Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Loạn giá dịch vụ tầm soát đột quỵ, hiểu đúng để tránh hoang mang

(SGTT) – Hiện nay, nhiều cơ sở y tế đang quảng cáo rầm rộ các gói dịch vụ tầm soát đột quỵ với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hiểu đúng về dịch vụ này để không rơi vào ma trận của những gói xét nghiệm đột quỵ gây tốn kém tiền bạc nhưng không mang nhiều hiệu quả.

Lạc vào ma trận quảng cáo tầm soát đột quỵ

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do đột quỵ cao, chỉ sau tim mạch và ung thư. Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% ca tử vong. Cũng theo thống kê của Hội đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có một bệnh nhân đột quỵ mới. Ngoài ra, cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời, tỷ lệ này so với những năm trước là 1:6.

Số người đột quỵ ngày càng tăng khiến nhiều người quan tâm đến các dịch vụ khám, tầm soát bệnh này. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tung ra các gói tầm soát đột quỵ với nhiều mức giá khác nhau.

Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên mạng về tầm soát đột quỵ, kết quả trả về là vô số thông tin, cơ sở quảng cáo thực hiện dịch vụ này với các kỹ thuật như chụp CT-scan, MRI não, siêu âm mạch máu, đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ sọ não, siêu âm động mạch cảnh…

Ghi nhận ở một cơ sở y tế tư nhân T. trên địa bàn TPHCM, dịch vụ tầm soát đột quỵ tại đây có nhiều mức giá khác nhau như 3.500.000 – 4.000.000 đồng/gói cơ bản, 7.000.000 – 8.000.000 đồng/gói nâng cao, 12.000.000 – 14.000.000 đồng/gói chuyên sâu 1 và 13.000.000 – 15.500.000 đồng/gói chuyên sâu 2 với hàng loạt dịch vụ đi kèm.

Một bệnh viện quốc tế ở quận Bình Tân (TPHCM) cũng quảng cáo có hai gói tầm soát nguy cơ đột quỵ là tiêu chuẩn và cao cấp. Theo đó, gói tầm soát đột quỵ tiêu chuẩn có mức giá 3.200.000 đồng/lần gồm những hạng mục là khám chuyên khoa về thần kinh, tổng phân tích tế bào máu bằng máy đếm laser, tầm soát tiểu đường, xét nghiệm mỡ trong máu, tầm soát tim mạch…. Còn gói tầm soát nguy cơ đột quỵ cao cấp có giá là 5.600.000/lần. Điểm khác biệt của gói cao cấp này là sẽ có thêm kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh MRI não và mạch máu vùng cổ.

Một số người cho rằng việc quảng cáo tầm soát đột quỵ tràn lan như hiện nay có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ quá mức cho người dân; đồng thời còn làm ‘loạn’ thị trường dịch vụ này khi mức giá hiện vẫn ‘mỗi nơi một nẻo’ và chịu thiệt hại vẫn là người dân.

Tầm soát đột quỵ bằng máy MRI. Ảnh minh hoạ: Phòng khám đa khoa S.I.S ĐN

Nói về những dịch vụ tầm soát đột quỵ hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM, kiêm Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), cho biết trong cộng đồng, mọi người thường nghe các thông tin về người nổi tiếng tử vong đột ngột vì đột quỵ. Ngoài ra, sau đột quỵ, người bệnh thường gặp một số di chứng, thậm chí có thể tàn phế, khó trở lại lao động như trước. Vì vậy, đánh vào tâm lý lo sợ của người dân, nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh quảng cáo tầm soát căn bệnh này.

Bác sĩ Thắng cho rằng người dân không nên quá tin theo các quảng cáo dịch vụ này, cần phải hiểu đúng về tầm soát đột quỵ để tránh lãng phí tiền bạc. Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng tầm soát đột quỵ là phải chụp MRI, CT-scan, làm các xét nghiệm với chi phí cao nhưng hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi.

Hiểu đúng về tầm soát đột quỵ

Về bản chất của dịch vụ tầm soát đột quỵ, trao đổi với KTSG Online, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM), cho biết thực ra dịch vụ tầm soát đột quỵ giống như kiểm tra sức khoẻ định kỳ, trong đó kiểm tra các chỉ số về đường máu, cholesterol, chụp X-quang tim phổi, làm điện tim, siêu âm… Tuy nhiên, việc chụp MRI sọ não trên người bình thường để sàng lọc đột quỵ là không cần thiết bởi điều này tuỳ thuộc vào thể trạng của mỗi người.

Theo đó, “với một người bệnh có lối sống lành mạnh, không có yếu tố nguy cơ gây bệnh thì việc chụp MRI hoặc CT-scan để tầm soát đột quỵ là không cần thiết và rất tốn kém. Thế nhưng, với những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như triệu chứng thoáng qua của đột quỵ (xuất hiện cơn thiếu máu não), người dân nên thực hiện chụp MRI hoặc CT-scan. Ngoài ra, những người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ cũng nên thực hiện tầm soát bệnh này”, bác sĩ Nghĩa cho biết.

Trưởng khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Quân y 175 cho rằng việc tầm soát đột quỵ không xấu nhưng người dân cần hiểu đúng về phương pháp. Những chỉ định tầm soát đột quỵ chuyên sâu nên được đánh giá cụ thể trên từng người bệnh. Việc tuỳ tiện thực hiện không chỉ gây lãng phí mà còn tác dụng ngược. Bởi khi có quá nhiều thông tin không được xử lý thì có thể gây nhiễu loạn, khiến người dân sau khi đi tầm soát trở nên lo lắng nhiều hơn.

Chính những lo lắng sau khi tầm soát, một số người trở nên bị stress, ảnh hưởng đến huyết áp; từ đó gây ra tác dụng ngược, không phải giúp phòng ngừa đột quỵ.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: BVCC

Khi muốn tầm soát đột quỵ, PGS. TS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM khuyến cáo người dân nên gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá những yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol trong máu, dùng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, công việc thường xuyên căng thẳng…; từ đó được tư vấn chính xác và dự phòng đột quỵ tốt hơn.

Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Nghĩa cũng khuyến cáo ở người chưa bị đột quỵ nhưng có yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì… cần điều chỉnh các yếu tố nguy cơ này bắt đầu từ việc xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, không lạm dụng rượu bia, bỏ thuốc lá, hạn chế mỡ động vật, tăng cường vận động, kiềm chế những căng thẳng không đáng có trong cuộc sống và ngủ đủ giấc.

Bên cạnh đó, khi có dấu hiệu nhức đầu, đau đầu, đau nửa đầu kéo dài, người dân cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị sớm. “Dù những lưu ý vừa kể trên được tuyên truyền thường xuyên nhưng vẫn còn một số người chưa quan tâm, đặc biệt là người trẻ. Mọi người nên nhớ bệnh đột quỵ không loại trừ ai và ngày càng trẻ hóa”, bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh và khuyến cáo khi những dấu hiệu như đau đầu đột ngột, nôn ói, tê yếu tay chân…, người dân đến ngay bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bản tin 360 độ sống khoẻ: Nhận biết thời điểm ‘giờ...

0
(SGTT) - Theo các bác sĩ, đột quỵ não là một cấp cứu y khoa, thực hiện càng sớm càng có lợi cho người...

TPHCM: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cứu sống 48% bệnh...

0
Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), trong vòng 3 năm ứng dụng trí tuệ nhân...

60% người sống sót sau đột quỵ phải chịu cảnh tàn...

0
(SGTT) - Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đột quỵ giết chết...

“Mô hình trung tâm đột quỵ” của Bệnh viện Nhân Dân...

0
"Mô hình trung tâm đột quỵ" của Bệnh viện Nhân Dân 115 được Sở Y tế TPHCM đề cử vào danh mục bình chọn...

Dấu hiệu cho thấy tim của bạn gặp vấn đề khi...

0
(SGTTO) - Duy trì hoạt động thể dục thể thao là một cách tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc giúp...

Đột quỵ sau khi tập thể dục, không thể lơ là

0
(SGTTO) - Chiều 9-12, thông tin danh hài Chí Tài đột ngột qua đời khiến nghệ sĩ, bạn bè, người hâm mộ không khỏi...

Kết nối