(SGTT) – Cùng một kiểu chế biến là xiên thịt vào que rồi nướng trên than hồng, Satay dần trở thành món ăn đặc trưng cho một số quốc gia Đông Nam Á bởi cách nêm nếm gia vị hay nguyên liệu thực phẩm chọn làm.
- Trưa nay ăn gì: Ngon từ thịt, ngọt từ xương cùng hủ tiếu xương ống heo
- Trưa nay ăn gì: Thấm vị cơm trưa văn phòng kiểu ‘sườn cây’
- Trưa nay ăn gì: Quen mà lạ salad làm từ củ khoai tây
Trên các trang mạng xã hội ẩm thực quốc tế, họ còn ví von rằng du khách đến các quốc gia Đông Nam Á mà chưa thưởng thức qua Satay thì xem như chưa từng đặt chân đến. Thực chất Satay là tên gọi cho các loại thịt được tấm ướp gia vị, thái nhỏ, xiên que rồi đem nướng. Tùy vào văn hóa mỗi quốc gia mà thịt chọn làm satay có sự khác biệt. Thực khách thường bắt gặp thịt heo, bò, gà, dê, cừu, cá sấu, đà điểu được chọn làm Satay.
Có người cho rằng món ăn bắt nguồn từ đất nước Indonesia rồi dần dần theo dòng chảy ẩm thực quốc tế đến Thái Lan, Malaysia, Singapore hay cả Việt Nam. Thực ra, kiểu chế biến này khá đơn giản nên ở Việt Nam cách thưởng thức thịt xiên que này cũng đã có từ lâu. Điểm qua trong ẩm thực Việt đó là món thịt xiên nướng, nem nướng, bò lá lốt dùng chung với bún, kẹp bánh mì hoặc đơn giản là món ăn vặt của nhiều thế hệ học sinh.
Điểm hay của Satay là món ăn không quá cầu kỳ, nguyên liệu và gia vị lại phảng phất được nét văn hóa của mỗi quốc gia nên du khách có thể bắt gặp chúng ở những quán ven đường phục vụ người bản địa hay nhà hàng sang trọng phục vụ du khách.
Về kỹ thuật chế biến, đầu bếp chọn phần thịt ưng ý như đùi, thăn, ức… rồi phi lê thành những miếng thịt mỏng, nhỏ vừa phải. Sau đó, đem ướp với gia vị truyền thống như hành tím, tỏi, sa tế, nghệ, mật ong và một số gia vị đặc trưng của riêng từng quốc gia. Thế nên, có dịp du lịch ở nhiều nước Đông Nam Á, du khách cảm nhận rõ món Satay có sự khác biệt.
Khi thịt ướp rồi thì được xiên vào những que tre và đem nướng trên lửa than. Có một điều tiên quyết để món ăn chuẩn vị là chỗ bán chỉ nướng trên than hồng để canh được độ lửa cũng như giúp món ăn có “vị khói” đặc trưng của món nướng.
Khi thịt đã chín, tùy vào mỗi quán mà món ăn kèm có sự khác nhau. Đơn giản nhất thì cứ là thịt xiên que cho lên mẹt lót lớp lá chuối, thêm ít đồ chua và chén nước chấm ăn kèm. Cầu kỳ hơn thì kẹp bánh mì dùng như bánh mì thịt hoặc cho thêm xôi nếp lên ăn chung cho no bụng.
Tại TPHCM, có nhiều nhà hàng ẩm thực quốc tế phục vụ món Satay và ngay cả các quán ăn Việt Nam cũng bày bán. Thế nên, mọi người chỉ việc chọn quốc gia và loại thịt mình yêu thích và đến thưởng thức hoặc mua mang về. Một bữa trưa quốc tế nhanh, gọn mà vẫn thơm ngon cùng Satay là việc mà dân văn phòng nào cũng có thể chọn thưởng thức.