Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Cô chủ nhỏ bán từng phần cơm chay, gieo duyên cho người trẻ mở quán chay khởi nghiệp

(SGTT) – Lặn lội lên TPHCM nhập học như bao bạn bè cùng trang lứa, cô gái nhỏ nhắn sinh năm 1994 đã sớm ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, mở quán ăn chay gieo duyên lành đến mọi người. Sau hơn bốn năm, cô sinh viên ngày nào giờ đã thành bà chủ của chuỗi Lẩu chay Hằng Thiện, hướng dẫn nhiều người trẻ muốn mở quán chay trên khắp cả nước.

Tâm niệm ở đâu có người ăn chay, ở đó có Hằng Thiện

Là cô chủ của nhiều chi nhánh lẩu chay ở làng đại học quốc gia TPHCM, cô gái nhỏ nhắn với cái tên đặc biệt Nguyễn Thị Hằng Thị vẫn thoăn thoắt làm bếp, bưng bê phục vụ, chăm chút từng món ăn đến với vị khách của mình.

Chị cho hay mình đã tìm được kim chỉ nam sau bao năm khởi nghiệp từ món chay để lan tỏa những giá trị đẹp trong món ăn, thức uống của mình. Giờ đây, chị có thể tạo công ăn việc làm cho gia đình, bố mẹ chị không còn phải làm nông trên Gia Lai chịu mưa nắng khắc nghiệt, nhiều bạn trẻ có công việc phụ thu nhập tốt, thực khách được thưởng thức những món ăn chay ngon, giá phải chăng mà đảm bảo chất lượng đúng như tâm niệm ở đâu có người ăn chay, ở đó có Hằng Thiện.

Cô chủ nhỏ Hằng Thị với chuỗi lẩu chay Hằng Thiện. Ảnh: An Phú

Nhớ về cơ duyên lần đầu đứng ra thuê mặt bằng mở quán, chị luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ mở được quán cơm chay giúp sinh viên có được những phần ăn ngon, vừa túi tiền trong suốt thời gian học đại học.

“Khi giấc mơ thành hiện thực, tôi đứng trước nhiều chuyện phải lo toan như tiền mặt bằng, nhân viên, nguyên liệu, vốn liếng duy trì quán, không nhận được sự ủng hộ của gia đình vì một người không học gì liên quan đến chữ số thì làm gì biết kinh doanh. Nhưng sự kiên trì và nỗ lực đã cho tôi niềm tin đi con đường riêng của mình, khó tới đâu tôi cũng tìm được cách gỡ và sự giúp đỡ từ người quen đến lạ”, chị xúc động kể.

Từ một bàn đến nhiều bàn, người này giới thiệu người kia, bằng nhiều cách truyền thông, quán nhanh chóng thu hút được một lượng sinh viên ổn định đến quán. “Sau dần tôi phát hiện thị trường lẩu chay dường như sôi động và dễ bán hơn, các bạn cũng thích dùng thêm món nước thế là tôi làm thêm món lẩu vào thực đơn để bán. Đó cũng là cơ hội để có lẩu chay Hằng Thiện như ngày hôm nay”, chị tâm sự.

Một vài món chay đa dạng tại quán lẩu chay Hằng Thiện ở chi nhánh 68 Vành Đai, Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: An Phú
Những món ăn do tự tay chồng chị Hằng Thị đứng bếp chế biến. Ảnh: An Phú

Lần đầu đụng tới món mới, khái niệm lẩu chay với chị còn xa lạ vì đã có những quán bán lâu năm ngay trong khu vực, chị nói: “Lúc đấy nồi lẩu chay mùi vị chẳng khác gì nồi rau củ luộc. Tôi rất lo lắng vì sợ như vậy sẽ mất khách cũng như đánh mất đi giá trị chất lượng ban đầu trong từng món ăn. Rồi sau khoảng chục lần nêm nếm, tôi học được công thức riêng làm lẩu cho quán chay Hằng Thiện của mình”.

Góc quán chị chăm chút mỗi ngày tại Bình Dương. Ảnh: An Phú

Được biết, hiện nay tại khu vực làng đại học có rất nhiều quán lẩu chay, số lượng càng đông, thị trường cạnh tranh càng cao, nhưng chị vẫn tự tin có chỗ đứng riêng trong lòng thực khách của mình.

“Quán chay mọc lên như nấm một phần vì rẻ, dễ ăn, mà ăn lại no vì thường rau, bún sinh viên sẽ được cho miễn phí. Tôi cũng chứng kiến nhiều quán mở rồi đóng, biết được sự khốc liệt đó nên điểm đặc biệt riêng thu hút mọi người đến quán mình rất quan trọng. Vị nước lẩu ở quán tôi không nêm bột ngọt, đảm bảo độ ngọt tự nhiên, rau củ quả luôn tươi và đảm bảo nguồn sạch từ các nông trại mỗi ngày”, chị nhấn mạnh.

Gieo duyên lành cho người khởi nghiệp

Sau hơn bốn năm, chị Hằng Thị đang trực tiếp quản lý một chi nhánh lẩu chay ở Bình Dương, nhường một chi nhánh cho người thân trong gia đình đảm nhiệm và nhượng quyền ba chi nhánh lẩu khác ở Pleiku, thành phố Thủ Đức và gần trường Đại học Bách khoa TPHCM. Hiện chị tập trung vào phát triển cửa hàng lẩu chay mình đang có, kèm theo những món chay phổ biến để đa dạng thực đơn và quản lý nội dung tại group “Học mở quán chay” trên Facebook.

Bên trong quán lẩu chay Hằng Thiện chị chăm chút từng ngày. Ảnh: An Phú

Chị cho biết với kinh nghiệm tích góp có được hiện tại, chị hy vọng mình sẽ có cơ hội gieo duyên lành ăn chay đến mọi người thông qua việc giúp những người trẻ khởi nghiệp mở quán chay.

“Tôi quan niệm rằng kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc đắt khách hay ôm khư khư những công thức bí quyết của mình mà phải dám sẻ chia những điều tốt đẹp, tích cực đến với người khác. Vì bán món chay nên càng nhiều người ăn chay lại càng tốt, một bữa ăn đối với họ thôi cũng có ích rất nhiều, nên tôi sẵn sàng chia sẻ những điều tôi biết đến với người có tâm huyết và thành ý”, chị tâm sự.

Được biết, chị thường mở những buổi chia sẻ học mở quán chay gồm những kinh nghiệm để duy trì, vận hành quán và chia sẻ công thức, bí quyết làm món của mình để quán chay được nhân rộng hơn đến các tỉnh, thành trên đất nước.

“Qua mạng xã hội nhiều người cũng biết đến tôi nhiều hơn, tôi cũng dùng nó làm kênh truyền thông để được gieo duyên đến những ai có nguyện vọng mở quán chay nhưng chỉ bắt đầu từ số 0 như tôi nhiều năm trước. Mỗi buổi học, tôi sẽ chỉ kinh nghiệm mở quán, quản lý nhân viên, xử lý nguyên liệu, cách làm sao để thu hút khách cũng như tạo điểm riêng… bằng cách đến quán tôi học trực tiếp”, chị nói.

Chị Hằng (phải) cùng chị Quyên chủ quán lẩu chay Gấu Mèo trong khóa học mở quán chay. Ảnh: NVCC

Tính đến nay, chị đã giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp mở quán chay thành công ở các quận, huyện như quán chay Gấu Mèo ở quận 11, quán lẩu chay Kiều Đàm ở quận 7, quán lẩu chay đồng giá ở quận 10, quán chay Diệu hoa ở Hội An, bếp chay Tâm Nguyện ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương)…

Ngày khai trương quán lẩu chay Gấu Mèo của chị Quyên. Ảnh: NVCC

Chủ quán lẩu chay Gấu Mèo, chị Quyên chia sẻ “Sau khi có duyên biết đến Hằng Thị, tôi thể hiện nguyện vọng được học một khóa mở quán chay vì đã có dự định từ lâu nhưng chưa biết làm thế nào. Gặp chị Thị như một mối duyên lành lớn, chị giúp tôi cách vận hành, quản lý quán cũng như nêm nếm vị lẩu cho chuẩn. Quán đến nay đã khai trương và đi vào hoạt động khá ổn định, vậy là tôi đã thực hiện được nguyện vọng của mình sau thời gian 9 năm làm hướng dẫn viên du lịch”, chị Quyên tâm sự.

Mỗi quán chay ra đời, chị Hằng Thị vui mừng như thắp thêm một ngọn lửa nhỏ trên hành trình lan tỏa mình đang đi, chị mong rằng những vị khách ở khắp nơi không những có cơ hội thưởng thức được món chay ngon, rẻ, chất lượng mà còn hiểu được giá trị từ việc ăn chay đem lại trong cuộc sống hằng ngày.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khởi nghiệp ở tuổi U-80

0
(SGTT) - Như Kinh tế Sài Gòn đã có bài trên số báo 10-2024, mạng xã hội do cựu Tổng thống Donald Trump thành...

Vì sao các startup đến Singapore lập đại bản doanh?

0
(SGTT) - Vị trí địa lý chiến lược, tiêu chuẩn công bố thông tin cao, khung pháp lý chặt chẽ và danh tiếng ổn...

Vốn khởi nghiệp ở Ấn Độ: Từ đỉnh cao đến vực...

0
(SGTT) -  Mức định giá của công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ giáo dục Byju’s từ 22 tỉ đô la Mỹ xuống khoảng...

Cánh tay robot từ Thảo Điền

0
(SGTT) - Một startup tại Thảo Điền, quận 2, TPHCM tự thiết kế và sản xuất những cánh tay “người máy”, nối dài niềm...

Startup nhân bản giọng nói bằng AI được định giá 1,1...

0
(SGTT) - ElevenLabs, công ty khởi nghiệp (startup), sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra giọng nói với nhiều ngôn ngữ...

‘Cô Dừa’ đưa nông sản Việt vào mỹ phẩm

0
(SGTT) - Những nguyên liệu như dầu dừa, hoa bưởi, củ gừng, củ nghệ, cây sả, hoa hồng, trái chúc… qua bàn tay tinh...

Kết nối