng yêu thích công việc làm bánh của mình.
“Đứng trước nhiều lựa chọn ở tuổi gần 30, tôi cũng băn khoăn và suy nghĩ nhiều lắm, nhưng nghĩ lại bây giờ mình không làm điều mình thích cũng như không thích việc mình đang làm, liệu có tốt và công bằng cho cả mình lẫn công ty hay không? Nên tôi cố gắng thuyết phục bố mẹ và chứng minh mình nghiêm túc với quyết định riêng”, chị tâm sự.
Thời gian đầu để có thêm kinh nghiệm, chị xin làm thuê ở tiệm bánh và đầu tư học một cách chuyên nghiệp các dòng bánh khác nhau. Sau khi đủ vốn liếng, chị thuê một không gian nhỏ ở quận 3 để làm bánh theo yêu cầu, đồng thời nâng cao tay nghề mỗi ngày giữa thị trường bánh đa dạng và đầy cạnh tranh.
Chị nhớ lại về những đơn bánh đầu tiên chỉ do khách quen đặt, người này ăn khen ngon rồi giới thiệu người kia. Dù lượng đơn không nhiều, nhưng mỗi ngày làm chị đều cảm nhận được niềm vui và sự thích thú khác hẳn cảm giác ngồi trước màn hình của nhân viên thiết kế đồ họa.
Khoảng một năm sau, khi tiệm mỗi lúc một phát triển hơn, nhiều người ngỏ ý muốn tham gia học làm bánh và tổ chức những buổi workshop nhỏ, chị liền tìm mặt bằng lớn hơn trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp và khai trương hồi đầu năm 2021. Tại đây, chị chuyên làm dòng bánh kem đường tạo hình y như thật và nhận đào tạo học viên sau gần ba năm làm chủ tiệm bánh ở Sài Gòn.
Nghệ thuật từ kẹo đường
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng bánh khác nhau phổ biến đến người dùng như bánh kem bơ, kem sữa tươi… Theo chị Khanh, dòng bánh kem đường ở Việt Nam vẫn còn khá mới và là vùng đất rộng lớn cho người thợ thoải mái sáng tạo cũng như định hình thương hiệu cá nhân.
Nguyên liệu đặc biệt được làm từ đường cát xay nhuyễn, kết hợp với lòng trắng trứng và một số chất phụ gia kết dính còn gọi là fondant tạo thành khối kẹo mềm dẻo dễ tạo hình tùy ý, ăn được, phù hợp vệ sinh, an toàn với sức khỏe người dùng. Thế nên, chị hy vọng mình sẽ chinh phục được thể loại này bằng nhiều kiểu bánh độc lạ, nhiều chi tiết khó.
“Để duy trì tiệm bánh hoạt động, tôi vẫn nắm chắc cách làm những loại bánh thông thường phù hợp với thị hiếu chung. Nhưng để tạo nét riêng cũng như nhìn nhận lại nghiêm túc con đường mình đang đi, tôi muốn đầu tư vào thể loại bánh này bởi cách làm khó cũng như đòi hỏi ở người thợ kỹ thuật tạo hình cao, kiên trì và không ngừng sáng tạo. Tôi cũng thường xuyên cập nhật mẫu bánh hot trên thị trường, xu hướng trên thế giới và học những khóa rèn kỹ năng làm bánh mới cho thợ để không bị tụt hậu hoặc mất đi chất trẻ trong nghề”, chị chia sẻ thêm.
Chị Bảo Châu ngụ quận 1, khách hàng từng mua bánh kem đường tỏ ra ngạc nhiên với hương vị bánh kem đường đem lại. Chị cho hay, ngoài kiểu dáng sinh động, chị không nghĩ từ đường có thể tạo ra nhiều hình thù và mảng màu sắc đẹp như vậy, vị ăn vào cũng vừa phải rất ngon chứ không quá ngọt và ngấy.
Theo chị Khanh, mỗi chiếc bánh kem đường thường mất nhiều thời gian, thậm chí nhiều ngày liền để tạo hình theo mẫu nên người thợ khi làm bánh không khác gì đang xây một công trình từ đường mỗi ngày.
Mọi công đoạn từ làm nguyên liệu fondant đến lên ý tưởng, thiết kế bản vẽ, bắt tay làm cho y mẫu, chị đều vận dụng những kiến thức thu được nhờ trải nghiệm và gu thẩm mỹ có sẵn để hoàn thành chiếc bánh.
“Khách càng yêu cầu mẫu khó tôi lại càng thích, như bánh hình một chiếc giày, túi xách, chân dung ai đó chi tiết từ mắt mũi miệng đến trang phục hoặc thậm chí cả công trình lớn, tôi đều mô phỏng tất cả từ đường. Nói fondant có tính sáng tạo cao cũng vì lẽ đó, bất kể thứ gì ngoài đời thực đều có thể đem vào bánh. Vậy nên khi bắt tay vào công việc này, tôi như được sống trong một thế giới nghệ thuật riêng. Dù công việc chỉ ở trong không gian kín suốt ngày nhưng chưa phút giây nào tôi cảm thấy nhàm chán”, chị cười nói.
An Phú