Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Bản đồ ẩm thực: Bánh rế, chút quà tâm tình của người dân xứ biển Phan Thiết

(SGTT) - Đến với Phan Thiết, ngoài “biển xanh cát vàng”, du khách còn có dịp khám phá nhiều đặc sản ấn tượng như nước mắm truyền thống, mực một nắng, răng mực nướng, gỏi ốc giác, bánh cốm… Trong đó, bánh rế nổi tiếng bởi là món ăn "lót dạ" trước khi bước vào hành trình khám phá đất biển Phan Thiết, Bình Thuận.

Được biết, bánh rế bắt nguồn từ Phan Rang, dần dần lan khắp vùng miền Trung rồi đến miền Nam, nhưng phổ biến nhất hiện nay và được nhắc đến nhiều là bánh rế Phan Thiết. Ngoài cái tên ấn tượng thì bánh rế đem lại hương vị thưởng thức rất lạ miệng, chút thơm bùi của củ mì, khoai lang; chút ngọt ngào của đường, vani.

Để làm bánh rế, người thợ phải trải qua sáu công đoạn, mỗi công đoạn một người làm khác nhau. Khoai mì, khoai lang chọn củ tươi, không non cũng không quá già. Sau đó, nguyên liệu ngâm vào thau nước trong vài giờ đồng hồ cho bớt nhựa rồi mới gọt vỏ và bào thành các sợi nhỏ.

Những sợi khoai lang hay khoai mì phải được bài thật đều nhau để khi chiên đan xen vào nhau và tạo thành hình “cái rế” đẹp mắt. Để bánh có mùi thơm hấp dẫn hơn, người làm bánh thường cho thêm ít vani vào và trộn đều.

Khi chiên, dùng 1 chảo nhỏ có lòng sâu đặt trên 1 lò than nhỏ, cho 1 ít dầu dừa vào chảo, khi dầu sôi lấy một nắm củ mì hoặc củ lang đã bào sợi sẵn cho vào chảo. Sau đó, dùng vá có cán dài, lòng vá sâu tròn và một đôi đũa, lấy đũa vạch sợi mì cho đều trong lòng chảo, rồi dùng lưng vá đè, ép các cọng nguyên liệu sát xuống lòng chảo. Lúc này, dầu làm cho nguyên liệu chín kết dính vào nhau, hình thù chiếc bánh giống như cái rế lót nồi niêu mà các vùng nông thôn ngày xưa hay dùng. Việc còn lại chỉ là xúc bánh qua chảo dầu lớn và chiên đến khi bánh có màu vàng đẹp.

Do bánh chiên trong dầu nên cần để bánh trên vĩ cho ráo dầu rồi tiếp tục chiên cái khác. Chiên hết số sợi mì đã thành bánh rế xong, dùng một chảo khác cho đường và ít nước bắc lên lò lửa. Đường chảy ra, người ta từ từ lấy từng bánh một nhúng lưng bánh vào chảo đường rồi lấy ra làm cái khác, rắc thêm ít mè trắng rang sẵn trên mặt bánh vừa mới nhúng đường để khi ăn vừa thơm, vừa đẹp mắt, đến khi cả rổ bánh được ngào đường mới thôi.

Chờ bánh nguội xếp vào bao nylon loại cứng và dày, chiều ngang theo khuôn khổ chiếc bánh, mỗi gói 10 cái giá bán dao động khoảng 20.000 đồng/gói tùy theo bánh lớn nhỏ, và tùy theo thương hiệu cũng như chất lượng của từng lò bánh.

Bánh rế Phan Thiết thường có hai loại chính là bánh rế màu vàng và bánh rế màu tím đỏ. Bánh rế màu tím đỏ thường sử dụng nguyên liệu chính là khoai lang Dương Ngọc, vì vậy, có giá bán cao hơn loại bánh rế màu vàng làm từ khoai lang hay khoai mì bình thường.

Trước kia người dân Phan Thiết chỉ làm ăn chơi hoặc khi có tiệc tùng, cúng giỗ, chủ yếu làm quà biếu. Khoảng mười mấy năm trở lại đây khi du lịch phát triển thì bánh rế của Phan Thiết có chỗ đứng trong thị trường và được du khách ưa chuộng, ăn ngon, vừa miệng, vừa túi tiền nên mỗi khi ghé qua Phan Thiết du khách không quên mua về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc mua nhiều để dành ăn dần.

Hiện ở Phan Thiết vẫn còn nhiều lò bánh rế truyền thống tại phường Đức Thắng, Phú Thành, Lạc Đạo… Một ly trà đặc hay một ly trà atiso nóng, ngồi nhâm nhi cùng mấy chiếc bánh rế giòn thơm ngọt béo, sẽ làm cho bạn ngon miệng và có cảm giác thoải mái khi thưởng thức những món ăn mang đậm tính chất truyền thống.

Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lênh đênh sông nước Sóc Trăng, thử bún nước lèo ‘đặc...

0
(SGTT) - "Ai bún nước lèo hông?", tiếng rao đon đả của bà Hồ Thị Thu, 54 tuổi, vang trên chợ nổi Ngã Năm,...

Ngọt dẻo món mè xửng, đặc sản đất cố đô Huế

0
(SGTT) - Mè xửng là đặc sản không thể tách rời trong biểu tượng văn hóa đất cố đô Huế. Nhiều người nói vui,...

Những câu chuyện ẩm thực thú vị về món chè hé...

0
(SGTT) - Nếu có dịp du lịch Đà Lạt, người ta thường hay rủ nhau thưởng thức bánh căn, bánh mì xíu mại, lẩu...

Trứng chiên ngải cứu – món ăn vị thuốc quen thuộc...

0
(SGTT) – Tuy không nổi bật như bún chả, phở gà, bún thang… nhưng trứng chiên ngải cứu lại có riêng những thực khách...

Về Đà Nẵng nhớ thưởng thức 5 món ăn, đặc sản...

0
(SGTT) - Ẩm thực Đà Nẵng như một bức tranh với nhiều sắc màu của văn hóa miền Trung nước ta. Khám phá những...

Thơm ngon tô bún mực Đại Lãnh xứ biển Khánh Hòa

0
(SGTT) - Được thiên nhiên ưu ái cho vùng biển trải dài, cát trắng mịn màng, nước trong xanh, Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh...

Kết nối