Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Bỏ phố về rừng: Biến cuộc sống thành những ngày đơn giản

(SGTT) - Một buổi sáng cuối năm 2020, chị Yến xuống thị trấn cách nơi mình ở khoảng 8km để “đón sóng” internet. Chị lên mạng đăng mấy dòng status (trạng thái) để tìm kiếm người đồng hành cùng về với núi rừng, chăm sóc cây cối và thực hiện một số dự án cộng đồng. Cuộc sống hơn một năm nay của chị Yến là như vậy.

"Người ngoài nhìn vào thì tặc lưỡi là sao phải sống đời khổ hạnh thế? Nhưng với mình, mình đang rất vui thỏa với cuộc sống hiện tại: bình yên, tự tại và vui với thiên nhiên. Lý tưởng sống của mình cũng đang từng ngày được hiện thực hóa, vậy thì, còn gì để luyến tiếc nữa?"

Đó là những lời tâm sự của chị Trương Hải Yến (38 tuổi, quê Kiên Giang) với Sài Gòn Tiếp Thị khi nói về việc chị bỏ cuộc sống đầy đủ nơi phố thị để về tít rừng sâu, sống cuộc đời đơn giản, thậm chí có thể coi là “lạc hậu” ở Lâm Đồng.

Ngủ rừng, ăn cây trái

“Ngoài những khoảnh khắc đẹp đẽ của thu hoạch cây trái, đồi lộng gió, trời xanh trong, không khí trong lành…thì những niềm vui khác bạn có thể trải nghiệm là cuộc sống không điện, không internet, không người thân, nhà thì chỉ là cái chòi che nắng và che được tí mưa…”, chị Yến tả về nơi mình ở như vậy.

Niềm vui của chị Hải Yến khi về với núi rừng là cỏ cây, hoa lá. Ảnh: Nam Bình

Nơi chị Yến đang sống thuộc huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) giáp với huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk. Đó là một khu rừng núi rất rộng với hơn 50ha, gồm 9 ngọn đồi lớn nhỏ.

Nơi này vẫn còn là rừng sâu, không điện, không đường giao thông, nước dùng được lấy từ nguồn suối trong rừng. Muốn bắt được sóng điện thoại hay 3G phải vào thị trấn cách đó khoảng 8km hoặc leo lên một ngọn đồi cao, nhưng cũng lúc được lúc mất.

Vì không có sẵn sóng điện thoại nên rất hiếm khi liên lạc được với bên ngoài. Có những ngày cần trò chuyện với ai đó, chiều tối, đợi mặt trời sắp lặn, chị Yến trèo lên đồi cao, giơ điện thoại ra “hứng” chút sóng yếu ớt, nói dăm ba câu rồi lại về con đồi phía dưới thấp hơn, nơi có cái chòi nhỏ để chị ngủ qua đêm.

Có những lúc phải giăng võng ngủ, vì trời mưa tạt làm nền nhà ướt nhẹp. Ảnh: Nam Bình

Nó chính xác là một cái chòi, bốn bên trống hoắc. Những ngày trời tạnh ráo thì còn có thể chịu đựng được, còn những ngày mưa, nước tạt ướt sũng, chị Yến phải mắc võng mùng để ngủ.

Công việc mỗi ngày của chị Yến là chăm sóc cây cối, làm cỏ, trồng rau để ăn. Rồi dành thời gian làm những việc phục vụ cuộc sống thường nhật như nấu cơm, giặt giũ... Không có tủ lạnh, máy giặt hay các vật dụng tiện nghi khác, mọi việc đều phải dùng sức người.

Về chuyện ăn uống, chị Yến theo đuổi lối sống không ăn đạm động vật, chỉ ăn rau củ quả. Chị cho rằng, vì nhu cầu của bản thân rất thấp nên mới có thể sống được trong môi trường rừng núi này.

Chị kể rằng, mọi người nhìn vào đều cảm thương cho mình vì nghĩ rằng mình đang phải sống cuộc đời khổ hạnh, quá vất vả. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, từ việc ăn uống đến các tiện nghi trong cuộc sống.

Ví dụ như nấu cơm nước bằng củi như ông bà ta ngày xưa, hì hục cả buổi mới xong. Việc ngủ nghỉ cũng không tiện nghi vì phải ở trong một cái chòi trống trải, đôi khi mưa gió lạnh buốt xương, xung quanh muỗi mòng, rắn rết, ong ve... lổm nhổm.

"Thế nhưng, bản thân mình cảm giác rất hài lòng. Ý chí, lý tưởng và lối sống của mình đang được hiện thực hóa theo đúng mong muốn của bản thân”, chị Yến chia sẻ.

Từ một duyên cớ

Chị Yến nói rằng, ngày trước còn đi làm ở thành phố, chị cùng một nhóm bạn có thành lập một câu lạc bộ từ thiện. Mỗi người đi làm rồi tích cóp để mỗi năm 4 lần cùng đi làm từ thiện. Sau này, cả nhóm nhận ra rằng cần phải có cách tiếp cận tốt hơn, giúp đỡ nhiều người hơn trong cộng đồng một cách bền vững hơn.

Từ mong muốn đó, cả nhóm đã chọn cách chuyển hẳn về vùng rừng núi này sinh sống và thành lập một doanh nghiệp xã hội. Mọi lợi nhuận từ đó sẽ được đầu tư trở lại cho cộng đồng. Các bạn khác trong nhóm vẫn duy trì công việc ở thành phố, chỉ dăm bữa lại vào rừng. Riêng chị Yến, chị chuyển hẳn vào vùng núi cao này để sống, cũng đã gần một năm nay.

Clip: Chị Trương Hải Yến bên khu vườn của mình

Lúc đầu mới vào rừng, sống cùng với một số gia đình đồng bào Ê Đê, M’Nông… người bản địa, thấy họ có một số loại nước uống làm từ các loại thảo mộc hái trong rừng rất hay. Nhóm chị Yến dần dà tìm hiểu và bị hấp dẫn bởi các “bí quyết gia truyền” này của bà con đồng bào dân tộc.

Nhóm của Yến bắt đầu động viên bà con sản cùng hợp tác để sản xuất thành các sản phẩm trà thảo mộc, phân phối rộng rãi ra thị trường. Tuy nhiên, do mọi công đoạn đều làm thủ công, bà con vào rừng hái cỏ cây cũng rất vất vả và không có số lượng lớn nên mọi việc phải thực hiện từng bước, từng bước.

Hiện, xưởng trà mỗi tháng xuất bán khoảng vài chục ngàn gói, mỗi gói khoảng 50gr. Theo đó, bà con sống trong vùng sẽ vào rừng lấy dược liệu về, đưa vào xưởng xử lý, đóng gói, làm thành trà thảo dược. Với dự án này, chị Yến mong muốn bà con đồng bào trong vùng sẽ có sinh kế bền vững, từ đó giảm săn bắt, khai thác rừng quá mức.

Sống với điều mình thích

Trước đây khi còn sống giữa vòng bạn bè, mỗi lần đi chơi xa hay gặp gỡ mọi người trở về, chị thường hụt hẫng, trống rỗng, không thể cân bằng lại cuộc sống được.

Nhưng từ khi về với núi rừng, chị thấy mình cảm nhận được sự cân bằng trong chính tâm hồn, niềm vui đơn giản nhưng bất tận và không cần phải tìm kiếm ở đâu xa. “Mình thích sự bình yên hơn là sự chộn rộn bên ngoài!”, chị Yến khẳng định chắc nịch.

Còn về niềm vui, chị nói rằng cuộc sống ở phố thị quá nhanh, quá vội vã nên sẽ không ai có đủ thời gian để ngắm một chú sâu đang cố gắng bám vào cành cây như thế nào, hoặc một nụ hoa nở ra đẹp như thế nào trong tự nhiên.

Cái bếp củi, hình ảnh quen thuộc của nhiều thế hệ cha ông xưa, nay gắn bó với chị Yến mỗi bữa cơm hằng ngày. Ảnh: Nam Bình.

Chị Yến cho rằng, mình có thiên hướng nghĩ về thiên nhiên, về môi trường nhiều hơn những điều khác trong cuộc sống. Mà cuộc sống tiện nghi, xài hàng hóa quá nhiều, thừa mứa đã gây ra áp lực lớn lên tự nhiên.

“Mình đang hướng tới lối sống không phụ thuộc vào tiện nghi hiện đại để giảm tiêu thụ theo chủ nghĩa tối giản và freegan (một phong trào về chống chủ nghĩa tiêu dùng, chỉ những người ưu tiên sử dụng hàng hóa đã bị bỏ đi – PV). Mình đã không sử dụng mỹ phẩm, không mua sắm quần áo trong nhiều năm rồi”, chị Yến chia sẻ.

Với chị Yến, khi đã thấm thía sự căng thẳng, bất an và đau khổ của cuộc sống đủ để chị từ chối hết mọi lăng xăng mà tìm về bình yên nội tâm, từ đó lan toả bình an cho mọi người.

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề