(SGTTO) – Chia tay Cần Thơ đầy lưu luyến, tôi đi về hướng Tây Nam. Những cơn gió mùa mùa hè mang theo những trận mưa rào nặng hạt trên suốt quãng đường gần 150 cây số đến với Cà Mau. Không theo hướng quốc lộ 1A, tôi chọn đi theo tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp.
Tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp vắng vẻ vì xuyên qua những cánh đồng, nhưng chính vì vậy tôi có thể cảm nhận nhiều hơn những đặc trưng rất riêng của miền Tây: những ụ rơm chất đống sau mùa gặt, cột khói cao nghi ngút lúc chiều tà, bầy vịt thả đồng ăn mót lúa, đàn trâu lững thững về chuồng. Với tốc độ phát triển như hiện nay, chẳng biết sau bao lâu nữa, mọi thứ tôi thấy được hôm nay sẽ mãi mãi đi vào ký ức.
“Nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau”
Đón tôi ở thành phố Cà Mau khi trời đã nhá nhem tối là anh Hiệp, một người bạn cũ khi còn làm trên Sài Gòn. Hẹn ở thành phố cho dễ đón, chứ nhà anh thì ở Đầm Dơi cách đó chừng 10km. Đi cùng anh Hiệp về nhà sau bữa ăn tối, tôi cứ thầm nghĩ “Cà Mau sao buồn thế!”. Buồn từ thành phố ra đến tận thôn quê.
Tôi chẳng biết diễn tả cái buồn ấy như thế nào, nhưng càng đi sâu vào nhà anh Hiệp, nỗi buồn càng thê thảm. Nhà anh nằm ngay cạnh bờ sông Gành Hào nổi tiếng, bắt đầu ở thành phố Cà Mau bởi hợp lưu từ các con kênh và đổ ra biển Đông tại Bạc Liêu. Đoạn trước nhà khá yên bình với hai hàng dừa nước song song, dân cư thưa thớt, chủ yếu là nhà tranh.
Tôi đến Cà Mau với tâm thế là trải nghiệm và đó thật sự là những trải nghiệm thú vị khó có thể tìm được ở đâu khác. Chắc bạn đã từng nghe câu hát “Nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau” trong bài hát Áo mới Cà Mau rồi phải không? Dù chưa phải vào rừng, nhưng tôi nghĩ việc bị muỗi cắn sẽ là một “đặc sản” miễn cưỡng nhận khi đến Cà Mau. Muỗi ở đây rất là lỳ, giữa ban ngày cũng kéo nhau hút máu trên tay bạn, đuổi cũng chẳng thèm bay. Chỉ sau hai ngày, tay chân tôi đầy vết muỗi cắn, chịu không nổi đành đi mua kem chống muỗi về bôi.
Miền Tây có nhiều thú vui. Khi tháo bỏ những ồn ào, hiện đại của thành phố để hòa vào cuộc sống dân dã, tôi tự nhiên thấy yêu đời hơn hẳn. Một buổi chiều, mấy anh em ra sau vườn, bắt vài con tôm, con cá, nhóm lửa lên nướng mọi, rồi bẻ thêm vài trái xoài, trái cóc, cùng chai rượu là có một buổi nhậu đậm chất miền Tây. Không cần bàn ghế sang trọng, ngồi bệt dưới mấy tàu lá chuối, chúng tôi kể nhau nghe mấy chuyện tầm phào, vậy mà vui.
Anh Hiệp kể rằng đặc trưng vùng nước mặn, nước lợ nên Cà Mau nổi tiếng với loài ba khía. Càng vui hơn khi tự mình lội nước, soi đèn đi bắt chúng trong đêm – những con ba khía chắc nịch với chiếc càng to tướng. Nghe anh nói sơ sơ thôi là tôi đã phấn khích rồi, cứ liên tục giục đi cho bằng được.
Đêm bắt ba khía
Tám giờ tối, chúng tôi 3 người xách đèn pin ra một cái ao trước nhà để soi ba khía. Thật ra đây là một cái vuông tôm bỏ hoang lâu ngày, nên cá, tôm, ba khía sinh sôi rất nhiều. Chúng không được cho ăn thức ăn công nghiệp mà phát triển tự nhiên nên thịt rất ngọt và ngon.
Chiếc xuồng ngập nước vì hôm trước trời mưa to, tôi thích thú tát nước trong khi hai người bạn soi đèn chọn lộ trình lội. Giữa đêm, từng gàu nước khua động cả một vùng trời dưới ánh đèn leo lét, khắc sâu thêm nét miền Tây trong tâm trí tôi. Một câu hò phát ra từ chiếc radio của ngôi nhà nào đó xa xa, nghe thân thương, dung dị.
Tát nước xong, chúng tôi bắt đầu soi ba khía. Thoạt đầu anh Hiệp bắt tôi ngồi trên xuồng, ảnh lội dưới nước kéo xuồng đi. Ba khía thường làm hang cập bờ, ngang mé nước nên chúng tôi cứ lội dọc bờ ao. Ban đêm, chúng thường trồi ra khỏi hang. Vì hôm trước, mọi người có bắt ở đây một lần rồi, nên giờ chúng nhát hơn và trốn hết trong hang.
Để bắt ba khía, thao tác cần phải nhanh nhẹn, đôi khi là đón đầu hướng bò nữa vì bọn chúng bò rất nhanh vào hang nếu bạn bắt hụt. Khi đó, bạn có thể thọc sâu vào hang để lôi ra. Ngồi quan sát anh Hiệp bắt, tôi quyết định lội xuống tự tay trải nghiệm.
Nước cao tầm lưng quần, tôi đội đèn, chui vào bụi đước dọc bờ, phấn khởi chụp thử con đầu tiên thì hụt mất tiêu. Đến con thứ hai, tôi nhanh nhẹn hơn nên bắt được nó, nhưng do cầm hơi lỏng tay nên lại hụt tiếp, trên tay chỉ còn lại chiếc càng. Hóa ra, bắt ba khía phải cầm cho chắc, nếu không chúng sẽ tự rụng càng, rụng chân để thoát thân. Đến lần thứ ba, tôi mới bắt được một con cho vào xô đựng. Cảm giác đó thật tuyệt vời.
Sau khoảng một tiếng, chúng tôi bắt được khoảng 3-4 ký. Hôm đó anh Hiệp làm món ba khía rang me, thịt dai, vỏ giòn, vị chua chua cay cay cực kỳ hấp dẫn. Còn nhiều cách chế biến ba khía như trộn gỏi, rang muối, nấu lẩu… Đó có thể là những nét sinh hoạt, món ăn rất đỗi bình thường của vùng sông nước, nhưng đối với lữ khách như tôi là một trải nghiệm lạ lẫm, đáng nhớ.
Nghe nói vào những tháng mưa, ba khía sẽ nhiều và thịt ngon hơn. Ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến ba khía Rạch Gốc. Với sản lượng nhiều mà giá rẻ, người dân thường làm mắm để dùng trong các bữa cơm hàng ngày, hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè.
Ngoài những trải nghiệm sông nước, tôi còn được anh Hiệp và những người thân của anh dẫn đi chơi trong thành phố. Tôi được ăn món bánh tằm cay làm từ sợi bột gạo ăn kèm với nước sốt cà ri gà.
Chúng tôi hơi tiếc vì đến muộn nên không được thưởng thức trọn vẹn món bánh tằm cay vì hết gà, chỉ còn xíu mại. Nhưng với một đứa thích ăn cay như tôi, vậy là quá tuyệt rồi. Tôi chợt nghĩ có thua gì món mì cay Hàn Quốc đâu nhỉ? Nếu được quảng bá đúng cách, món ăn này xứng đáng được biết đến rộng rãi với cả du khách trong nước và quốc tế hơn bây giờ.
Khám phá cực Nam
Cực Nam là điểm khả dĩ để chinh phục vì đường đi dễ dàng. Cực Nam thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là nơi xa nhất về phía Nam của Tổ quốc. Nó không chỉ thiêng liêng mà còn quyến rũ bởi là nơi duy nhất trên dải đất hình chữ S, bạn vừa có thể ngắm cả bình minh ló dạng và hoàng hôn buông xuống từ cùng một điểm ngắm.
Một buổi chiều, cùng với chiếc ba lô và xe máy cũ, tôi bon bon lên đường thẳng tiến về Đất Mũi. Trên cung đường thênh thang lộng gió giữa rừng đước, tôi chạy xe mà tim đập rộn ràng. Có những đoạn, đước mọc thành hàng thẳng thớm, hoặc thành từng khóm nhỏ trên những ruộng nước mặn hai bên đường. Nhìn từ xa, nom như một vịnh Hạ Long thu nhỏ vậy. Nắng chiều nghiêng nghiêng xuyên qua những mái nhà tranh đổ vàng trên đại lộ. Con đường vắng vẻ, tịch liêu, củng cố thêm cho nhận định ban đầu của tôi về cái buồn man mác của Cà Mau.
Tôi đến nơi thì trời đã nhá nhem tối, nên chọn một khách sạn gần đó ngủ qua đêm. Tôi đi dạo một vòng khu dân cư để trải nghiệm đồ ăn địa phương, nhưng đành quay về. Có vẻ đồng hồ sinh học ở đây hơi sớm, hơn 7 giờ tối mà mọi thứ như đã chìm hẳn vào thinh không. May mắn là khách sạn tôi ở có phục vụ đồ ăn. Tôi đã dùng thử lẩu hải sản và cá thòi lòi nướng. Tuy vẻ ngoài có hơi đáng sợ, nhưng thịt cá thòi lòi nướng ăn rất dai và ngon. Nếu không ở khách sạn, bạn còn có một lựa chọn thú vị khác là ở homestay. Homestay ở đây cũng khá đầy đủ tiện nghi, có bán hải sản, có dịch vụ dẫn tour soi ba khía ban đêm.
Tôi rẽ vào Khu du lịch Đất Mũi Cà Mau. Bên trong có đặt cột mốc quốc gia với tọa độ GPS 0001 cùng nhiều công trình và điểm tham quan khác. Đi dọc bờ kè quanh mũi, nhìn biển trời tổ quốc mênh mông trước mặt, cảm xúc tự hào xen lẫn xúc động cứ thế trào dâng. Tôi bước thật chậm rãi, cảm nhận gió biển trĩu nặng vị phù sa len qua mặt. Sau này, dù ở nơi đâu, tôi cũng sẽ tự hào nhớ lại, rằng đã từng đứng nhìn tổ quốc từ tận cùng… phía Nam.
Phi Linh