Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Ưu tiên xuất khẩu lao động sang thị trường có thu nhập cao

(SGTT) - Theo kế hoạch về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành, những đơn vị liên quan cần nghiên cứu, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Các đơn vị liên quan nên ưu tiên đưa người lao động sang các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao.
Năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hơn 155.000 người. Ảnh minh họa: TL

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 225 về kế hoạch đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đề ra như nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật nước sở tại, cư trú bất hợp pháp.

Theo kế hoạch này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành chính sách trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao.

Các đơn vị liên quan cũng có nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động. Trong đó, ưu tiên nhóm lao động là quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; phát triển và chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời, các đơn vị chủ động đàm phán với bên nước ngoài về việc người lao động có bằng cấp, trình độ kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc để hỗ trợ công việc phù hợp và tối ưu thu nhập.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần tạo điều kiện để kết nối, hỗ trợ người lao động sau khi về nước tìm kiếm việc làm phù hợp, lưu ý đến việc phát huy trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc của người lao động; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối, tìm kiếm việc làm nhằm khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, giảm bớt thời gian chuyển tiếp công việc và tiết kiệm chi phí xã hội.

Nghị quyết 225 cũng đề ra phương án về chiến lược đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tăng khả năng thông tin về dự báo trung và dài hạn về thị trường lao động quốc tế; chủ động đàm phán, trao đổi thông tin về nhu cầu tiếp nhận; gắn kết giữa khâu đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động quốc tế…

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hơn 155.000 người, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động người Việt Nam nhất là Nhật Bản với khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 260.000 người.

Trúc Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối