Thứ Ba, Tháng Năm 7, 2024

Chuyện những người “chở” Xuân

(SGTT) – Dịp cận tết, dọc bến Bình Đông, hàng ngàn chậu cây, hoa kiểng khoe mình hết cỡ, hàng trăm ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây chở hoa về đây buôn bán theo hình thức “trên bến dưới thuyền”.

Sài Gòn Tiếp Thị mời độc giả lắng nghe những câu chuyện của các thương nhân, những người “chở” Xuân đến Sài Gòn, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của bến Bình Đông nơi nổi tiếng với cảnh quan “trên bến, dưới thuyền”.

Cứ mỗi độ 25 tháng Chạp, hàng trăm thuyền, ghe hoa tại các tỉnh miền Tây chủ yếu đến từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre bắt đầu rời vườn và hẹn nhau ở bến Bình Đông (quận 8, TPHCM) để trưng bày, mua bán hoa.
Dù hàng trăm ghe tập hợp chung một bến, bán chung một mặt hàng nhưng các ghe đều sắp tài, đậu ghe ngay ngắn. Tiếng mạn tàu va nhau tạo nên âm thanh vui tai gợi nhớ những phiên chợ sông quê.
Cập bến sau các thuyền khác, xuất phát từ Bến Tre phải mất hơn một ngày đường mới đến được TPHCM. Thuyền này chở tắc nên được các thương lái bao đậy kỹ càng vì cây gặp gió sẽ dễ vàng, khô, rụng lá.
Các thương lái hỗ trợ nhau đưa thuyền vào chỗ đậu chẳng cần mở lời trợ giúp, mỗi thuyền sẽ phải có từ 3-7 người để phụ bán, tiền thuê thuyền dao động từ 13-17 triệu đồng cho một mùa bán tết.
Em Lê Minh Thuận, 18 tuổi, tranh thủ những ngày cận tết theo thuyền của một người hàng xóm để làm thêm. “Đây là lần đầu em đi ghe hoa tết, lên đây em phụ mọi người tư vấn, bưng cây, ràng bông cho khách, công việc này chủ trả cho em 3,5 triệu đồng, sau tết em sẽ quay lại công việc thường ngày”, Thuận chia sẻ.
Hàng năm, sau khi ghe của gia đình cập bến, em Nguyễn Thị Ngọc Mai, 21 tuổi, hiện đang học Trường Đại học Tài chính – Marketing đều sắp xếp lại công việc để phụ mẹ bán hoa dịp tết. “Sau mỗi vụ hoa, tui thường cho con tiền công phụ nhưng con không lấy vì chỉ muốn phụ mẹ bán hàng sao cho nhanh hết nhất để mẹ đỡ vất vả”, mẹ của Ngọc Mai chia sẻ.
Trước đó, nhiều người bán đã lo sợ chợ hoa bến Bình Đông không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc buôn bán bước đầu được thuận lợi, nhiều người không giấu nổi nụ cười. Người đàn ông này vui mừng chia sẻ với phóng viên khi thuyền chở mai tết đã được ông chăm sóc hơn năm qua được cập bến. “Hy vọng hàng sẽ đi nhanh để sớm về quê đón tết”, người này nói.
Trong quá trình đậu ghe buôn bán, thương nhân sẽ mua nước ngọt từ nhà dân để sử dụng. Mọi sinh hoạt đều được thực hiện trên thuyền cho đến ngày quay về.
Một người đàn ông tranh thủ nấu cơm để những người cùng thuyền ăn trưa và tiếp tục buôn bán.
Đón giao thừa trên thuyền trong quá trình di chuyển về quê khi công việc buôn bán đã hoàn tất là câu chuyện quen thuộc của những thương nhân miền Tây này.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề