(SGTT) – Từ chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài bằng xe đạp năm 2007, qua 15 năm, ông Lê Văn Mãnh ở tuổi 65 đã ghé thăm không biết bao nhiêu lần các nước bạn Đông Nam Á. Với khát khao khám phá, ông thường xuyên dẫn đoàn, lan tỏa sở thích du lịch xe đạp đến những người “đồng điệu” bằng “con ngựa hai bánh” của mình.
- Gia đình nhỏ rủ rê nhau “xê dịch”, thay đổi tinh thần hậu Covid-19 nhờ xe đạp
- Vẻ đẹp cuối Thu ở thành phố có ‘xe đạp nhiều hơn dân số’
Duyên nợ với ASEAN
Trải qua nhiều công việc, ngành nghề khác nhau để lo toan cho gia đình, đã có giai đoạn đam mê đạp xe thời trẻ của ông Mãnh bị ngắt quãng. Mãi đến năm 45 tuổi, ông tiết lộ mình mới thực sự quay lại sân chơi với ngọn lửa lớn hơn, dù quãng đường đi lúc này chưa đầu tư nhiều như về sau.
Nhìn về tố chất, ông tự nhận mình là người có năng khiếu hiểu biết địa lý vùng đất mình đi qua. Đó là lý do khu vực Đông Nam Á ông dễ dàng rành rẽ từng đường đi nước bước. Kèm theo hiểu biết về lịch sử, văn hóa địa phương khiến cho ông có niềm đam mê đặc biệt khám phá, tìm tòi về ASEAN. Với ông, các nước đồng văn trong khu vực luôn thôi thúc mình tiếp bước trên hành trình trải nghiệm dù ở tuổi xế chiều hay thời non trẻ. Ông quan niệm cả đời người chưa chắc đã khám phá hết Việt Nam nên nếu có cơ hội hãy dành thời gian nhìn thế giới ngoài kia rồi về “tắm ao nhà”.
Ngoài quê hương thứ hai Campuchia với số lần ghé thăm không đếm xuể thì Philippines cũng là vùng đất ông đặt chân qua không dưới 25 lần bằng xe đạp. “Tôi có duyên nợ với các nước ASEAN, quốc gia nào ở đây cũng đi trên dưới chục lần. Tôi dùng xe đạp xuyên suốt trên hành trình của mình nếu biên giới là đường bộ, còn bị ngăn cách bởi đại dương thì sẽ dùng phương tiện khác là máy bay rồi đáp xuống đạp tiếp”, ông kể.
Trước đây, ông Mãnh chọn đi một mình với hành lý có xe đạp, một chiếc ba lô trang bị đủ đồ để “liều mạng” cùng sự cô độc ở đất khách. Bây giờ, ông thường xuyên đi tour khoảng mười mấy người với vai trò là người dẫn đoàn, dẫn dắt các thành viên trong đội thăm thú nước ngoài. Theo ông, bằng kinh nghiệm đạp xe “chinh chiến” các quốc gia ở Đông Nam Á khoảng 100 lần, xuyên qua từng điểm du lịch ngóc ngách đến nơi nổi tiếng, ông tự tin đường đi nằm sẵn trong đầu mình đủ để ứng phó với tình huống bị lạc.
Về hưu để bắt đầu
Ông Mãnh gọi mình là “người di chuyển” như để gợi nhớ về hình ảnh người đi liên tục, không ngồi một chỗ dù ở tuổi về hưu. Ông cho biết mình không dành nhiều thời gian đạp mỗi ngày, chỉ duy trì tập luyện nhẹ vừa đủ trong ngày thường như đi bộ và dành cuối tuần để đạp nhưng vẫn đủ sức khỏe, tinh thần đi mọi nơi. Đến nay, ông cũng dẫn nhiều đoàn đi qua các nước Đông Nam Á với lộ trình khám phá khác nhau.
Đi du lịch nước ngoài giờ không còn quá khó khăn, nhưng thú chơi xe đạp lại cần những điều kiện nhất định để đảm bảo an toàn và tự do trên nước bạn. Chẳng hạn, chúng ta phải có kỹ thuật đạp từ trước, biết cách cân đối sức lực để đi đường trường nhiều ngày liền không thấy mệt, có nền tảng sức khỏe và không thể thiếu thời gian nghỉ trung bình cho 20 ngày/chuyến.
Ngoài ra, hiểu biết về tập tục, điều cấm kỵ của người dân nơi đến cũng là cách bảo vệ chính mình. Ông Mãnh cho biết hiện nay chi phí tiêu xài gói ghém một ngày trung bình từ 500.000 đồng đến 1 triệu, tùy vào sự chuẩn bị, mức chi tiêu của mỗi người.
Theo ông Mãnh, đạp xe cực có, khổ có nhưng kỷ niệm mang lại sẽ khiến những ai đủ yêu thích nỗ lực đi tiếp mỗi ngày. Môn chơi này khác với những bộ môn còn lại ở chỗ tự do, không phụ thuộc vào bất cứ ai hay cần môi trường, điều kiện cơ sở vật chất. Ông Mãnh bộc bạch “Rất nhiều người từng đi với tôi nghĩ mình không thể qua ải này đâu, nhưng rồi họ đều đến vạch đích cả. Môn đạp xe quan trọng nhất vẫn là ý chí, sự nhẫn nại chứ không phải tốc độ hay thành tích. Chỉ có vậy mới đi đường không nản”.
Từ 2007 đến 2022, trên dưới 100 lần qua biên giới nước bạn, “người di chuyển” 65 tuổi nhìn thấy các nước Đông Nam Á chung một nền văn minh lúa nước đều có sự thân thiện, cần cù dễ mến ở con người. Dù mỗi vùng có một bản sắc, tập tục riêng, nhưng ở đâu cũng có sự tương đồng, gần gũi như vệ tinh xung quanh một quả địa cầu, ông ví von cảm nhận của mình.
Trong gần 15 năm “bon chân” ra ASEAN, ông cho rằng có sự khác nhau thời trẻ và bây giờ ở chỗ “ít liều mạng hơn trước”. Nếu trước đây ông Mãnh thường đi theo kiểu tự do, thỏa chí tang bồng, thì bây giờ có sự tính toán, thận trọng. “Tôi ý thức được giờ đi đâu cũng cần về với gia đình, nơi nào khó quá thì bỏ qua. Tôi ấn tượng mãi lần đạp xe đến cột mốc đường xích đạo, đặt bánh xe trước ở Bắc Bán Cầu, bánh xe sau ở Nam Bán Cầu, cảm nhận sự thiêng liêng ngay tại điểm dừng đặc biệt này. Thế mới thấy nếu không có đam mê xe đạp, những cảm xúc tuyệt vời trong tôi sẽ không được khơi dậy”, ông nói thêm.
Theo ông, đạp xe không có điểm dừng, hay thể thao không có giới hạn cho tuổi già. Nhóm của ông có thành viên 75 tuổi đăng ký tham gia đạp ra nước ngoài và dự kiến sẽ còn nhiều nhân tố mới cùng gia nhập nhóm.
An Phú