(SGTT) – Rẽ bước từ công việc kế toán sang nghề làm mắm của gia đình, chị Lê Thị Xuân Sang quyết tâm dùng sức trẻ của mình để giữ nghề truyền thống của quê nhà qua từng hũ mắm ngon, chất lượng. Tại đây, bà chủ 25 tuổi đã đưa sản phẩm quê nhà ngày một tới gần hơn gian bếp của người tiêu dùng Việt.

Phân vân nên ở hay đi?

Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tại trường đại học ở Phan Thiết, cô gái đầy năng lượng như cái tên của mình đứng giữa hai lựa chọn nên ở lại thành phố gắn bó với công việc đúng chuyên môn hay khăn gói về quê phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Chị Sang tâm sự, ở tuổi đôi mươi, thật sự chị đã rất đắn đo cho một quyết định lớn của đời mình. Về nhà đồng nghĩa với việc chọn đi một con đường khác bạn bè đồng trang lứa. Tuy vậy, nếu không về, nghề làm mắm của gia đình sẽ bị thất truyền vì lúc này mẹ đã lớn tuổi, làm thì cực nhưng thành phẩm chẳng giá bao nhiêu nên muốn bỏ ngang để nghỉ ngơi. Chị nghĩ ở quê nhà Phan Thiết của mình còn nhiều điều tuyệt vời, đặc biệt là các nghề truyền thống nên chị quyết định quay về quê.

Chị Lê Thị Xuân Sang về quê nối nghiệp làm mắm của gia đình. Ảnh: NVCC

Chị cho biết thời gian đầu, nước mắm truyền thống vẫn chưa được nhiều người đón nhận vì khó cạnh tranh với nhiều dòng sản phẩm nước mắm nổi tiếng trên thị trường. Một sản phẩm “rặt” quê, không quảng cáo, không hình ảnh nổi bật vốn rất khó để tiếp cận đến nhiều người nên thành phẩm làm ra không được tiêu thụ nhiều.

“Nhờ sức mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là kênh TikTok, sản phẩm của gia đình và quê tôi đã được đón nhận nhiệt tình. Tôi nhớ như in kỷ niệm lần đầu đăng video về hình ảnh nước mắm mẹ tôi làm trong đợt nghỉ dịch, vì chỉ đăng chơi thôi không quá đầu tư nội dung nhưng không ngờ video được cả triệu lượt xem. Từ đó mọi người quan tâm đến loại nước mắm truyền thống này và chính tôi cũng hứng thú với công việc mẹ đang làm”, chị bộc bạch.

Sản phẩm nước mắm chị Xuân Sang tâm huyết đầu tư và mở rộng thị trường. Ảnh: NVCC

Chị cho hay loại nước mắm thủ công ngày càng ít người làm, những thế hệ trẻ cũng dần xa rời nghề nghiệp của gia đình vì sự vất vả mà giá trị kinh tế không cao, chỉ có người dân bản địa chuyên ăn mắm và dùng loại nước mắm này mới chuộng và ưa thích.

“Mắm thường được pha thêm nhiều chất khác, như vậy sẽ thu lợi nhuận cao lại dễ ăn hơn mắm nguyên chất. Tuy vậy tôi vẫn muốn theo đuổi và chuyên tâm vào sản phẩm của gia đình mình, không cố chạy theo thời thế hay thay đổi đi bản chất vì lợi nhuận”, chị nhấn mạnh.

Yêu quê hương từ con cá, hũ mắm

Chị chia sẻ những năm về trước khi mẹ muốn bỏ nghề không muối nữa, cũng là lúc chị nhận thấy giá trị đặc biệt của sản phẩm mang đậm tính quê hương địa phương mình. Chị muốn mẹ làm tiếp công việc này vì nhìn thấy tiềm năng phát triển cũng như thị trường khi một người trẻ bắt tay vào nối nghiệp gia đình.

“Mắm nguyên chất phải tìm đúng gốc mới mong mua được loại ngon vì người mua dễ bị lầm với các mặt hàng trôi nổi ngoài chợ, không phải cứ mắm do dân biển làm là nguyên chất. Mắm này cũng kén người ăn, 10 người thường chỉ có vài người biết ăn mắm nguyên chất nên tôi mong muốn đầu tư và mở rộng thị trường cũng như tệp khách hàng này”, chị nói thêm.

Bữa cơm gia đình chị Xuân Sang không thể thiếu loại nước mắm nguyên chất nhà làm. Ảnh: NVCC

Qua tìm hiểu của chị Sang, sự khác biệt lớn nhất giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm nguyên chất chính là hương vị đọng lại ở đầu lưỡi. Nước mắm công nghiệp thành phần thường có chất điều vị như bột ngọt, đường, chất bảo quản, phụ gia nên khi ăn sẽ có vị ngọt liền. Riêng nước mắm nguyên chất chỉ có cá và muối nên khi ăn sẽ có vị mặn rõ ràng hơn, hậu ngọt ở cuống họng và mùi thơm, ngứa ở đầu lưỡi.

Chị cũng khẳng định rõ quan điểm khi làm nghề truyền thống của gia đình là mong muốn đem sản phẩm quê nhà đến với nhiều gian bếp của chị em nội trợ trong và ngoài nước cũng như nghề được nhiều người trẻ biết đến và yêu thích nhiều hơn.

“Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ mắm thủ công không sạch sẽ vì thấy dòi, nước mắm mặn mùi tanh khó ăn, nhưng nhờ cách làm truyền thống cũng như giữ được giá trị thật ban đầu của mắm nguyên chất thì tôi tin sẽ có nhiều người tìm đến vì muốn ăn đúng vị mắm đặc sản vùng biển. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi tiếp tục làm nghề cùng gia đình của mình”, chị nói.

Chị Sang chia sẻ mình yêu thích công việc hiện tại như một nông dân ở quê nhà. Ảnh: NVCC

Về công thức muối mắm riêng của gia đình, chị Sang tiết lộ mình sử dụng cá cơm và muối theo tỷ lệ 5:1, nước mắm làm trong một mùa duy nhất cá cơm rộ, rồi để mắm chín từ từ. Nước mắm nhỉ của đặc sản Việt là những giọt nước mắm đầu tiên, có theo độ đạm cao nhất, vị ngon nhất, thơm đặc trưng không thể lẫn với những loại nước mắm khác.

“Gần đây khi biết thị trường lớn trên các sàn thương mại điện tử, tôi rất vui vì đơn hàng nước mắm được đi mỗi ngày đến nhiều tỉnh, thành khác nhau, nhiều người cũng phản hồi tốt về sản phẩm, thậm chí có người vui mừng vì tìm lại được hương vị chính gốc thời xưa”, chị tâm sự.

Ngoài nước mắm, chị Sang còn các mặt hàng hải sản, khô cá. Ảnh: NVCC

Trong tương lai, chị mong muốn có cơ hội mở mô hình khách du lịch vừa đến tham quan khu vực làm nước mắm và thưởng thức tại chỗ các món ăn quê hương, chấm liền nước mắm nguyên chất khi thưởng thức các món như canh chua, cá kho… Ngoài ra còn phát triển thêm mô hình tham quan vườn thanh long, cũng là sản vật đặc trưng của quê nhà Phan Thiết của chị.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây