(SGTT) - Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dù đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả nhưng chi phí trực tiếp từ tiền túi của người bệnh cho chi tiêu y tế vẫn ở chiếm tỷ lệ khá cao với 43%. Tình trạng này có thể khiến nhiều người không còn mặn mà với việc đóng bảo hiểm y tế khi phải chi trả mức giá dịch vụ y tế còn cao, thậm chí tự bỏ tiền túi để mua thuốc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
- Cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế
- Lơ là phòng dịch, nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm sau kỳ nghỉ lễ 2-9
- Ngày 11-2, TPHCM cấp thẻ Bảo hiểm y tế mẫu mới, trường hợp nào phải đổi thẻ cũ?
Vừa qua, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện chi phí chi trả trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế (bệnh nhân) đã giảm xuống còn 43%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 20% và cao gấp 2-2,5 lần so với các nước phát triển là từ 14-20%.
Khi phải chi trả phí dịch vụ y tế bằng tiền túi ở mức cao hơn 40%, có thể khiến nhiều người không còn mặn mà với việc đóng bảo hiểm y tế. Nhiều người cho biết dù tham gia bảo hiểm y tế nhưng bệnh nhân vẫn phải chi trả mức giá dịch vụ y tế cao khi khám chữa bệnh; thậm chí trong thời gian vừa qua, rất nhiều bệnh nhân tại các cơ sở y tế phải tự bỏ tiền túi để mua các loại thuốc nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, tình trạng nằm chung giường bệnh vẫn còn khá phổ biến khiến nhiều người ngại tham gia và sử dụng các dịch vụ do bảo hiểm y tế chi trả.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết hiện nay, bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định Luật bảo hiểm y tế của Nghị định 146/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn. Quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người bệnh được đảm bảo đúng, đủ theo quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đa số các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tự chủ tài chính nên hầu hết đều có khu khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh như phòng dịch vụ, phẫu thuật dịch vụ theo yêu cầu, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng…
Như vậy, bệnh nhân bảo hiểm y tế khi vào viện có yêu cầu dịch vụ thì được thanh toán các chi phí trong phạm vi quyền lợi với mức giá quy định của nhà nước, phần đồng chi trả theo luật và chênh lệch dịch vụ người bệnh tự trả.
Để giải quyết tình trạng trên, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, dự kiến trong thời gian sắp tới, Luật bảo hiểm y tế sẽ sửa đổi, trong đó có phần tham gia bảo hiểm y tế bổ sung ngoài bảo hiểm nền thì giá sẽ được tính đúng trong các trường hợp và phần chênh lệch giá sẽ thu hẹp.
Nói về vấn đề thiếu thuốc tại các cơ sở y tế tại TPHCM, ông Thanh cho biết thời gian vừa qua, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, với hầu hết cơ sở tự chủ tài chính nên xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh đang điều trị nói chung và người được hưởng bảo hiểm y tế nói riêng.
Ngay từ khi có thông tin về tình trạng thiếu thuốc, bảo hiểm y tế thành phố đã có văn bản gửi Sở Y tế TPHCM yêu cầu có biện pháp để cung ứng đầy đủ thuốc cho bệnh nhân khám bảo hiểm y tế trong phạm vi theo quy định. Ngoài ra, đơn vị này cũng yêu cầu dự trù đủ số thuốc, vật tư y tế hợp lý để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người bệnh.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng thuốc thay thế và liên hệ với các đơn vị để chuyển bệnh nhân điều trị đến các bệnh viện có thuốc.
Về việc thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định hiện hành, ngành bảo hiểm xã hội chỉ tham gia công tác đấu thầu thuốc, không tham gia công tác đấu thầu vật tư y tế. Theo quy định, khi ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải thực hiện điều khoản cung ứng đầy đủ vật tư y tế và thuốc men cho người bệnh.
Minh Thảo