(SGTTO) – Cách đây bốn năm, chị Đặng Ngọc Diệu – đầu bếp chuyên món chay tại Cải Mèo Homestay, Sa Pa – bắt đầu ăn chay trường và học nhiều hơn về các phương pháp nấu nướng. Từ đó, chị tìm thấy bản thân và phát triển nghề bếp ở bất cứ nơi chị có duyên đến cư ngụ.

Hành trình đến với nghề bếp được chị gói gọn trong chữ “duyên lành” khi chị được gặp gỡ với nhiều người cùng sở thích. Chị Ngọc Diệu cho rằng một món ăn ngon phải khiến cho người thưởng thức cảm nhận được cái tâm của người nấu. Khi bắt đầu tập thể thao, những món chay được chị quan tâm đến yếu tố dinh dưỡng hơn, bên cạnh việc tạo ra hương vị thơm ngon.

Chị Đặng Ngọc Diệu tìm thấy cuộc sống mơ ước khi trở thành đầu bếp chay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dũng cảm đi theo mục đích sống của mình

Chị Ngọc Diệu cho biết chị đã được tiếp xúc với việc bếp núc từ khi còn nhỏ. Từ năm lên bảy, tám tuổi, chị đã thường giúp mẹ nấu cơm và làm những món ăn đơn giản. “Tuổi thơ của tôi được truyền cảm hứng nấu ăn từ bà ngoại, trong những mùa hè về Hà Nội chơi. Mẹ và bà ngoại là những người thầy đầu tiên cho tôi làm quen bếp núc”, chị nhớ lại. Món ăn chị yêu thích nhất là món chuối hầm đậu phụ, rắc thêm tía tô của người Bắc – món ăn ngày nhỏ mẹ và bà ngoại thường nấu.

Khi lớn lên, chị theo học ngành Du lịch – Khách sạn. Công việc này tạo cho chị động lực để luôn muốn hiểu rõ hơn về món ăn, truyền tải cho khách hàng. Thời gian làm công việc này, chị cũng hay vào bếp học thêm từ các đầu bếp ở chỗ làm.

Ngoài bếp núc, du lịch và khám phá về văn hoá, con người cũng là niềm đam mê trong cuộc sống của chị. Hành trình đến với bếp chay chỉ thực sự khởi đầu từ bốn năm trước, khi chị bắt đầu ăn chay trường trong thời gian chuyển đến Hội An sinh sống. Đó là vào năm 2016, chị quyết định nghỉ công việc văn phòng, “xê dịch” đến một vùng đất mới để tìm kiếm cảm hứng và mục đích sống của riêng mình.

Chị Ngọc Diệu chọn Hội An để bắt đầu hành trình mới và ở lại đây đến hết năm 2017. Đây cũng là nơi khiến chị càng thêm yêu thích ẩm thực chay. “Thật ra từ bé tôi đã không thích ăn thịt cho lắm! Tôi thường ăn cá và hải sản, rau củ và ăn đồ chay theo khẩu vị. Ở Hội An, người dân ăn chay vào Rằm và mùng Một hằng tháng, đồ ăn cũng ngon nữa. Tôi tìm thấy cộng đồng cùng đam mê với mình nên theo tới bây giờ luôn”, chị nói.

Lúc này, chị tự học nấu ăn thêm để nấu các món chay cho mình và tìm thấy niềm đam mê thật sự từ việc nấu nướng: “Tôi học nhiều thứ hơn để nấu món chay có dinh dưỡng và thú vị hơn. Năm 2018, tôi bắt đầu công việc là một đầu bếp chay”.

Trở lại TPHCM năm 2018, chị kinh doanh homestay và lớp yoga với bạn. Lúc đó nhà có sẵn bếp nên bạn bè, người thân sau khi ăn thử các món chị nấu đã gợi ý chị làm gì đó liên quan đến nấu ăn để chia sẻ với mọi người.

Từ đó, chị nhận đặt các loại bánh thuần chay, cơm chay theo suất, rồi kết hợp mở những lớp nấu ăn cho khách nước ngoài trên những trang du lịch trải nghiệm. Đó là những bước chập chững ban đầu của chị Ngọc Diệu khi đến với nghề bếp. Công việc mà sau này, chị mang theo như là nghề chính, để đi đến đâu cũng có thể phát triển và chia sẻ với nhiều người.

Say mê bếp núc hơn qua những chuyến đi

Chị Ngọc Diệu bắt đầu dạy nấu ăn ở TPHCM, rồi sau đó là ở mỗi nơi chị có dịp đến. Trong năm 2018, chị cũng có hai chuyến đi tình nguyện đến Nhật Bản về nông nghiệp và đi xuyên Việt thăm thú học hỏi ở các nơi làm nông nghiệp, ăn chay thuận theo tự nhiên. Hai chuyến đi này đã đưa chị gặp và học hỏi thêm được rất nhiều điều về các vùng nguyên liệu ở Việt Nam và sự đa dạng về văn hoá, con người và ẩm thực. Năm 2019, chị quay lại Hội An, lúc này chị làm việc cho một nhà hàng có 70% món ăn là món chay ở làng rau Trà Quế, kèm theo lớp dạy nấu chay của chị.

 Với tôi, dạy nấu ăn là cách tôi chia sẻ và học hỏi để kết nối thêm với nhiều người ở khắp nơi. Tôi rất biết ơn điều đó!

Cuối năm 2019, chị chuyển lên Sapa làm bếp chay Cải Mèo tại Maison de Sapa Homestay. Nói về công việc hiện tại, chị Ngọc Diệu hào hứng: “Tôi vừa đến Sa Pa được ba tháng. Đi làm nhưng tôi như đang sống cuộc đời của chính mình vậy!”.

Chị Diệu cho biết chị đã nghĩ đến việc làm riêng bếp chay từ trước đó. Nhưng đến khi được một người bạn ngỏ lời lên nhà Maison làm chung, đúng lúc công việc cũ có chưa có định hướng mới, chị mới có cơ hội đứng bếp chính. Chị chia sẻ, bản thân là người khá tin vào duyên lành trong cuộc sống. “Cái duyên đến thì mình đi, cũng không mong cầu gì cả”,  chị nói.

Ở Bếp Cải Mèo tại Sa Pa, chị Diệu được gọi thân thương là “đầu bếp tóc xanh” (bên trái). Ảnh: nhân vật cung cấp.

Chị Diệu thấy thiên nhiên và con người ở Sa Pa có sự hài hòa, phù hợp với con đường chị hướng tới, đó là “được làm chính mình, truyền cảm hứng cho những người mình gặp gỡ”. Ngoài làm bếp chính, chị cũng là quản lý của Maison de Sapa Homestay, nên một ngày làm việc của chị sẽ xoay quanh vừa cả căn bếp và chăm sóc khách hàng.

“Hằng ngày, tôi nấu các bữa ăn cho khách và mọi người trong nhà, vừa tiếp khách ở nhà. Tôi trực tiếp đi chợ tìm kiếm những nguyên liệu tươi ngon, gặp gỡ các cô các chú, học thêm về các loại rau củ, gia vị, món ăn bản địa theo mùa để về thay đổi thực đơn theo ngày thú vị hơn”, chị kể về một ngày của mình ở vị trí đầu bếp chay ở bếp Cải Mèo của homestay.

Chị Diệu chịu trách nhiệm nấu những bữa ăn và chăm sóc khách hàng đến Maison de Sapa Homestay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khách đến homestay thưởng thức món ăn chay của chị Diệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thời gian rảnh, chị Diệu đọc sách, đi bộ và chạy bộ. Thỉnh thoảng, chị dành thời gian cho đam mê khám phá của mình bằng cách đi sâu hơn vào các bản, tìm hiểu thêm về cuộc sống văn hoá của mọi người ở đây. Đặc biệt, chị còn tìm thêm các giống rau để trồng thêm cho vườn rau sạch của homestay thêm phong phú. Cuối ngày sau khi dọn dẹp căn bếp, chị dành thời gian chăm sóc bản thân, thiền định và viết nhật ký cảm ơn những điều tốt lành đã đến trong ngày.

Chính tay chị chăm sóc vườn rau cung cấp cho bếp chay của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo chị, điều thú vị nhất mà công việc hiện tại mang lại cho chị là sự thử thách – lần đầu tiên làm riêng một mình một bếp. Bởi chị có thể thoải mái sáng tạo và quan trọng hơn là được sống trọn vẹn mỗi phút giây với việc nấu nướng. Đây chính là cuộc sống chị hằng mơ và cách chị tìm thấy chính mình ở tuổi U30, với đam mê nấu ăn.

Dinh dưỡng là trên hết

Theo kinh nghiệm của mình, chị Ngọc Diệu nhận định, việc nấu món chay hay món mặn thì điều quan trọng nhất là cái tâm của người đầu bếp, sau là đến kiến thức về gia vị, nguyên liệu.

Chị quan niệm rằng, người ăn sẽ cảm nhận được tình cảm người nấu khi thưởng thức món ăn. “Tôi có duyên gặp khá nhiều người nấu chay rất ngon, hoàn toàn vô danh. Nhiều khi họ chỉ là một quý cô phật tử nào đó ngày rằm đến phụ chùa nấu ăn. Tôi ăn những món ăn đó và cảm thấy cơ thể mình được nuôi dưỡng, thanh tịnh ở hiện tại và mình cảm ơn “tâm chay” của người đầu bếp tại lúc đó”, chị Diệu chia sẻ.

Xét về kỹ thuật, chị cảm thấy điều quan trọng nhất là việc hiểu về thực phẩm, nguồn gốc, cách kết hợp nhau của mỗi loại nguyên liệu hài hòa. Sao cho khi ăn, khách sẽ cảm thấy hài hoà từ bày trí đến hương vị. Chị rất thích tìm hiểu về các nguyên liệu, thực phẩm và sáng tạo nhiều món ăn xung quanh loại nguyên liệu đó. Ví dụ, nếu muốn ăn món ăn Hàn Quốc, chị sẽ tìm cách làm các nguyên liệu chay trước như kim chi. Rồi sau đó mới nấu các món ăn từ nguyên liệu mình tạo ra: bánh gạo cay, canh kim chi, cơm chiên kim chi. Chị có tình yêu với tất cả loại rau gia vị ở làng Trà Quế. Với chị, rau ở Trà Quế có lẽ là những loại rau ngon nhất chị từng được ăn và chế biến.

Khi mở lớp dạy nấu ăn, chị thường hướng dẫn làm các món bánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Món salad đầy dinh dưỡng và bắt mắt này là “món tủ” của đầu bếp chay Ngọc Diệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bánh mì chay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi chế biến món ăn, chị Diệu mong muốn thực khách sẽ cảm nhận được niềm vui và sự say mê của chính mình với ẩm thực. Vì vậy, chị luôn nấu ăn với tâm thế vui vẻ, hứng khởi. Đặc biệt, chị muốn thực khách sẽ cảm thấy sự thú vị và tốt lành của những món chay. Chị thường chọn phương pháp kết hợp nhiều phong cách nấu nướng để món ăn đa dạng hơn, không chỉ gò bó ở món Việt. Chị thích chế biến món ăn theo những phương pháp đơn giản, bảo toàn hương vị cho món ăn.

Tuy nhiên, đến khi bắt đầu tập chạy bộ, chị mới bắt đầu nghĩ đến giá trị dinh dưỡng nhiều hơn khi sáng tạo món ăn. “Lúc đó, tôi quan tâm ăn gì cho có đủ dinh dưỡng để còn đi chạy, cân đối lại sức khoẻ. Vì thật ra ăn chay nhưng tôi vẫn thấy bản thân chưa khỏe lắm, trước đó lại lười vận động”, chị kể. Từ đó, chị Diệu bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thực dưỡng rồi dinh dưỡng hiện đại, gặp nhiều người có kinh nghiệm và học cách chọn thực phẩm lành sạch từ những nguồn tin tưởng, kết hợp mỗi loại làm sao cho quân bình, phương pháp nấu để bảo đảm dinh dưỡng của từng loại. Chị từ bỏ những loại gia vị và thực phẩm công nghiệp đóng gói sẵn, tìm đến các loại thực phẩm theo mùa ở nơi mình đang sống nhiều hơn.

Từ đam mê nấu nướng, chị Diệu đã phát triển bản thân và tìm cho mình một cuộc sống ý nghĩa theo cách chị mong muốn. Hằng ngày, chị tận hưởng cuộc sống của mình với căn bếp chay, rèn luyện bản thân, duy trì tập thể dục và tìm niềm vui ở những điều nho nhỏ quanh mình.

Chị Diệu cho biết chị từng có nỗi ám ảnh là “mình không tập thể thao được đâu”. Nhiều bạn bè cũng vô tư trêu ghẹo khiến chị trở nên tự ti vào bản thân. Nhờ gặp được một người bạn truyền cảm hứng, chị Ngọc Diệu bắt đầu tập chạy bộ, đạp xe cách đây hai năm để tăng cường sức khỏe.Nhớ lại hai năm trước, chị Ngọc Diệu có chuyến đi Nhật, cần leo núi. Chị rất lo sợ vì bản thân là người ít vận động. Gặp một người bạn đã từng chạy bộ, chị được tiếp thêm động lực và niềm tin vào nỗ lực vượt qua bản thân. Chị bắt đầu chạy bộ để rèn sức bền, tham gia chuyến leo núi. Sau 10 tháng tập chạy, lần đầu tiên chị hoàn thành 21km chạy giải Hồ Chí Minh Marathon và vẫn duy trì tập chạy, đạp xe tới nay. Chị quan niệm, tập luyện cũng là cách để chị tự yêu lấy chính mình và giúp chị quan tâm đến dinh dưỡng nhiều hơn trong các món ăn của mình.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây