(SGTT) – Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn rừng là một trong những bước quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đồng thời giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như các đại dịch trong tương lai.
- Vườn quốc gia Cát Tiên hưởng ứng ngày động, thực vật hoang dã thế giới 2022
- Bỏ phố về rừng: Bờ kia bờ này Nam Cát Tiên?
Trong thời gian qua, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên đã và đang thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, bảo tồn nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm… Quá trình hợp tác giữa VQG Cát Tiên với các đơn vị và tổ chức hữu quan trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học cũng được chú trọng và phát triển.
Mới đây, ngày 27-4-2022, Ban quản lý VQG Cát Tiên đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) do bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam dẫn đầu. Tại buổi làm việc, hai bên đã có những trao đổi, chia sẻ thông tin hữu ích liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhân dịp này, Đoàn cũng đã có dịp tìm hiểu về những sinh hoạt của người dân sinh sống trong VQG Cát Tiên và các khu vực xung quanh, về khó khăn cũng như những cơ hội cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Đoàn công tác USAID Việt Nam đã gặp gỡ nhóm Bảo tồn cộng đồng, tìm hiểu về kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc bảo vệ tài nguyên rừng, ngăn ngừa và giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp xâm phạm tài nguyên rừng VQG Cát Tiên.
Đây một trong những hoạt động của Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do VQG Cát Tiên phối hợp với USAID và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam triển khai thực hiện tại một số địa phương có diện tích rừng thuộc VQG Cát Tiên, với thời gian triển khai thực hiện trong 5 năm, qua đó nhằm huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong việc bảo tồn hiệu quả tài nguyên rừng và đa dạng sinh học VQG Cát Tiên.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỉ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Những vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn đã hạn chế việc thực thi pháp luật, gia tăng khoảng cách giàu nghèo nơi các cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương, gây nguy hại cho các hệ sinh thái.
Vì vậy, việc tăng cường hoạt động bảo vệ rừng và động vật hoang dã có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần dựa trên bối cảnh thực tiễn địa phương để giải quyết triệt để các nguy cơ. Với sự hợp tác thực hiện của các cộng đồng địa phương, cơ quan Chính phủ, các công ty tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển khác, Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học do USAID tài trợ sẽ góp phần duy trì và tăng cường chất lượng rừng, bảo vệ và giữ ổn định số lượng quần thể các loài hoang dã ở các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam.
Đinh Nam