Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

TMĐT Việt Nam 2020 sẽ “chốt hạ” theo cách nào?

(SGTT) – Làm sao để nền kinh tế số Việt Nam đạt ngưỡng 13 tỉ đô la Mỹ, một nửa trong số đó đến từ các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), là bài toán đang đặt ra cho năm cuối cùng trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 – 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt.

Theo sự nhận định của doanh nghiệp cũng như chuyên gia thị trường TMĐT, năm qua cũng chứng kiến nhiều xu hướng nổi bật, điển hình như shoppertainment (bán hàng trực tiếp qua mạng kết hợp các hoạt động giải trí tương tác với khách hàng) và mở rộng kho bãi, đầu tư cho vận hành và tốc độ giao hàng. Đây là những động thái cho thấy các doanh nghiệp đang tăng sức chiến đấu để cạnh tranh trong thời điểm hiện tại và cũng để chuẩn bị cho đợt phát triển nóng trong năm sau và những năm tiếp theo.

2020 có là năm phi mã?

Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Phát triển Doanh nghiệp tại Tiki, sự thật không bao giờ thay đổi là hành vi mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi phối sự phát triển của TMĐT trong năm 2020. Đó là sự đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, hàng chính hãng, giá cả hợp lý và sự tiện lợi như giao hàng vào dịp lễ tết, giao hàng sau giờ hành chính hoặc các ngày cuối tuần, ngày nghỉ, dịch vụ giao hàng nhanh.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận, sẽ có ba xu hướng dự kiến sẽ phát triển nổi bật trong năm sau. Một là sự điều tiết sâu sát hơn của Chính phủ trong công cuộc chống lại hàng giả, hàng nhái. Hai, sẽ có nhiều chiến dịch hợp tác giữa doanh nghiệp TMĐT và các đối tác trong hệ sinh thái như ngân hàng, bảo hiểm, ví điện tử, dịch vụ giải trí… nhằm mang lại cho khách hàng nhiều sản phẩm với mức giá tốt hơn. Ba là các doanh nghiệp TMĐT sẽ đầu tư nhiều công cụ hỗ trợ nhà bán hàng hơn từ quảng cáo đến các mô hình vận hành linh hoạt giúp đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các nhà bán hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi, giảm giá tiếp tục là yếu tố then chốt dẫn dắt sự tăng trưởng của TMĐT, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trên các trang web bán hàng và các phần mềm ứng dụng (app) di động. Những thành công vừa qua của Tiki hay Shopee trong việc triển khai livestream (bán hàng trực tiếp trên mạng). Các KOL (nhân vật có sức ảnh hưởng của công chúng) có bài đăng đánh giá sản phẩm.

Về xu hướng này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), ông Nguyễn Thanh Hưng, chia sẻ TMĐT Việt Nam trong vài năm gần đây có tốc độ tăng trưởng cao theo các khảo sát, đánh giá của Vecom cũng như của Bộ Công Thương và các tổ chức quốc tế. Tốc độ tăng trưởng khoảng 30% theo dự đoán của Vecom sẽ được duy trì trong giai đoạn 2019 – 2025. Theo con số của Bộ Công Thương năm 2015, quy mô TMĐT mới đạt 4 tỉ đô la thì đến 2018 đã đạt xấp xỉ 8 tỉ đô la. Với đà này, Vecom dự kiến năm 2020 TMĐT Việt Nam ước đạt 13 tỉ đô la.

Còn theo ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc của Innovation Capital Management và là một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), sự xuất hiện của hàng loạt các công ty lớn trong ngành TMĐT thế giới trong năm mới sẽ làm thị trường này cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều. Sự thay đổi chiến lược của các hạ tầng sẵn có (như Go-Viet, Grab) lấn sân sang các lĩnh vực O2O (Online to Offline – kết hợp bán lẻ và trực tuyến) và đang hoàn thiện các giải pháp mang tính hệ sinh thái, sẽ làm cuộc chơi khốc liệt hơn rất nhiều. TMĐT sẽ dấn sâu hơn trong ngành thương mại nói chung với tỷ lệ thương mại qua TMĐT tiếp tục tăng cao cùng với sự nâng cao về kiến thức người dùng, sự tiện dụng của giải pháp và hoàn thiện trong các cấu phần hệ sinh thái TMĐT. Điều này tính tới cả thương mại nội địa và thương mại có yếu tố nước ngoài. Cuối cùng là có sự đột biến về dòng đầu tư.

Cần có thêm những cú hích

Tuy nhiên vẫn có những trở ngại cho sự phát triển. Thực tế là người mua hàng vẫn chưa tin tưởng cao với hình thức mua sắm trực tuyến. Họ lo ngại những sản phẩm đã chọn không trùng khớp với sản phẩm nhận được. Chính tâm lý đó khiến họ muốn kiểm chứng được thì mới thanh toán. Tỷ trọng của TMĐT ở Việt Nam còn thấp nên việc sử dụng tiền mặt là chủ yếu trong thanh toán. Ngoài các sàn TMĐT, số lượng các doanh nghiệp thực sự chuyển đổi số và thực hiện quá trình chuyển đổi này một cách thành công vẫn còn hạn chế. Một vấn đề cũng đáng lưu tâm nữa là hệ thống giao thông phức tạp cùng với tình trạng tắc đường khiến cho quá trình giao hàng trở nên khó khăn. Điều này khiến chi phí vận chuyển cho các đơn hàng trở nên đắt đỏ, gây nên tâm lý e ngại khi mua hàng trực tuyến.

Theo ông Hưng, nền kinh tế chia sẻ sẽ cơ bản giải quyết được vấn đề này. Theo đó, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) chủ trì nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách phát triển TMĐT cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động TMĐT ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ. iDEA sẽ tư vấn, tham mưu để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật và chính sách hiện hành thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ và TMĐT; nghiên cứu, đề xuất chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ, phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ.

iDEA cũng có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về TMĐT để bao quát được những mô hình hoạt động mới phát sinh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ; nghiên cứu các nội dung về dịch vụ TMĐT xuyên biên giới và đề xuất hướng quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như các cam kết hội nhập. Đồng thời, tăng cường giải pháp về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của công dân, đảm bảo chủ quyền không gian mạng.

Trong khi đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ nghiên cứu, đề xuất quy định nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ; nghiên cứu đề xuất quy định và tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại trực tuyến nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển của các mô hình TMĐT xuyên biên giới…

Về phần doanh nghiệp, theo ý kiến chung có thể thấy, trong khi chờ những trợ lực vĩ mô, quan điểm của các sàn TMĐT này là tập trung vào những yếu tố không thay đổi. Do đó, không chỉ trong năm 2020 mà còn nhiều năm tới, các doanh nghiệp TMĐT vẫn tập trung vào những yếu tố cốt lõi và bất biến theo thời gian. Đó là hàng hóa đa dạng và chính hãng, giá cả hợp lý, và trải nghiệm mua hàng tiện lợi, nhanh chóng.

Trung Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

0
(SGTT) - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất dày hơn...

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

‘Tảng băng chìm’ sau những phiên livestream bán hàng chục tỉ

0
(SGTT) - Gần đây lướt trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không khó để bắt gặp những kênh bán hàng trên sóng...

Bán hàng trên Tiktok Shop có dễ thu tiền tỉ?

0
(SGTT) - Gần đây, nhiều người xôn xao trước thông tin một chủ kênh TikTok cho biết đã đạt doanh thu đạt trên 75...

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

2 tỉ đồng đã được chi để mua sô cô la...

0
(SGTT) – Năm nay, ngày lễ tình nhân (Valentine) rơi mùng 5 Tết âm lịch. Do đó, khách hàng có xu hướng đặt hàng...

Kết nối