(SGTT) – “Câu ba đêm được 60 con cá thu”, anh Trần Quang Du, một “cần thủ” ở TPHCM mê câu cá biển ngoài khơi xa kể lại làm cho những người bạn hay cùng đi câu cá với anh xôn xao. Sở dĩ nhiều người mê câu cá biển khơi quan tâm chuyến ra khơi đầu tiên của anh trong năm con trâu là do năm ngoái hết dịch bệnh rồi tới mùa biển động, các “cần thủ bị cứng tay cứng chân”, không có trải nghiệm kéo cần khi cá cắn câu.

Theo anh Trần Quang Du, chuyến đi biển cuối tháng 2 vừa qua của anh nhắm vào cá thu, loài cá mà anh cho là săn mồi hung tợn ở biển, cá săn mồi ra đòn tốc độ cao, tựa như báo sống trên cạn, khi đã xác định con mồi thì khó có con vật nào thoát khỏi cặp hàm sắc như dao cạo của nó.

Cá thu anh Trần Quang Du câu được.

Hình ảnh số thùng xốp đựng cá chất lên xe bán tải khi ghe cập bờ anh Du khoe thành quả: “Dân câu đếm thùng xốp là biết liền”. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm câu cá thu: “Ngồi ghe ngó con trăng lên hay xuống, để đoán con nước đầu hay cuối ngày câu thu, đúng con nước, bọn nó (ý nói cá) ăn như trối chết”.

Ra biển anh Du là “cần thủ”, ở nhà anh là quản lý một khách sạn. Không chỉ rong ruổi khắp các vùng biển trong nước, từ biển Phú Yên, Bình Thuận, đảo Phú Quốc… mà anh và nhóm bạn của mình còn mua vé máy bay sang Malaisia, Maldives, Đài Loan câu cá tùy theo mùa ở các năm trước.

Cá sau chuyến ra khơi của anh Trần Quang Du được đóng thùng xốp đưa về nhà.

Một “cần thủ” là bác sĩ phẩu thuật thẩm mỹ Nguyễn Hiền Bảo Khanh chưa ra khơi đợt này, hồi tưởng: “tầm này của hai năm về trước, Phú Yên là thiên đường cá cam, giờ thì bớt hẳn rồi. Canh me biển êm êm là bay ra leo lên ghe làm vài chú cá cam về nhà bỏ tủ lạnh ăn dần”.

Vị bác sĩ thẩm mỹ này tâm sự rằng dân câu cá biển ngoài khơi xa như anh hay anh Du nói ở trên đi câu giờ không còn mê con cá nữa, bởi câu được cá lớn, cá nhỏ, đi câu trong nước, ngoài nước đều có cả rồi, chủ yếu là vui và trải nghiệm chuyến đi rồi ăn uống, cười nói như một chuyến du lịch biển dạng trải nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Hiền Bảo Khanh câu được con cá mà hiếm người biết được tên, vì nó ở độ sâu tầm 200m hoặc hơn và ngư dân bảo thịt ngon.

Câu cá không chỉ vì kiếm cá

“Bạn không biết đâu, dân câu cá lâu năm ai cũng biết mần cá, làm món gì đó với con cá, con mực mình câu được trên biển… Không biết làm thì tập làm, đi riết nếu chịu khó thì sẽ biết rất nhiều món ăn hay, mồi nhậu lạ… và chính tay mình làm rồi phụ bạn bè hay đàn anh mình làm thì ăn mới cảm thấy thú vị”, bác sĩ Khanh chia sẻ. Nên ông bà xưa hay nói câu “muốn ăn phải lăn vào bếp” là vậy, nếu bạn nào đi câu chỉ chăm chăm vào câu được con cá to hay câu thiệt nhiều cá là sai lầm nhé, như vậy “cần thủ” đã đã bỏ lỡ mất đi một nửa sự thú vị của thú vui câu cá trải nghiệm: đó là tự chế biến và hưởng thụ thành quả mình câu được ngay trên biển.

“Con cá ngon nhất là con cá tươi nhất và chỉ có trên biển bạn mới có thể ăn được nó. Nên nhóm tụi mình luôn xử liền những con cá ngon “ngay và luôn” trên biển. Chứ đem về là hết ngon rồi”, bác sĩ Khanh khoe kinh nghiệm đã trải nghiệm.

Bữa cơm chiều giữa biển khơi của các “cần thủ” mà torng món ăn, có cá do chính họ câu được.

Rất nhiều trải nghiệm của bác sĩ Khanh khi đi câu cá ngoài khơi xa, chẳng hạn ở độ sâu 200 mét thì có thể câu được cá độc lạ nhưng khi cá dính mồi, kéo lên là một cực hình và phải thực sự có sức khỏe tốt. Đi câu cá không chỉ trải nghiệm biển khơi, mà còn là màn vận động thể lực. Hay như khi câu được con cá cam hơn chục ký thì việc đầu tiên của “cần thủ” này là thẻo lấy phần thịt phi lê ngon nhất để ăn trưa

“Những bữa cơm trên biển luôn là những bữa cơm ngon, chắc do vận động câu cá nhiều. Cũng là một con cá ngon, có thể bạn đã được ăn dạng đông lạnh kiểu nướng muối ớt trong các nhà hàng, nhưng cá tươi mới câu để ăn sống như tụi mình thì chắc là hơi khó tìm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Nghề chơi cũng lắm tốn kém

Anh Võ Thành Nhân ở TPHCM cũng là “cần thủ” và là người hay làm dịch vụ đưa các “cần thủ” ra biển xuất phát từ Vũng Tàu nhưng điểm câu thì biển Côn Đảo, ngoài khơi Bình Thuận. Theo lời anh Nhân thì anh em mê câu cá đi xe ô tô đến bến tàu cá, gửi ô tô, lên tàu rộng 4-5 mét, dài 18 mét, có máy lạnh khoang lái mà máy lạnh phòng ngủ, có máy tầm ngư dò cá, có điện thoại vệ tinh, nhà vệ sinh và đầy đủ phụ kiện hỗ trợ câu cá. Ăn uống do nhà tàu ghe lo như một chuyến đi tour du lịch trên đất liền.

Riêng đồ nghề câu cá thì “cần thủ” nào nấy lo, mồi câu thì người làm dịch vụ như anh Nhân có thể chuẩn bị trước nhưng không nằm trong phần tiền dịch vụ tàu ghe. Anh Nhân thường làm dịch vụ cho nhóm tối đa 10 “cần thủ”, tiền dịch vụ cả nhóm câu tầm 25-30 triệu đồng cho 2-3 ngày, tính luôn cả ăn uống. Còn cá thì cá của ai câu người đó giữ, có thùng xốp riêng cho từng người.

Khoe thành quả của “cần thủ”.

Tùy thời gian trên biển, nhóm ít hay nhiều người, địa điểm xuất phát là Vũng Tàu hay Lagi (Bình Thuận ), đi xa hay gần, chẳng hạn ra ngoài khơi vùng biển Bình Thuận thì giá khác với đi câu tận giàn khoa DK1 hay ngoài quần đảo Trường Sa thì giá tour câu cá trải nghiệm khác nhau, có khi giá dịch vụ 10 triệu đồng/mỗi “cần thủ” và đi cả chục ngày.

Cũng có khi anh Du, bác sĩ Khanh tự tìm hiểu kết nối với chủ ghe đánh cá ở địa phương biết nơi nào nhiều cá, đủ xa, đủ đẹp, như biển Phú Yên, Phú Quốc rồi mua vé máy bay đến nơi, lên ghe đi câu, giá cả tự thỏa thuận với chủ ghe.

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây