Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Tiềm năng du lịch của ba công trình đại thủy nông ở miền Trung

(SGTT) - Với dãy Trường Sơn ăn sâu ra biển, đồng bằng phần lớn là nhỏ hẹp, địa hình có độ dốc cao… vấn đề “dẫn thủy nhập điền” (đưa nước vào ruộng) tại miền Trung đã được nhiều thế hệ tiền nhân tính đến. Sau những công trình thủy lợi dưới các vương triều Chăm pa, dưới thời thuộc Pháp, họ đã để lại cho miền Trung ba công trình đại thủy nông vẫn còn hoạt động cho đến hôm nay. Đó là đập Bái Thượng, tỉnh Thanh Hóa, đập Bara Đô Lương, tỉnh Nghệ An và đập Đồng Cam, tỉnh Phú Yên.

Từ Bái Thượng, Đô Lương…

Công trình đầu tiên phải nhắc đến đó là đập Bái Thượng ở Thanh Hóa. Công trình này được người Pháp khởi công từ năm 1918 và là hệ thống thủy nông đầu tiên được xây dựng ở Trung Kỳ. Công trình gồm đập Bái Thượng dài 160m, cao 20m bằng bê tông và một hệ thống kênh đào dài tổng cộng 110km tưới tiêu cho khoảng 50.000 ha thuộc lưu vực sông Chu, trong đó có nhiều đồn điền trồng lúa, bông và cây công nghiệp dưới thời thuộc Pháp.

Đập chính được khởi công ngày 28-3-1920, khánh thành ngày 10-1-1926 và toàn bộ hệ thống này được chính thức giao cho Sở Thủy nông Trung Kỳ từ ngày 27-8-1928.

Đập Đô Lương, Nghệ An. Nguồn: Bách khoa tiếng Việt

Công trình thứ hai đó chính là đập Bara Đô Lương. Sông Đào là tên của một số con sông nhân tạo tại tỉnh Nghệ An, đây đều là những công trình thủy lợi được hình thành từ thời Pháp thuộc, lấy nước từ dòng sông Lam để phục vụ tưới tiêu cho các huyện vùng đồng bằng ven biển của Nghệ An. Con sông thứ nhất bắt nguồn từ thị trấn Nam Đàn, chảy sang huyện Hưng Nguyên và chia làm hai nhánh: một nhánh chảy về thành phố Vinh (được gọi là sông Vinh), nhánh còn lại chảy về phía bắc sang địa phận huyện Nghi Lộc và đổ vào sông Cấm.

Sông có lưu lượng nước lớn trên 30 m³/s, có chức năng phục vụ tưới tiêu trên 30.000 ha đồng ruộng, phục vụ nước sinh hoạt dân sinh và ngăn lũ cho các địa phương. Con sông thứ hai thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, được xây dựng vào những năm 1930. Sông bắt nguồn từ xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, gần thị trấn Đô Lương.

Tại đây có hệ thống đập Bara Đô Lương dài hơn 340m, có nhiệm vụ ngăn dòng chảy sông Lam, làm nước dâng cao 10 m so với mực nước biển, sau đó đổ vào sông Đào phục vụ tưới tiêu cho gần 29.000 ha đất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp, nước sinh hoạt cho bốn huyện: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Theo thiết kế, trung bình lưu lượng nước đổ về sông Đào đạt 30 m³/s.

Đến Đồng Cam

Và công trình đại thủy nông thứ ba ở miền Trung đó chính là đập Đồng Cam ở tỉnh Phú Yên, hay còn gọi là đập Thụy Phong.

Thi công đập Đồng Cam. Nguồn: Tư liệu

Theo ông Lê Văn Hương, nguyên Phó Giám đốc công ty Thủy nông Đồng Cam, sở dĩ đập Đồng Cam còn có tên đập Thụy Phong vì có liên quan đến ngày khánh thành công trình, ngày 7-9-1932, năm 2022 này đã tròn 90 năm.

Tài liệu ghi chép lại, theo kế hoạch, ngày đó vua Bảo Đại từ Huế đô vào Phú Yên dự lễ khánh thành công trình đại thủy nông Đồng Cam, nhưng vì thời tiết không thuận lợi, nhà vua đi bằng đường thủy, đến Sông Cầu phải dừng lại.

Con đường băng qua khu rừng nguyên sinh tại đập Đồng Cam. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Để kỷ niệm ngày nhà vua đến Phú Yên dự một sự kiện quan trọng, người Pháp cho đúc một bảng hiệu mạ vàng ghi tên công trình là Đập Thụy Phong, một tên gọi khác của vua Bảo Đại, vì bấy giờ không ai dám gọi đích danh, chỉ gọi vua bằng những tên húy kỵ. Tiếc là tấm bảng này đã bị lấy cắp, nay chỉ còn dấu vết gắn bảng vào.

Theo những tài liệu người Pháp để lại, việc dẫn nước tưới tiêu cho đồng lúa Tuy Hòa bấy giờ là một vấn đề vô cùng quan trọng và người dân rất mong đợi. Trước đó dưới vương triều Ayaru, người Chăm đã thực hiện một phần. Nhờ vậy mà vùng đất Tuy Hòa khá trù phú. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học hoặc quá trình thi công hệ thống thủy nông sau này đã phát hiện một số công trình có nền móng bằng đất, trong đó có các kênh dẫn nước.

Ông Lê Văn Hương, nguyên Phó Giám đốc Cty Thủy nông Đồng Cam bên Bia kỷ niệm lập năm 1930. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Từ năm 1889, nhiều kỹ sư người Pháp tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các công trình thủy lợi dẫn nước tưới và họ đặc biệt chú ý giải pháp đưa nước sông Ba tưới cho đồng bằng Tuy Hòa bằng hệ thống tự chảy.

Từ ý tưởng “dẫn thuỷ nhập điền” cổ truyền của người Chăm và những khảo sát ban đầu, 15 năm sau, năm 1904, các kỹ sư người Pháp mới chính thức bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế hệ thống thủy nông Đồng Cam dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Desbos, người được tôn vinh là bậc thầy đã khai sinh các công trình thủy lợi ở Đông Dương. Kỹ sư Fayard trực tiếp thiết lập đồ án nhưng do khó khăn kinh phí nên chưa thể triển khai. Đến năm 1920, kỹ sư Nordey tiếp tục hoàn thiện đồ án dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Lefèvre và đồ án hoàn chỉnh được duyệt ngày 30-11-1923.

Đập tràn và kênh chính đập Đồng Cam. Ảnh: Trần Thanh Hưng

Nội dung chính của đồ án là xây dựng một đập dâng dài 680m ở Đồng Cam trên bãi đá sông Đà Rằng và hệ thống hai kênh chính (ngày nay gọi là kênh chính Bắc và kênh chính Nam), bảo đảm nguồn nước tưới cho 19.000 ha (hữu ngạn 11.000 ha, tả ngạn 8.000 ha).

Để hoàn thành công trình này, mỗi ngày trung bình có 1.500 lao động, cao điểm lên đến 5.000 người, làm việc cật lực trong 6 năm (1924 - 1929) và 3 năm khắc phục, gia cố, hoàn thiện. Môi trường làm việc bấy giờ vô cùng khắc nghiệt như rừng thiêng, nước độc, sốt rét; tai nạn trong quá trình nổ mìn, phá đá… cũng đã xảy ra.

Đã có hơn 2 triệu mét khối đất, 360 ngàn mét khối đá đã được đào, phá; hơn 20 ngàn khối bê tông và 20 ngàn khối đá hộc đã được thi công; hàng trăm khối gỗ và hàng trăm tấn sắt thép đã được vận chuyển đến thi công công trình...

Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1932 và khai thác hoàn toàn năng lực tưới vào năm 1933. Đập Đồng Cam tiêu tốn 2,1 triệu đồng Đông Dương bấy giờ, tương đương 262.000 tấn lúa.

Ảnh: Trần Thanh Hưng

Trong bối cảnh “rừng thiêng nước độc”, hơn 5,35 triệu lượt công lao động đã “đồng cam cộng khổ” xây dựng nên đập nước hùng vĩ này với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ cùng hệ thống nông giang với hai kênh dẫn nước, khoảng 200km kênh mương nhịp nhàng, đồng bộ dẫn nước cho cả đồng lúa Tuy Hòa rộng 220 km².

Ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng, cánh đồng Tuy Hòa đã sản xuất ổn định hai vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung. Tiếp đó là vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò, cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng nhất tại địa bàn Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám.

Năm 1942, thi sĩ Huỳnh Khinh tới viếng đập, cảm tác viết nên những vần thơ:

Viếng đập Đồng Cam ngắm nước non

Xanh xanh một sắc nước cùng non

Non thề chung thủy ôm lòng nước

Nước nặng ân tình sát cánh non

Non giữ nguồn sông che chở nước

Nước nuôi đồi đất điểm trang non

Đúc chung một khối tình non nước 

Khó nỗi chia lìa khối nước non.

Hàng năm, cứ vào mùng 8 tháng Giêng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Phú Yên đều đến đập Đồng Cam để dâng hương tưởng niệm tiền nhân đã để lại một đại công trình thủy nông cho hậu thế.

Vẻ đẹp đập Đồng Cam ngày nay. Ảnh: TL

Đập Bái Thượng, Đô Lương hay đập Đồng Cam không chỉ là những  công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật trên mảnh đất miền Trung, mà nó còn là những di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của bao lớp tiền nhân.

Việc xác định vị trí xây dựng, thiết kế công trình, tính toán chuẩn xác từng hạng mục, sức bền bỉ vượt thời gian của những công trình này, đặc biệt là quá trình thi công chủ yếu bằng sức người là điều khiến thế hệ hôm nay vô cùng ngưỡng mộ và hết sức trân trọng.

Nếu tiếp tục tôn tạo, khai thác hiệu quả, thì đây sẽ là những địa chỉ du lịch về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của Thanh Hóa, Nghệ An và Phú Yên.

 Trần Thanh Hưng

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình Tư và hình ảnh trên Bách khoa tiếng Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối