Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Trăm năm ‘đỏ lửa’ làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, Vĩnh Long

(SGTT) - Có dịp đến xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu về các công đoạn làm tàu hủ ky, du khách mới phần nào hiểu được những vất vả, cảm nhận nét đẹp lao động của người dân nơi đây, ngày đêm giữ bếp lò rực đỏ, bảo tồn nghề truyền thống trăm năm của quê hương.
Nghề làm tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Lê Dân Nam

Dọc theo bờ sông Cái Vồn, những lò tàu hũ ky vẫn đều đặn rực lửa sớm hôm. Những miếng tàu hũ ky vàng óng được hong khô trong gió, phơi dưới ánh nắng vàng, tạo nên khung cảnh lạ mắt cho những người lần đầu đến thăm.

Hiện nay, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh có khoảng 40 hộ làm nghề tàu hũ ky. Ảnh: Lê Dân Nam

Với sự đặc sắc trong chế biến, sản xuất, tàu hũ ky Mỹ Hòa dần có tiếng, được nhiều người ưa chuộng, nên bà con sống được với nghề. Thị trường tiêu thụ tàu hũ ky Mỹ Hòa ở khắp các tỉnh, thành trong khu vực, nhiều nhất là Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Với sự đặc sắc trong chế biến, sản xuất, tàu hũ ky Mỹ Hòa dần có tiếng, được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Lê Dân Nam

Theo báo Cần Thơ, hiện nay, tổ hợp tác sản xuất tàu hũ ky Mỹ Hòa có khoảng 40 hộ làm nghề, với hơn hàng trăm nhân công. Thông thường cứ 90kg đậu nành nguyên liệu thu được 35kg-38kg tàu hũ ky các loại thành phẩm.

Tuy nhiên, năng suất tàu hũ ky phụ thuộc nhiều vào chất lượng đậu nành. Nếu mua phải đậu nành non, nấu sẽ không có váng đậu (vớt làm tàu hũ ky), người làm sẽ không có lãi.

Làng nghề tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Dân Nam

Trải qua hơn một thế kỷ, làng nghề làm tàu hũ ky Mỹ Hòa vẫn được duy trì, bảo tồn, đời nối đời giữ nghề bằng cách truyền nghề theo kinh nghiệm và kỹ năng của nghệ nhân. Tàu hũ ky Mỹ Hòa giữ được hương vị truyền thống, không chỉ là món ăn ngon mà còn chứa đựng giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề bên bờ sông Hậu.

Tàu hủ ky không chỉ là món ăn ngon mà còn chứa đựng giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề bên bờ sông Hậu. Ảnh: Lê Dân Nam

Hiện nay, làng nghề vẫn giữ đúng quy trình sản xuất, từ khâu ngâm đậu, tách vỏ, xay đậu, nhồi đậu, nấu nước đậu, vớt váng đậu, hong gió, đóng gói...

Làng nghê tàu hủ ky trăm năm đỏ lửa. Ảnh: Lê Dân Nam

Nghề làm tàu hũ ky còn có ý nghĩa kết nối cộng đồng, thúc đẩy bà con cùng chung tay lưu giữ những kinh nghiệm và tri thức nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Du khách chụp ảnh tại làng nghề. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Với vị trí địa lý thuận lợi, cách trung tâm thành phố Cần Thơ chưa tới 10km, và trung tâm thành phố Vĩnh Long gần 30km, du khách rất dễ dàng di chuyển đến tham quan làng nghề truyền thống nổi tiếng nơi đây.

Năm 2013, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa - Bình Minh”. Ảnh: Lê Dân Nam

Đến đây, du khách có dịp tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra những miếng tàu hủ ky thơm ngon và hấp dẫn, được lắng nghe bà con nơi đây kể những câu chuyện lý thú về sự hình thành và phát triển của làng nghề.

Nguyên liệu để làm tàu hũ ky duy nhất là đậu nành. Ảnh: Lê Dân Nam

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề vẫn phát triển mạnh mẽ, giải quyết một phần nguồn lao động địa phương, đang trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân và kinh tế địa phương.

Ưu điểm của các sản phẩm tàu hũ ky sản xuất tại xã Mỹ Hòa là độ thơm, béo đặc trưng và đặc biệt là độ tươi, mới của sản phẩm. Ảnh: Lê Dân Nam
Công đoạn phơi tàu hủ ky. Ảnh: Lê Dân Nam

Gần đây, nghề tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðó là thành quả của bao thế hệ người dân Mỹ Hòa gìn nghề giữ nghiệp, giữ bếp lò làng nghề luôn đỏ lửa đêm ngày.

Vĩnh Long là một trong những địa phương bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống ở vùng ĐBSCL. Theo thống kê, hiện nay, Vĩnh Long có hai di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là “Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn” ở huyện Trà Ôn và “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”. Ngoài ra, địa phương hiện có 66 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, trong đó có một hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Lê Dân Nam

Nhiều người quan tâm