Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung

Từ vụ ngộ độc botulinum xảy ra tại TPHCM, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng đồng ý, chỉ đạo xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Ngộ độc botulinum do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo TTXVN, trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế-xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Ngộ độc botulinum rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) rất hiếm.

BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm y tế chi trả. Năm 2020, để điều trị các ca nhiễm độc tố botulinum do sử dụng patê chay có chứa độc tố, Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) đã đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã hỗ trợ kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A,B,C,D,E,F,G) – (Equine).

Với các trường hợp ngộ độc botulinum đang mắc tại TPHCM, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM, Cục Quản lý dược đã liên hệ với WHO để được hỗ trợ. Ngoài ra Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng để có thêm nguồn cung thuốc.

Minh Anh

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối