Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024

Tự mua thuốc BHYT và được hoàn tiền: người bệnh thêm gánh nặng trách nhiệm?

(SGTT) – Trong bối cảnh nguồn thuốc của bệnh viện ở một số tỉnh, thành phố không đủ, bệnh nhân phải đi mua thuốc ở ngoài theo đơn của bác sĩ, vừa qua, Bộ Y tế đã có đề xuất cơ chế chi trả khi người có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện cho rằng đề xuất này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong thủ tục thanh toán, quản lý chất lượng thuốc, giá thuốc… Và dự báo điều này có thể tạo thêm gánh nặng cho người bệnh.

Tự mua thuốc bảo hiểm y tế: đừng đẩy trách nhiệm cho người bệnh

Theo dự thảo thông tư của Bộ Y tế, nếu người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu, họ sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trực tiếp trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay.

Dù đề xuất này giúp bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong bối cảnh thiếu thuốc kéo dài, người dân đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này còn nhiều bất cập, không dễ để triển khai.

Theo chị H. M. Q (ngụ tại Đồng Nai, có người thân đang điều trị bệnh suy thận mạn tại Bệnh viện Chợ Rẫy), việc cung ứng thuốc, vật tư và sinh phẩm là trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh nên đừng đẩy trách nhiệm này cho người bệnh. Nếu quy định như trong dự thảo, người dân sẽ không còn niềm tin vào tấm thẻ bảo hiểm y tế và e rằng khó có thể thu hút được người dân tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế trong tương lai. Bởi nhiều người vốn đã khổ sở vì bệnh tật, nay lại thêm gánh nặng chi phí và phải tự xoay xở với thuốc men, vật tư y tế.

Là người đi làm trong môi trường công sở, chị Q. cho biết để thanh toán một khoản nào đó đòi hỏi rất nhiều thủ tục, giấy tờ và tốn thời gian. Việc hoàn thành thủ tục càng khó khăn hơn với những bệnh nhân là người nghèo, người già ít nắm được các quy định về bảo hiểm y tế.

Trước thông tin về dự thảo thanh toán lại chi phí tự mua thuốc men và vật tư y tế, trao đổi với KTSG Online, một lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho rằng nếu để người bệnh tự mua bên ngoài, sau đó bảo hiểm y tế thanh toán sẽ xảy ra một số vướng mắc. Chẳng hạn như một số tiệm thuốc tư nhân có thể nâng giá thuốc cao hơn vì mang tính thương mại. Lúc này, những hồ sơ mà người bệnh đề nghị thanh toán có thể bị từ chối chi trả vì giá quá cao. Ngoài ra cũng có thể xảy ra tình trạng người bệnh phải chờ đợi rất lâu để cơ quan bảo hiểm y tế thẩm định, đánh giá liệu hồ sơ có đầy đủ và đúng thủ tục không. Vì vậy, khi xây dựng hướng dẫn chi tiết để chi trả cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cũng cho rằng cho rằng việc chỉ định bệnh nhân có bảo hiểm y tế mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài là đẩy trách nhiệm cung ứng thuốc và vật tư y tế từ bệnh viện sang người bệnh, cũng như làm khó bệnh nhân. Trong khi đó, đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn so với trước. Hồ sơ bệnh nhân nộp đề nghị thanh toán tăng lên, đơn vị này phải tổ chức giám định hoặc giải quyết khiếu nại khi người bệnh mua thuốc và vật tư y tế không đúng giá thầu, không đúng chủng loại…

Bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ảnh: Minh Thảo

Chi trả tiền khi bệnh nhân mua thuốc bên ngoài: không dễ thực hiện

Theo dự thảo, để thanh toán chi phí cho người tham gia bảo hiểm y tế mua thuốc ở bên ngoài cần đáp ứng một số điều kiện. Cụ thể, người bệnh phải xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư được bác sĩ chỉ định, kèm theo hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ thanh toán. Người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của bệnh nhân cũng phải mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực.

Như vậy, “không phải bệnh nhân mua thuốc ở bất kỳ nhà thuốc nào cũng được thanh toán, mà phải mua ở những nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám chữa bệnh theo quy định. Điều này có thể khiến nhiều người bệnh gặp khó khăn để nhận biết được cửa hàng thuốc nào là nơi bán đúng quy định. Do đó, các cơ sở y tế cần công khai danh sách những nơi bán thuốc đúng quy định, cũng như cần niêm yết giá thuốc thanh toán theo bảo hiểm y tế, lấy đó làm chuẩn để hoàn trả tiền”, vị lãnh đạo của Bệnh viện Nhi đồng TPHCM nói.

Bên cạnh đó, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, nếu người bệnh phải ra ngoài phạm vi của bệnh viện để mua thuốc và vật tư y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Người bệnh không chỉ ứng tiền túi để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như chất lượng thuốc khó đảm bảo, giá thuốc bất hợp lý… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và an toàn điều trị của người bệnh.

Đáng nói hơn, nhiều trường hợp bị bệnh nặng, cấp cứu không có người thân đi cùng, thời điểm giữa đêm khuya hoặc người bệnh không có tiền… sẽ rất khó khăn trong việc phải tự đi mua thuốc, vật tư y tế. Dù cơ quan Bảo hiểm xã hội cố gắng, cũng không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh vì phải sau khi kết thúc đợt khám chữa bệnh, người bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng phải có thời gian để giám định, xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế thì mới thanh toán được cho người bệnh. Vì vậy, dự thảo này của Bộ Y tế đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế, gây mất niềm tin của người tham gia bảo hiểm y tế.

Nhiều người bệnh mong muốn nhận được đúng quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: Minh Thảo

Để tạo thuận lợi cho người bệnh được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng Bộ Y tế nên chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế. Mặt khác, thay vì áp dụng đại trà cho tất cả trường hợp, Bộ Y tế nên xác định đâu là trường hợp đặc biệt để cho phép thanh toán bảo hiểm y tế trực tiếp cho người bệnh theo đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế… nhằm bảo đảm kịp thời về quyền lợi, không gây khó cho người bệnh.

Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), cho biết vướng mắc của thiếu thuốc tại các bệnh viện hiện nay là do luật đấu thầu, cách thức đấu thầu, chỉ đạo mua sắm vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, trong Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (hiệu lực từ ngày 1-1-2024), có những thay đổi cho phép được chỉ định thầu trong tình huống cấp bách nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở khám chữa bệnh. Ông Thức đề nghị các đơn vị liên quan cần nhanh chóng ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể nội dung này để Luật đấu thầu được đi vào thực tế, đáp ứng cho công tác khám chữa bệnh hiện nay.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyển một phần chi phí quản lý quỹ BHYT cho quỹ...

0
(SGTT) - Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đề xuất giảm chi phí của hoạt động quản lý quỹ bảo...

Những khoảng trống trong đấu thầu mua sắm thiết bị y...

0
(SGTT) – Trong năm 2023 vừa qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30, Thông tư 14 đã được Chính phủ và Bộ Y tế...

Những ai được BHYT trả toàn bộ tiền khám chữa bệnh?

0
Hiện tại, do mức lương cơ sở thay đổi nên những nhóm người được bảo hiểm y tế trả 100% chi phí khám chữa...

Đi khám quên thẻ BHYT giấy, người bệnh có thể thay...

0
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giấy tờ quan trọng để quá trình khám chữa bệnh của người bệnh được tiết kiệm...

Lương cơ sở tăng, mức đóng bảo hiểm y tế cũng...

0
Theo Nghị định số 24/2023, mức lương cơ sở sẽ áp dụng từ ngày 1–7 là 1,8 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng như...

5 lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế

0
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật...

Kết nối