Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Trao đổi phát triển du lịch bền vững giữa VQG Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông

(SGTT) - Vừa qua, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên đã đón tiếp đoàn công tác Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Đakrông (Quảng Trị) đến tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, thân thiện và gắn kết mật thiết với môi trường.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai đơn vị đã có những chia sẻ về nguồn lực tự nhiên của từng bên, quá trình khai thác du lịch, định hướng phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh du lịch, cũng như cơ chế tự chủ tài chính trong kinh doanh du lịch sinh thái, công tác truyền thông.

VQG Cát Tiên nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, với tổng diện tích hơn 71.000 ha. Toàn bộ diện tích của VQG Cát Tiên là lưu vực trực tiếp của hồ thủy điện Trị An. Năm 2001, VQG Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như là một mắc xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên, chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm từ các đề án hợp tác bảo vệ rừng. Ảnh: Nam Sơn

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên, chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm từ các đề án hợp tác bảo vệ rừng, quá trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, các vấn đề tạo dựng sinh kế cho người dân khu vực vùng đệm…

VQG Cát Tiên hiện khá thành công trong việc sử dụng và đào tạo người địa phương tham gia hoạt động du lịch. Quá trình này vừa giúp người dân có việc làm, vừa góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Họ chính là người bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái…

Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Đakrông, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Sơn

Tại buổi làm việc, ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Đakrông, chia sẻ về quá trình Khu bảo tồn Đakrông đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào việc quản lý bảo vệ rừng. Đơn vị đã vận dụng những thiết bị, công nghệ hiện đại như ảnh viễn thám, thiết bị bay không người lái (flycam) để quan sát, theo dõi nắm bắt những diện tích rừng có biến động, thay đổi để từ đó có biện pháp ngăn chặn sớm và hiệu quả hơn. Điều này giúp cho lực lượng bảo vệ rừng tiết kiệm được thời gian, công sức khi thực hiện công tác tuần tra rừng.

Ban quản lý KBTTN Đakrông tặng quà lưu niệm cho VQG Cát Tiên nhân dịp hai bên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Nam Sơn

Đặc biệt, KBTTB ứng dụng ảnh viễn thám trong giám sát tài nguyên rừng, cập nhật diễn biến rừng, phần mềm Vtool, GPS... trong công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng. Nhờ việc áp dụng thiết bị công nghệ cao, việc theo dõi biến động rừng đỡ vất vả hơn, xây dựng được phương án kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể ngoài thực địa nhanh gọn, chính xác hơn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại VQG Cát Tiên. Ảnh: Nam Sơn

Nằm trên địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích tự nhiên 37.841ha, địa hình KBTTN Đakrông thuộc vùng núi thấp, độ chia cắt mạnh và độ dốc khá lớn. Đến nay, hệ thực vật ở đây đã ghi nhận được 1412 loài thực vật, trong đó có 24 loài trong sách đỏ. Hệ động vật ghi nhận được 612 loài thuộc các nhóm thú, chim, lưỡng cư, cá, bướm, mối trong đó có 37 loài trong sách Đỏ.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc VQG Cát Tiên (trái), trao đổi công việc với ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nam Sơn

KBTTN Đakrông được xem là vùng điển hình của hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng đồi núi thấp Bắc Trường Sơn của Việt Nam. Bên cạnh sự phong phú và đa dạng của các loài động, thực vật nơi đây còn là khu vực có những cảnh quan đẹp mắt, những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Sau buổi làm việc, đoàn công tác KBTTN Đakrông đã tham quan Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã, Bảo tàng Thiên nhiên, trải nghiệm một số tuyến điểm du lịch đặc trưng của VQG Cát Tiên, các điểm cây rừng nhiệt đới tiêu biểu, tour xem thú đêm, mô hình nhà nghỉ tại các trạm kiểm lâm...

Đinh Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối