(SGTT) – Gác lại hình ảnh váy vóc, lụa là thuở còn đi làm ở phố thị, chị Trần Thị Mỹ Thuận (27 tuổi), cùng chồng rời phố về rừng vác cuốc cầm xẻng, tìm đường làm nông nghiệp sạch. Qua đó, hai vợ chồng chị túc tắc làm vườn sinh sống, gieo niềm hạnh phúc giữa rừng xanh, nông sản sạch.
- Khởi nghiệp mực một nắng Cù Lao Chàm từ tình yêu hải sản
- Cô giáo vùng cao ở Kon Tum quyết khởi nghiệp bằng đặc sản quê nhà
- Mua nông sản sạch ở chợ phiên cuối tuần
“Thuận Nhiên” mà sống
Gọi mình bằng một cái tên khác là Thuận Nhiên, chị Thuận giải thích đó là cách chị ghép tên mình với chữ “nhiên” trong thiên nhiên, với mong muốn được hòa vào đất trời, sống đúng nguyên bản cho mọi thứ thuận theo tự nhiên. Về vườn đầu năm 2019, chị Thuận Nhiên kể đó là hành trình xen lẫn nước mắt, nụ cười của một cô gái mới 24 tuổi.
Được biết, chị đã nung nấu ý định về vườn từ thời điểm bước ra khỏi ngôi trường cấp ba. Lúc đó, chị hay nghĩ, dù sau này học hành tới đâu, công việc tốt thế nào chị cũng sẽ hướng về thiên nhiên, về vườn tược. Đó cũng là cơ duyên để chị gặp người chồng hiện tại là anh Thành An.
“Sau khi cùng hợp tác buôn bán hạt mắc ca với bạn, công việc thuận lợi nên chúng tôi tính tới hướng tự chủ nguồn và vùng nguyên liệu. Tôi và chồng bàn việc rồi đặt vấn đề với ba mẹ, sau một tháng suy nghĩ, ba mẹ thấy được nỗ lực và sự quyết tâm của cả hai nên đồng ý đầu tư. Thế là hai đứa bắt đầu về rừng, và LALA FARM bắt đầu từ đó”, chị kể.
“Chỉ có thể là Đắk Nông!”, chị thốt lên khi được hỏi lý do tại sao chọn về rừng nhưng không về ngay quê nhà của mình. Chị cho biết, thời điểm đó giá đất ở Lâm Đồng đã cao, sẵn thấy ở Đắk Nông giá đất phù hợp, gần nhà mà khí hậu ôn hòa như Lâm Đồng nên vợ chồng chị quyết định lập nghiệp tại đây.
Thời gian đầu về vườn, chị tâm sự dù là con nhà nông nhưng vẫn lớ ngớ không biết bắt đầu từ đâu, chỉ dọn dẹp loanh quanh nhà và ổn định lại nhà cửa. Tầm đó vẫn là mùa khô nên vườn cũng chỉ phát cỏ là chính, đến tháng 6-2019 chị bắt đầu gieo mắc ca, trồng 600 cây, mùa mưa khiến cỏ mọc nhanh nên nhiều cây chậm phát triển, sau đó lại gặp mùa khô hạn, hồi tưởng lại cảnh hai người kéo ống tưới mà cây chịu không nổi vẫn chết.
Chị tâm sự “Kinh nghiệm làm nông phải thừa nhận hai vợ chồng tôi không có nhiều, làm tới đâu hỏng tới đó, tiền ra chứ chẳng vào, hàng xóm nhìn thấy hai đứa làm vườn chả giống ai. Thử thách lúc đó là thiếu vốn liên tục mà ý tưởng lại nhiều, sau dần có bán được cà phê của vườn nên mọi người biết tới ủng hộ vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Theo chị Thuận Nhiên, có nhiều lựa chọn cho người trẻ khi bỏ phố về rừng, nhưng lý do chính giúp chị có động lực làm nông nghiệp sạch chính là ở tư duy thuận tự nhiên một cách lâu dài bền vững.
Làm nông thuận tự nhiên khó lắm, bởi vì chúng ta đã làm nông không thuận tự nhiên bấy lâu nay, nên là tôi mới học làm theo khu rừng nguyên sinh ở cạnh nhà, gọi là làm vườn rừng. Nhưng trước khi bắt đầu làm vườn rừng thì phải yêu khu rừng, đừng đặt kỳ vọng năng suất vào khu rừng, rừng cho bao nhiêu thu bấy nhiêu, vốn dĩ rừng sẽ luôn biết tự cân bằng chính môi trường sống của nó
Chị cho rằng mình còn trẻ, đã về vườn làm nông mà theo cách truyền thống thì không ổn, hiểu rõ nông dân truyền thống đã phải áp lực vì bị ép giá nông sản, phân bón tăng cao, thuốc bảo vệ thực vật gây hại nhiều cho mình và người xung quanh, từng ấy điều cũng đủ hướng chị đến quyết định làm nông nghiệp không hóa chất với tiêu chí không dùng thuốc sâu, thuốc cỏ, phân hóa học, hóa chất nông nghiệp; tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ như cỏ rơm hay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ cho vườn.
“Làm nông thuận tự nhiên khó lắm, bởi vì chúng ta đã làm nông không thuận tự nhiên bấy lâu nay, nên là tôi mới học làm theo khu rừng nguyên sinh ở cạnh nhà, gọi là làm vườn rừng. Nhưng trước khi bắt đầu làm vườn rừng thì phải yêu khu rừng, đừng đặt kỳ vọng năng suất vào khu rừng, rừng cho bao nhiêu thu bấy nhiêu, vốn dĩ rừng sẽ luôn biết tự cân bằng chính môi trường sống của nó”, chị tâm sự.
“Làm chủ hay là làm luôn thứ Bảy, Chủ nhật!”
Chị Thuận Nhiên cười nói khi nghĩ đến quyết định bỏ công việc ổn định của nhân viên văn phòng để về rừng khởi nghiệp. “Ở Sài Gòn tôi đi làm thuê cho người ta nhưng chân tay quần áo tóc tai lúc nào cũng gọn gàng tươm tất, còn về vườn đúng là tôi làm chủ, nhưng là làm luôn cuối tuần, không có ngày nghỉ”, chị hài hước.
Làm vườn cho chị thời gian chủ động, vì là công việc chân tay nên cơ thể lúc nào cũng được vận động, người thon gọn không cần tập luyện. Ở trong rừng, chị Thuận Nhiên cũng hạn chế cuộc gặp gỡ, giao lưu bạn bè mà dành thời gian suy ngẫm, sống chậm lại trước dòng chảy thời gian.
“Phải kể đến là sức khỏe cải thiện hơn nhiều, vì chúng tôi được hít thở bầu không khí trong lành và ăn thực phẩm từ vườn, không còn bệnh vặt như xưa. Chồng tôi hồi xưa ở phố là ba bữa viêm họng một lần không khỏi, giờ về đây tự hết không cần uống thuốc”, chị nhấn mạnh.
Chị cho biết, hiện tại các dòng sản phẩm của chị có đặc điểm là tự chủ nguồn nguyên liệu từ vườn không cần phải mua bên ngoài. Điều này giúp chị kiểm soát và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu vào, đầu ra tốt hơn.
Ngoài nguyên liệu ngắn ngày hai người tự trồng ở diện tích đất 10ha, chị hiện tại đang nhập nguồn hàng bồ kết ở miền Trung vào vì cây đang trồng phải mất 5-7 năm mới thu trái. Mọi công đoạn sản xuất được cả hai chuẩn hóa, tự làm và chưa thuê nhân công, máy móc cũng đi từ các loại máy nhỏ đến khi có vốn nâng cấp lên công suất to hơn đảm bảo hàng cho mọi người kịp thời.
Chia sẻ về tiêu chí đặt ra ở các sản phẩm, chị cho hay điều quan trọng là phải đẹp, tối giản mà vẫn an toàn. “Đã quay về thiên nhiên hay thảo mộc thì chắc chắn khách hàng sẽ quan tâm hơn tới sức khỏe của tóc, làn da mình nên chỉ cần đơn giản mà an toàn là đủ. Giống như ta gội đầu xong nếu cần dưỡng tóc sẽ có dầu dưỡng tóc, vào nhà tắm cần tắm toàn thân hay rửa mặt thì cũng chỉ cần mỗi một bánh xà bông. Hay sau khi rửa mặt sạch nếu cần dưỡng da thì có thể dùng dầu bơ để dưỡng, đơn giản chỉ cần có vậy”, chị giới thiệu.
Trong tương lai, chị có dự định sẽ sản xuất đủ bộ chăm sóc tóc và da để đẩy qua hướng phát triển nông sản địa phương và ngay tại vườn, nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt, đặc biệt là nông sản từ vườn rừng cho nhiều người biết đến hơn.
An Phú