(SGTT) – Vượt hành trình hơn 50 km từ TP Hà Nội về phía Tây Bắc, chúng ta sẽ đến huyện Sơn Tây, nơi có ngôi làng cổ Đường Lâm yên bình, mộc mạc.

Con đường dẫn vào làng cổ Đường Lâm được lát bê tông phẳng phiu, sạch sẽ. Hai bên là ruộng đồng, người dân trồng trọt, canh tác với các loại hoa màu khác nhau. Đặc biệt, ở lối vào Đường Lâm có một ngôi nhà nhỏ xinh, địa điểm này thường là nơi dừng nghỉ chân sau một buổi đồng áng mệt nhọc. Đây cũng được chọn làm bối cảnh cho khá nhiều bộ phim chủ đề nông thôn đồng bằng Bắc bộ xưa kia.

Cổng vào làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Vương Lộc

Người ta thường nói, cổng làng chính là diện mạo cho cả ngôi làng. Cũng chính vì lẽ đó, cổng làng Đường Lâm được thể hiện theo đúng phong cách của cổng làng miền Bắc xưa. Màu thời gian đã phủ lên mái cổng với từng lớp rêu phong, làm sờn phai từng thớ gạch bên trong cổng. Cổng có 4 trụ xung quanh “yểm trợ” để tạo sự vững chãi.

Vào làng cổ Đường Lâm, bạn sẽ thấy đình làng Mông Phụ, nơi thờ thánh Tản Viên (một trong Tứ bất tử của Việt Nam) cùng với Thành hoàng làng. Ngôi đình nổi bật ở không gian kiến trúc chính diện có chiều kích lớn với chiếc mái lớn và rộng, trong khi phần thân lại thấp.

Ngôi nhà cổ Đường Lâm. Ảnh: Vương Lộc

Con đường gạch tại Đường Lâm vẫn còn nét rêu phong xưa kia cũng như cách lát gạch nghiêng truyền thống. Nhiều ngả đường sẽ dẫn bạn để với những ngôi nhà cổ Đường Lâm có tuổi đời hàng trăm năm.

Nhà cổ Đường Lâm được thiết kế bằng gỗ, lợp ngói cổ, thiết kế với ba gian hai trái truyền thống. Mái nhà lớn, rộng và phủ xuống không gian sinh sống và bên trong thì rộng rãi, rất mát về mùa hè. Trong nhà với ngoài sân được ngăn cách bởi bậc cửa lớn cùng hiên trải dài theo diện tích ngôi nhà.

Bắp ngô phơi khô được treo thành từng dàn ở phần gần mái nhà. Ảnh: Vương Lộc

Tại làng cổ Đường Lâm, bạn vẫn có thể thấy những chiếc lu làm tương hay chum, vại đựng nước mưa theo phong cách sống cổ truyền của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Những bắp ngô phơi khô được treo thành từng dàn ở phần gần mái nhà, chiếc chày giã gạo, cối xay… vẫn còn được lưu giữ tại những ngôi nhà cổ Đường Lâm. Nhìn mỗi loại vật dụng đó không ai không bồi hồi nhờ lại một tuổi thơ bình dị, mộc mạc tại miền Bắc xưa kia.

Những chiếc chum làm tương tại Đường Lâm. Ảnh: Vương Lộc

Du khách cũng có thể thăm quan những điểm trong hoặc lân cận Đường Lâm như chùa Mía, đền thờ lăng Ngô Quyền, rặng duối cổ… đều đem lại cảm giác hồi tưởng ký ức xưa và an nhiên thoải mái. Bạn có thể mua ở đây các loại bánh, chè lam, tương gạo… để làm quà mang về.

Đá ong là nguyên liệu chủ đạo xưa kia để xây tường, nhà tại Đường Lâm. Ảnh: Vương Lộc

Làng cổ Đường Lâm không rộng nên chỉ cần một buổi sáng là bạn có thể thăm thú hết các nơi và khu vực lân cận. Điểm cốt lõi chính là nơi đây tạo ra một không gian cổ xưa, gợi lại ký ức tuổi thơ về một thời ở đồng bằng Bắc Bộ với nhiều ký ức khó quên.

Ảnh: Google Maps.

Vương Lộc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây