(SGTT) – Từng xuất hiện trong các bữa tiệc cung đình của các vị vua chúa ngày xưa, bào ngư ngày nay dần trở nên phổ biến trong các bữa ăn của các gia đình Việt Nam bởi sự đa dạng chủng loại, giá cả cho người tiêu dùng chọn lựa.
- “Thèm” vị thanh mát vào bếp trổ tài ngay mâm cơm giản dị từ thịt heo
- Mâm cơm bình dị mùa dịch từ thịt cá lóc thân quen
- Chiêu đãi cả nhà “bữa tiệc” dinh dưỡng từ gạo lứt
Trong khuôn khổ chương trình Mỹ vị cùng Chef chuyên đề về bào ngư, anh Lê Thanh Tùng, Bếp trưởng Xưa Lounge & Coffee (quận 7) đã chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị về chúng (theo dõi chi tiết tại đây).
Quan trọng nhất theo anh Tùng là để có bữa ăn ngon thì việc chọn lựa thực phẩm chế biến cũng cần lưu ý. Nếu chưa có điều kiện mua bào ngư tươi sống thì hàng đông lạnh vẫn có thể chọn mua nhưng cần mua ở những nơi uy tín, xuất xứ, hạn sử dụng, cách bảo quản theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hấp dẫn hơn, anh Thanh Tùng còn chia sẻ đến bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị một bữa ăn dinh dưỡng từ bào ngư với số tiền bỏ ra chỉ khoảng 300.000 – 500.000 đồng cho một gia đình từ 2-4 người. Cụ thể, chúng ta sẽ có khai tiệc với món khai vị gỏi bào ngư, tiếp đến là món chính bào ngư sốt dầu hào nấm đông cô dùng kèm với mì sợi vàng, mì gói hay cơm trắng cũng đều hợp vị. Kết thúc buổi tiệc là chén cháo bào ngư ấm lòng, cân bằng vị giác.
Sau đây là công thức chi tiết thực hiện mâm tiệc thịnh soạn từ bào ngư do anh Thanh Tùng hướng dẫn.
Bào ngư sốt dầu hào nấm đông cô
Nguyên liệu: 400g bào ngư, 8 cái nấm đông cô (khô), 1 lít nước dùng gà, 150g cải thìa, 1/3 muỗng cà phê nước tương, 10g bột bắp, gia vị thường dùng (muối, hạt nêm, đường)
Cách làm: Bào ngư mua về đem rửa sạch nhiều lần với nước. Sau đó, dùng khăn khô lau nước rồi để ra một tô riêng. Nấm đông cô đem ngâm với nước ấm khoảng 20 phút cho nở mềm rồi mới đem sơ chế. Cải thìa cắt bỏ phần gốc, đem rửa dưới vòi nước cho sạch rồi đem để ra rổ cho ráo nước.
Cách làm (tt): Nấu sốt: Cho nước dùng gà vào nồi, thêm dầu hào và nước tương rồi khuấy đều. Đun hỗn hợp sôi lăn tăn trên bếp khoảng 3 – 5 phút. Sau đó cho bào ngư và nấm đông cô vào nồi rồi tiếp tục đun trên bếp với lửa vừa trong khoảng 15 – 20 phút. Tùy khẩu vị gia đình có thể điều chỉnh thời gian đun để bào ngư và nấm mềm hay giòn.
Cách làm (tt): Trình bày: Cho cải, nấm và bào ngư ra đĩa rồi rưới phần nước sốt lên trên. Thành phẩm món ăn bắt bắt về màu sắc và có chất dinh dưỡng từ các nguyên liệu nấu món ăn này.
Cháo bào ngư
Nguyên liệu: 500g bào ngư tươi, 300g xương ống, 200g gạo tẻ, 50g gạo nếp, 50g đẳng sâm, 20g kỷ tử, 30g táo đỏ, hành lá, ngò rí, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu
Cách làm: Gạo tẻ và gạo nếp đem ngâm qua đêm rồi vớt để ráo. Xương ống đem rửa sạch, chặt từng khúc và cho vào nấu trong 3 giờ để lấy nước dùng. Bào ngư đem rửa sạch rồi tách lấy thịt, rồi cho vào chảo xào sơ với hành tỏi phi thơm. Nếu dùng bào ngư khô, nên ngâm bào ngư vào nước ấm khoảng 20 phút rồi đem bào ngư hấp cách thủy cho mềm.
Cách làm (tt): Táo đỏ, kỷ tử, đẳng sâm ngâm sơ qua nước ấm khoảng 5 phút. Khi nước dùng sôi, vớt xương ra và cho gạo vào nấu đến khi gạo chín mềm. Khi gạo chín, cho tất cả nguyên liệu vào nấu thêm 10 phút rồi nêm nếm cho vừa ăn thì tắt bếp. Cho thêm ít hành lá, ngò rí lên mặt cho cháo dậy mùi hơn.
Gỏi bào ngư rong nho
Nguyên liệu: 450g bào ngư, 200g rong nho tươi, 100g xà lách, 1 củ gừng, 2 trái ớt, 3 củ hành tím, 2 cây hành lá, 2 trái tắc, 1 muỗng canh nước tương, ½ muỗng canh tương ớt.
Cách làm: Bào ngư ngâm trong nước ấm 10 phút rồi rửa qua gừng và rượu, đem xào sơ nêm nếm muối tiêu cho vừa ăn. Dùng dao thái bào ngư thành những lát vừa ăn để trình bày trên đĩa. Rong nho tươi đem rửa với nước khoảng 2-3 lần để giảm bớt độ mặn. Sau đó, ngâm rong nho vào tô nước đá để rong nho giữ được độ giòn và tươi khi trộn gỏi.
Cách làm (tt): Đối với gừng, cạo vỏ và thái sợi mỏng. Hành tím bóc vỏ và thái lát. Ớt bỏ hột và băm nhỏ. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch và thái nhỏ. Cuối cùng, cho tất cả cả nguyên liệu vào tô inox, và cho nước mắm gỏi trộn đều, trình bày ra đĩa đẹp mắt là đã có 1 món ăn ngon miệng, dễ làm.
Phúc An ghi