Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Bỏ phố về rừng, chống Covid-19 kiểu Nhật

(SGTT) – Khi mà sự giãn cách xã hội do Covid-19 gây ra đã trở thành một phần phải chấp nhận trong cuộc sống hàng ngày, thì tiếng gọi của tự nhiên đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nó tạo ra một xu hướng mới ở Nhật, mua những mảnh đất rừng giá cả phải chăng để cắm trại, một viễn cảnh nói thì dễ mà làm thì không dễ.

Mới đây, một diễn viên hài Nhật Bản đã trở lại đầy bất ngờ khi anh ấy bắt đầu phát sóng cuộc thám hiểm cắm trại một mình trên YouTube vài năm trước.

Những đoạn phim kéo dài từ 10-30 phút/tập nhưng thu hút hàng triệu lượt xem khi mô tả cảnh người đàn ông có nghệ danh là Hiroshi, dựng lều ở một vùng hoang dã nào đó, vừa nấu đồ ăn trên bếp lửa vừa nhâm nhi cốc cà phê.

Anh Kyohei Ueyama ngồi ngắm nhìn khu rừng rộng 430.000 mét vuông ở Kami, tỉnh Hyogo mà hai vợ chồng anh đã quyết định mua để làm khu cắm trại. Ảnh: Kyohei Ueyama

Bầu không khí trầm lắng trong các video được quay một cách đơn giản, là điểm thu hút người xem, những cư dân thành thị vốn đang mơ ước được thoát khỏi cuộc sống náo nhiệt của thành phố để trở về với thiên nhiên. Và giờ đây, khi mà sự giãn cách xã hội do Covid-19 gây ra đã trở thành một phần phải chấp nhận trong cuộc sống hàng ngày, thì tiếng gọi của tự nhiên đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Nó tạo ra một xu hướng mới, mua những mảnh đất rừng giá cả phải chăng để cắm trại, một viễn cảnh nói thì dễ mà làm thì không dễ.

Masaki Tatsumi, chủ tịch của Mountain Voice, một công ty điều hành một trang web có tên là Ngân hàng Sanrin, cho biết nhu cầu của người mua đang tăng vọt.

Công ty này thường đứng ra môi giới khoảng 10-20 giao dịch/tháng, nhưng vào tháng 8 vừa qua, họ đã nhận được 500 yêu cầu, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái. Và trong tháng 9, con số này đã tăng lên khoảng 650, trong đó chỉ có 20 yêu cầu là từ các chủ sở hữu đất muốn bán tài sản. Số còn lại là từ những người muốn sở hữu các mảnh đất cho mục đích cá nhân, bao gồm cả việc xây dựng các khu cắm trại riêng. Nhiều người trong số họ đã xem các video của Hiroshi đã mua mảnh đất rừng của riêng mình ở ngoại ô Tokyo vào năm 2019 hoặc đọc các bộ truyện tranh đề cao sự tự do tự tại của hoạt động cắm trại như “Thở giữa lưng chừng núi Phú Sĩ” và “Futari Solo Camp” (“Cắm trại một mình của Futari”).

Theo ông Tatsumi thì xu hướng này là một sự thay đổi mới đối với một thị trường trước đây chủ yếu do các công ty lâm nghiệp và các tập đoàn lớn thống trị. Các công ty này thường mua hàng trăm héc ta đất để lấy gỗ bán làm gỗ xẻ hoặc để cung cấp cho các nhà máy điện năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, gần đây nhiều cá nhân lại quan tâm đến việc sở hữu những mảnh đất nhỏ hơn, phù hợp với khả năng quản lý của họ.

Ông Tatsumi nói: “Tôi nghĩ mọi người đã nhận ra đất rừng có giá rẻ như thế nào”. Một héc ta hoặc 10.000 mét vuông đất rừng thường được chào bán với giá từ 300.000 yên đến 800.000 yên (68-180 triệu đồng). Trong khi tại trung tâm Tokyo, một khu đất vài mét vuông được giao dịch với giá hàng triệu yên.

Tuy nhiên, nhiều mảnh đất lại không có giá niêm yết. Đó là bởi vì một số chủ đất thà bán đất của họ được thừa kế qua nhiều thế hệ cho những người mà họ có thể tin tưởng. Không giống như các giao dịch bất động sản đô thị điển hình, với loại hình này người trả giá cao nhất chưa chắc đã là người mua được.

Và một khi giao dịch mua thành công thì thử thách thực sự sẽ đến: chăm sóc và quản lý rừng.

Đất rẻ nhưng phải đầu tư nhiều công sức

Kyohei và Chisako Ueyama có chung sở thích cắm trại và đã ghé thăm nhiều địa điểm từ khi họ kết hôn. Mỗi khi đến một khu cắm trại mới, họ đều cùng nhau phân tích khả năng tiếp cận, điều kiện và cơ sở vật chất của khu đó.

“Rồi một ngày, vợ tôi gợi ý rằng chúng tôi nên mua một khu đất của riêng mình và xây dựng khu cắm trại trong mơ của chúng tôi và cho thuê các khu cắm trại,” anh Kyohei nói. “Tôi nghĩ rằng cô ấy đang nói đùa, nhưng sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng giá đất ở mức khá phải chăng”.

Vợ chồng Kyohei và Chisako Ueyama tạm nghỉ trong khi lao động tại mảnh đất rừng của họ. Ảnh: Kyohei Ueyama 

Cặp đôi đã xem trang web của Ngân hàng Sanrin và tham khảo kiến ​​thức chuyên môn của ông Tatsumi trong việc đánh giá địa điểm lý tưởng. Họ đã đến thăm một số bất động sản ở tỉnh Okayama, miền tây Nhật Bản trước khi quyết định định cư trên một khu rừng rộng khoảng 430.000 mét vuông ở Kami, tỉnh Hyogo, cách nơi họ sống ở Sakai một thành phố thuộc tỉnh Osaka, khoảng ba giờ đi ô tô.

Tài sản này thuộc sở hữu của các cô con gái được thừa kế sau khi cha họ, chủ đất sống tại địa phương, qua đời. Vì không ai trong số họ sống ở quê nhà nên họ đã quyết định chuyển nhượng mảnh đất.

“Mảnh đất này khá bằng phẳng, phù hợp với việc cải tạo thành một khu cắm trại. Vị trí khá đắc địa, nhìn bao quát toàn cảnh Ojiro, ngôi làng bình dị được chọn là một trong những ngôi làng đẹp nhất Nhật Bản”, anh Kyohei nói. Nhiều khu cắm trại mà cặp đôi đã đến trước đây hoặc quá đông đúc hoặc ở những khu vực ít phổ biến hơn, cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ. Mảnh đất của họ có nhiều không gian và đường xá thuận tiện. Cặp vợ chồng nghĩ, nếu họ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, đây sẽ trở thành một khu cắm trại tiềm năng.

Vì Kyohei và Chisako đều đi làm giờ hành chính, nên cả hai chỉ có thể đến thăm khu đất vào cuối tuần, dựng lều để ở trong khi chăm sóc đất. Họ đào cỏ dại và san lấp đất, xây nhà vệ sinh và lấy nước từ một con suối chảy qua. Họ xây dựng một nhà nghỉ trên nền bê tông, thỉnh thoảng tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Họ hiện đang có kế hoạch xây một túp lều khác bên cạnh nhà nghỉ để làm nhà vệ sinh cho những người cắm trại, với mục tiêu mở cửa thu phí cho công chúng vào mùa hè tới.

Bùng nổ hoạt động cắm trại do đại dịch gây ra

Mối quan tâm ngày càng tăng đối với việc mua đất trồng rừng là do nhu cầu cắm trại của người dân đang phổ biến trở lại. Nhiều lựa chọn cắm trại mới khác nhau đã xuất hiện, chẳng hạn như glamping (cắm trại sang cảnh), cung cấp dịch vụ lưu trú trong những túp lều sang trọng với đầy đủ đồ ăn và tiện nghi.

Theo Liên đoàn Cắm trại Tự động Nhật Bản (Japan Auto Camping Federation), số lượng người thực hiện các chuyến cắm trại bằng ô tô trong năm 2019 đã tăng năm thứ bảy liên tiếp lên con số ước tính 8,6 triệu. Độ tuổi trung bình của các trại viên là 42,6. Nhiều người đi cắm trại với mục đích tạo cơ hội cho con cái họ tiếp xúc với thiên nhiên hoang dã.

Takuro Iwahashi đồng sáng lập của Yamaichiba, công ty điều hành một trang web chuyên về các bất động sản rừng, cho biết số lượng khách truy cập vào trang này đã tăng gấp năm lần kể từ tháng 3 vừa qua. Ông giải thích rằng mọi người quan tâm đến xu hướng mới này từ khi đại dịch xảy ra khiến nhiều khu cắm trại buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, ông Iwahashi tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Ông nói: “Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc chuyển về vùng nông thôn và sống gần gũi hơn với thiên nhiên. Mặc dù chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với các mảnh đất lâm nghiệp tăng mạnh trong vài tháng qua, nhưng bản chất hiện tượng này không có gì mới”.

Ông cũng lưu ý mọi người là “cần nhớ rằng khi mua đất rừng chúng ta phải đối phó với các yếu tố thiên nhiên và vì vậy, việc mua bất động sản này không giống như việc mua bất động sản ở các thành phố”.

Đất không có người ở

Mặc dù mối quan tâm tăng vọt đối với đất rừng, nhưng theo ông Tatsumi của Ngân hàng Sanrin thì thị trường hiện nay không có đủ nguồn bất động sản phù hợp để đáp ứng nhu cầu. Trang web của ông đã giới thiệu các vùng đất nằm ở ​​tất cả các tỉnh của Nhật Bản ngoại trừ đảo Okinawa ở phía Nam.

Ông nói: “Hiển nhiên là không phải tất cả các ngọn núi và khu rừng đều thích hợp để cắm trại, do vậy những địa điểm đáng mơ ước sẽ được mua ngay lập tức”.

Diện tích rừng của Nhật Bản bao phủ khoảng 25 triệu héc ta, chiếm 2/3 tổng diện tích của cả nước. Trong số này, khoảng 15 triệu héc ta thuộc sở hữu tư nhân của các cá nhân hoặc tập đoàn. Mặc dù diện tích này có vẻ khá lớn, nhưng hầu hết các bất động sản rừng không xuất hiện trên thị trường, do chúng đã có chủ sở hữu hoặc vì tỉ lệ dân số tuổi già tăng lên khiến các vùng đất không có người trông và không dễ dàng liên hệ với các chủ sở hữu.

Có một điều chắc chắn rằng đối với nhiều người được thừa kế đất đai, thuế tài sản và phí bảo trì là một gánh nặng. Ngày càng có nhiều trường hợp muốn chuyển giao mảnh đất của họ với một khoản tiền không lớn, hoặc thậm chí tặng không.

Atsuo Tanaka, một phóng viên chuyên viết về ngành lâm nghiệp của Nhật Bản, quản lý một khu đất rừng nhỏ do một người họ hàng chuyển giao. Anh thường xuyên đến thăm mảnh đất của mình nằm ở biên giới tỉnh Nara và Osaka để cắt tỉa đám cỏ mọc um tùm khắp nơi. Ngoài ra anh còn phải mất khá nhiều thời gian để đào măng của khu rừng tre nằm kề bên để ngăn loài cây phát triển rất nhanh này lấn chiếm đất của anh.

“Tôi nghĩ thật tuyệt khi mọi người quan tâm đến việc trải nghiệm thiên nhiên, nhưng thực tế thường khá khác so với những cảnh đẹp của rừng và núi mà bạn thấy trên truyền hình,” anh Tanaka nói.

“Bạn đổ mồ hôi, lấm lem bùn đất và phải đối phó với các loại côn trùng ở khắp mọi nơi. Tôi ủng hộ ý tưởng sở hữu những vùng đất hoang dã, nhưng trừ khi mọi người có sự chuẩn bị và quyết tâm. Nếu không rất có khả năng bạn sẽ phải từ bỏ việc duy trì món tài sản sau một vài năm”.

Ngoài ra, bạn cũng phải lưu tâm đến vấn đề giao tiếp với những người hàng xóm. Nhiều người dân nông thôn thường có thái độ dò xét với những người ở nơi khác đến mua đất. Anh Tanaka đã được nghe kể về nhiều trường hợp người dân sở tại đã gọi cứu hỏa khi ai đó đang cắm trại ngoài trời và đốt lửa. Bản thân anh cũng có trải nghiệm tương tự khi một người hàng xóm đã hét vào mặt anh vì đã đốt lửa trại, mặc cho Tanaka đã chuẩn bị sẵn nước để dập lửa.

Thanh Thảo

Theo Japan Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thú chơi nhà trên ‘rú’!

0
(SGTT) - “Rú” ở đây thường được ghép với “rừng”. “Rừng rú” chỉ nơi cây cối mọc mênh mông, rậm rạp. Ở thế kỷ...

Cầm xẻng về rừng, hai vợ chồng chủ vườn “thuận theo...

0
(SGTT) – Gác lại hình ảnh váy vóc, lụa là thuở còn đi làm ở phố thị, chị Trần Thị Mỹ Thuận (27 tuổi),...

Đầu bếp bỏ phố về rừng làm TikToker triệu view: Nấu...

0
(SGTT) – Sau 11 năm gắn bó với nghề bếp ở TPHCM, anh Hồ Hoàng Giao quyết tâm đổi hướng về Lâm Đồng tìm...

Hành trình “bỏ phố về quê” trở thành YouTuber ẩm thực...

0
(SGTT) - Không xô bồ cũng chẳng vội vã, kênh YouTube của anh chàng nông dân Tô Tiểu Tường giờ đây đã trở thành...

Lên buôn làng ăn Tết

0
(SGTT) - Cả chặng đường mười mấy cây số với điểm khởi hành là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột theo các cánh...

Bỏ phố về quê – chọn lựa nhất thời hay xu...

0
Những ngày này, dạo một vòng trên mặt báo của nhiều nước thấy khá nhiều tiêu đề như: “Tạm biệt Matxcơva”; “Rời bỏ Seoul”;...

Kết nối