(SGTT) – Mì Quảng là món ăn trưa đổi vị yêu thích của nhiều người, trong đó, phiên bản mì Quảng gà được đánh giá cao bởi sự dung hòa về hương vị và độ thơm ngon.
- Trưa nay ăn gì: Đón mừng năm mới cùng món mì ‘sống lâu trăm tuổi’
- Trưa nay ăn gì: Thỏa vị Trung Hoa cùng món mì Triều Châu
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa giữa tuần chọn sợi bánh canh ăn kèm thịt heo hai vị
Về mì Quảng, đây là món ăn nổi tiếng của người dân xứ Quảng mà hiện nay nó đã được bán rộng rãi ở khắp các thành phố lớn. Từ nhà hàng sang trọng được trình bày đẹp mắt bằng chén đĩa cao cấp cho đến quán ăn bình dân với đôi ghế súp cũng đều “tôn trọng” tinh thần của món ăn này. Cụ thể, linh hồn của món ăn chính là sợi mì Quảng, được chế biến kỳ công để chỉ khi thưởng thức món ăn này bạn mới cảm nhận dư vị riêng biệt.
Cụ thể, sợi mì Quảng có độ to, dày tương tự như sợi phở (cùng làm từ bột gạo) nhưng được cho thêm gia vị để tạo màu sắc đặc trưng. Nếu như sợi phở chỉ có màu trắng thì sợi mì Quảng lại có đến ba màu: trắng (bột gạo), nâu đỏ (gạo lứt) và vàng (bột nghệ).
Kết hợp cùng sợi mì là nước dùng (nhưn), thịt ăn kèm, rau sống và chén nước chấm. Đi vào từng phần cấu tạo nên tô mì thì nước dùng lại là sự tinh tế mà người dân xứ Quảng gửi gắm vào đó. Nhìn thoáng qua, nước dùng trông không khác phần nước hay thấy trong món hủ tiếu, mì, bún nhưng thực tế nó lại được nấu công phu từ cách xào thịt, nêm nếm gia vị.
Tiếp đến, thịt ứng dụng cho món ăn ngày nay đa dạng như thịt heo, thịt bò, thịt ếch, thịt lươn, thịt tôm… nhưng thịt gà vẫn mang lại chút vị truyền thống xưa. Đó đến từ vị thanh ngọt nhẹ của thịt gà, không lấn át nước dùng mà như đưa đẩy vị nước lên thêm một bậc.
Thông thường, thịt gà nấu trong mì Quảng hay chọn phần thịt đùi phi lê, ai ưa ăn giòn, dai thì có thể chọn quán bán thịt gà chọi. Một điều tạo nên sự khác biệt dễ nhận thấy nhất của mì Quảng so với các món nước chính là nước dùng chỉ chan xâm xấp mặt bánh, bởi nếu nước nhiều thì khi thưởng thức kết cấu nguyên liệu món ăn lỏng lẻo, không còn hấp dẫn.
Khi thực khách yêu cầu, người bán trụng bánh, cho vào tô, cho thịt lên mặt trên và dọn kèm đĩa rau sống, bánh tráng và nước mắm chấm miền Trung. Cách thưởng thức mì Quảng cũng tùy vào thực khách, có người thì cho bánh tráng bẻ nhỏ vào ăn chung với mì, có người chấm bánh tráng cùng nước mẳm rồi nhâm nhi ít mì và thịt. Dù cách ăn như thế nào thì tinh thần mì Quảng vẫn lưu luyến thực khách đến gắp đũa cuối cùng.
Gia Hân tổng hợp