Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Chuyên gia cảnh báo biến chứng nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ

(SGTT) - Theo BS. Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể tự hết mà không cần điều trị. Người bệnh chăm sóc bằng cách để tự khô hoặc dùng gạc ẩm băng lại, giúp bảo vệ vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, ở một số người bệnh có thể dẫn đến các biến chứng tổn thương thần kinh, nhiễm trùng da và mắt.

Nguy cơ để lại di chứng nặng nề

Ngày 25-7, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện nay, thành phố vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).

Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh trên toàn thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, ThS. BS. Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cảnh báo bất cứ ai tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đặc biệt với nhóm trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Khi mắc bệnh này, phần lớn bệnh tự thoái lui trong vòng vài tuần nhưng ở một số người có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng da, viêm phổi, nhiễm trùng mắt gây mù, tổn thương thần kinh…, thậm chí là tử vong (chiếm tỷ lệ 3-6%), BS. Qui nhấn mạnh.

Ngoài ra, với nhóm trẻ sơ sinh, trẻ em và người có bệnh nền là suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Ảnh: Freepik

Đối với đường lây truyền bệnh, BS. Đình Qui cho biết, người mắc bệnh có khả năng lây trong thời gian có triệu chứng thông thường là từ 2-4 tuần khi tiếp xúc gần với người lành. Bệnh có khả năng lây từ các nốt ban, dịch cơ thể như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da và vảy.

Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Ngoài ra, quần áo, ga gối, khăn hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm, cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.

Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.

Điều trị đúng cách, bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi

Theo BS. Đình Qui, thông thường triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể tự hết mà không cần điều trị. Điều quan trọng là người bệnh cần chăm sóc nốt ban bằng cách để tự khô hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết.

Người bệnh cần tránh chạm vào bất cứ chỗ đau nào trong miệng hoặc mắt và có thể súc miệng, nhỏ mắt với điều kiện tránh sử dụng sản phẩm có chứa Corticoides.

Phó Trưởng khoa điều hành khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết Globulin miễn dịch ở người (VIG - vaccinia Immune Globulin) được khuyến cáo sử dụng trong các ca bệnh nghiêm trọng. Một loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (tecovirimat, có tên thương mại là TPOXX) cũng đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2022.

Nốt ban trên tay và chân một người mắc đậu mùa khỉ. Ảnh: WHO

Đối với vắc-xin phòng ngừa, BS. Đình Qui cho biết hiện vắc-xin gốc phòng bệnh đậu mùa không còn được cung cấp cho người dân. Kể từ khi thế giới tuyên bố thanh toán được bệnh đậu mùa, công tác tiêm phòng đã chấm dứt vào năm 1980. Vì vậy, những người trong nhóm từ 40-50 tuổi hầu như chưa được tiêm phòng.

Một loại vắc-xin mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa là MVA-BN (còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, vắc-xin này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Vì vậy, biện pháp tốt nhất để chủ động phòng ngừa là người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. Người bệnh cần được cách ly và các trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện để điều trị.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối