Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Chạy trăm cây số mỗi tuần, anh nhân viên văn phòng hướng đến chinh phục các giải siêu cự ly

(SGTT) – Vừa tròn hai năm biết đến chạy bộ, anh Lê Văn Triều, 32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức say sưa thử thách bản thân mỗi ngày chạy vài chục cây số bất kể đêm ngày. Anh quan niệm việc rèn luyện thể thao không dừng lại mục tiêu vì sức khỏe, còn là cơ hội cho anh khám phá giới hạn của bản thân, tăng khả năng thích nghi của cơ thể.

Chạy ultra không phải “hành xác”

Làm nhân viên văn phòng ở công ty xây dựng, anh Lê Văn Triều thừa nhận hai năm trước vì tính chất công việc, anh ít khi vận động. Để có thành quả như hôm nay, anh từng bắt đầu đi bộ cho đôi chân quen cường độ hoạt động nhiều hơn rồi mới thử bước chạy.

Đó là khởi đầu khá khó khăn, anh nhớ lại kể những ngày đầu tiên chạy cơ thể mệt mỏi, uể oải, chạy một ngày thì nghỉ đến hai, ba ngày, dễ nản chí, không muốn chạy nữa. Sau khi kết nối và biết đến các thành viên khác cũng yêu thích chạy bộ gần nhà, anh được tiếp lửa để duy trì việc rèn luyện mỗi ngày.

Từ đó, anh Triều tập trung nhiều sức lực hơn và tiến tới những cự ly từ 10 đến vài chục cây số mỗi ngày. Với cường độ chạy như vậy, anh hy vọng sẽ cán đích thành công các giải chạy trên 42km sắp diễn ra từ đây đến cuối năm.

Anh Triều đẩy cường độ tập luyện lên vài chục cây số trong một ngày thời gian gần đây. Ảnh: NVCC

“Gần đây, tôi mới có kế hoạch tập luyện ở điều kiện khắc nghiệt như vậy. Tôi tăng khối lượng chạy hàng tuần lên 200km/tuần, thậm chí trên 300km/tuần. Đúng thời điểm có dự định tập nặng thì giải chạy mừng sinh nhật cộng đồng chạy bộ theo nhịp tim – MAF (Vietnam MAF running community) được tổ chức”, anh kể.

Vì giải đua này sẽ thu hút nhiều runner (người chạy bộ) có thành tích “cừ” tham gia nên đây là động lực chính cho anh Triều đều đặn theo lịch trình tập chạy, nhằm tích lũy sức bền cho các giải chạy ultra road (trên 42km) thời gian tới. Gần nhất, anh sẽ tham gia chạy giải nội bộ câu lạc bộ Him Lam quận 7 với cự ly 100km.

Hiện tại, anh chạy khoảng 45km/ngày. Để cân bằng công việc và khối lượng tập đã định sẵn, anh sẵn sàng chạy giữa trưa nắng gắt hay điều kiện thời tiết bất lợi, thậm chí sẽ có những buổi tập xuyên đêm không ngủ. Anh cho rằng đây là điều cần thiết với anh vì thực tế các giải ultra diễn ra cũng sẽ khắc nghiệt tương tự, anh cần chuẩn bị nền tảng đủ “bền” từ trước để đảm bảo sức khỏe và khả năng thích nghi mới của cơ thể.

Anh Triều trong một giải chạy ultra vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: NVCC

Theo anh Triều, mỗi người sẽ có một kế hoạch tập luyện cũng như những mục tiêu rèn luyện khác nhau nên việc đánh giá chạy bao nhiêu là đúng và đủ là do từng cá thể lựa chọn. Tuy vậy, có một vài yếu tố anh Triều chú trọng như tập chạy làm sao tự nhiên ở mức dưới sức có thể, chạy mức độ nhẹ nhàng, có thể duy trì nói chuyện trong lúc chạy và thường quan tâm chạy đến ngưỡng nhịp tim ở mức từ dưới thấp đến trung bình. Bên cạnh đó, việc lựa chọn một đôi giày, đôi tất… vừa vặn, phù hợp cũng giúp hạn chế chấn thương trong quá trình tập luyện.

“Tập chạy cường độ cao đôi khi cũng hay nhận về lời nói đại loại tôi đang tự hành xác, bào đường bất chấp thay vì tập thể thao vui khỏe. Tuy nhiên ai cũng có những mục tiêu và nội lực riêng, với tôi đây là sự cố gắng, nỗ lực cho những cột mốc riêng của đời mình nên tôi vẫn vui vẻ đón nhận nó”, anh cười nói.

DNF không gì quá đáng sợ!

Anh Lê Văn Triều vui vẻ nói về DNF (Did not finish), một cụm từ có nghĩa “không hoàn thành cuộc đua” trên đường chạy, thường “kị” với nhiều runner vì không ai muốn dừng lại khi chưa về đích. Tuy vậy, anh Triều suy nghĩ rằng DNF không có gì quá đáng sợ.

Trong giải “Ultra Night Marathon 8: The Last Man Standing Edition” do RFF- Run For Fun và TAC tổ chức vào tháng 7 vừa qua, đây là giải chạy ultra road vòng lặp 7km yêu cầu vận động viên phải chạy trong một giờ đồng hồ. Sau mỗi một giờ, vòng chạy mới sẽ bắt đầu, người cuối cùng còn lại sẽ là người thắng cuộc duy nhất. Được biết, giải này tổ chức nhằm gây quỹ mang nước sạch về cho các hộ dân giữ rừng Cần Giờ, góp phần giữ lá phổi cho TPHCM.

Anh Triều đã chạy được 18 tiếng liên tục không ngủ và có ít nhất 5-6 tiếng chạy dưới cái nắng nóng với nền nhiệt độ từ 35-41 độ. Sau cùng, anh kết thúc giải đấu với vị trí đồng hạng Top 5 chung cuộc.

“Ở giải này, tôi chỉ đặt mục tiêu hoàn thành 11 vòng (tương đương 77km), nhưng với sự hỗ trợ, cổ vũ nhiệt tình từ mọi người, ban tổ chức, cộng thêm chút may mắn nên tôi đã hoàn thành 18 vòng với tổng quãng đường 126km. Nhưng đó vẫn là kết quả của DNF”, anh kể.

Anh đã hoàn thành 18 vòng chạy tương đương 126km tại giải. Ảnh: NVCC

Việc phải chạy liên tục từ 20:00 hôm trước đến 14:00 hôm sau, chạy xuyên đêm không ngủ, bất kể ngày nắng nóng khắc nghiệt đã khiến cơ thể anh mệt mỏi và quá tải với đôi chân. Hôm đó anh chạy mỗi vòng 7km trung bình khoảng 45-50 phút và buộc phải dừng lại sau khi hoàn thành vòng thứ 18 vì chân phải khá đau do đã bị một chấn thương ở phần cổ chân từ các vòng trước đó. Nên anh đã chọn DNF để tránh những chấn thương nặng hơn về sau.

“Tôi sẽ không chia sẻ về cảm nhận DNF của các runner khác ở đây vì nó rất khó để nói. Mỗi người mỗi hoàn cảnh mà, mỗi giải đấu sẽ có những cung bậc cảm xúc và thử thách khác nhau, quyết định DNF với họ thật sự không dễ dàng. Với tôi thì DNF không có gì là đáng sợ. Nhưng nó thật sự rất khó để ra quyết định”, anh bộc bạch.

Với sở thích chạy bộ, mục tiêu lâu dài hướng đến các giải chạy ultra road, anh Triều quan niệm cuộc chơi ultra như một hành trình khám phá giới hạn của bản thân mình, nơi những rào cản liên tục được phá bỏ. Càng khó khăn, mỗi vận động viên sẽ có mức thử thách đủ lớn để thúc đẩy cố gắng hơn.

Lưu ý tập chạy cường độ nặng

Chạy nặng liên tục nhiều ngày nhưng làm sao duy trì tập luyện trong ngưỡng an toàn, anh Triều chia sẻ mình rất chú trọng đến nhịp tim. Khi chưa có thiết bị theo dõi, anh thường chạy ở tốc độ chậm và có thể nói chuyện rõ ràng trong lúc chạy, xen kẽ một vài bài tập tốc độ nhanh so với ngưỡng tập bình thường. Sau khi có đồng hồ, anh thường duy trì ngưỡng nhịp tim trung bình dưới 130bpm, cuối tuần chạy dài hơn với nhịp tim trung bình từ 130bpm-150bpm. Hiện tại, anh đang giữ nhịp tim trong lúc chạy càng thấp càng tốt, điều này giúp anh tích lũy nền tảng sức bền và sức chịu đựng ổn định. Một khi tích lũy khối lượng chạy đủ lớn, vận động viên sẽ hạn chế chấn thương và có nền tảng chinh phục những giải chạy siêu cự ly về sau.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối