Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tạm xa phố thị, khám phá ‘vùng ba xã’ Phú Yên

(SGTT) - Nằm ở độ cao 500m so với mặt nước biển, có một 'bản sao' thu nhỏ của Đà Lạt, khí hậu quanh năm mát lành. Đó là cao nguyên Vân Hòa gồm ba xã: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Vùng này nằm tách biệt về phía Bắc huyện Sơn Hòa nên người dân địa phương gọi là 'vùng ba xã'.
Cao nguyên Vân Hòa. Ảnh: Ngô Hòa Nam

Mỗi xã ở 'vùng ba xã' có điểm đặc biệt riêng, xã Sơn Định có nhà thời Bác Hồ, Sơn Long có hội trường Mùa Xuân và Sơn Xuân có cây đỏ.

Đến 'địa chỉ đỏ' du lịch… đỏ

Từ thị trấn Củng Sơn - trung tâm huyện lỵ Sơn Hòa, theo quốc lộ 19C đến xã Sơn Phước, Sơn Hội rồi dọc theo vùng gò đồi rộng lớn đến Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định. Vào các ngày lễ, dịp tết, tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia này, huyện Sơn Hòa thường tổ chức dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với Nhà thờ Bác Hồ, di tích Hội trường Mùa Xuân (xã Sơn Long) cách đó chừng vài trăm mét cũng đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 2008. Ông Phạm Quang, quản lý quần thể khu di tích này cho hay nhiều năm qua, Nhà thờ Bác Hồ và Hội trường Mùa Xuân trở thành 'địa chỉ đỏ', tiếp lửa truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ và thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Người dân địa phương gọi cây dâu đất hoặc cây dâu da đất là cây đỏ vì trái có màu đỏ. Loại cây này mọc nhiều trên cao nguyên Vân Hòa, trở thành cây hái ra tiền cho người dân địa phương. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Xuôi xuống xã Sơn Xuân, vùng này gần đây nổi tiếng với những vườn cây trái đỏ là đặc sản của địa phương. Nhiều du khách đổ xô về đây để ngắm trái đỏ. Đến nơi, có người chôn chân tại vườn đỏ không muốn về vì đẹp và lạ mắt.

Ông Võ Tiến, người Phú Yên đang làm việc tại TPHCM có dịp về quê đến vườn đỏ, chia sẻ gần đây cao nguyên Vân Hòa nổi tiếng trái đỏ, ai đến đây cũng chụp hình, đăng trên mạng xã hội 'đỏ toàn tập'.

Người dân ở đây bày 'muốn ăn nên lựa trái đỏ tươi, còn trái đỏ bầm… chua lét', ông Võ Tiến kể.

Mỗi năm cây đỏ ra trái kiểu dáng khác nhau. Có năm trái bó tròn quanh gốc rồi đu ra cành nhánh bên phải, có năm sang cành bên trái. Có cây năm nay đỏ rực phía mặt trời mọc, năm khác tạo dáng thác chảy phía mặt trời lặn. Cây đỏ ưa nắng. Nắng gắt trái chín lâu, còn mưa thì trái ngấm nước nặng, rụng cuốn.

Theo ông Võ Điền Phương, chủ vườn đỏ Bốn Phương (xã Sơn Xuân), cho biết cây đỏ ra hoa tháng Chạp, bước qua tháng 2, tháng 3 Âm lịch các chùm trái nhỏ đơm lên màu xám, rồi lớn dần, càng lớn càng 'nở' ra màu đỏ, đến tháng 6, tháng 7 mới chín đỏ rực.

Cây đỏ thân giống như cây dâu da, cao khoảng 5-7m, trái sai vắt cục ôm từ quanh gốc lên bó hết thân và còn đeo ra cành nhánh. Từ trái nhỏ đến trái lớn đều tròn trịa, không có trái nào méo mó. Nhiều cây có tuổi đời từ vài chục đến gần trăm năm tuổi.

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết cây đỏ là 'đặc sản' quê hương ba xã vì chỉ có vùng này mới có. Những năm qua, vùng Ba Xã đã đạt được nhiều bước phát triển, trở thành xã nông thôn mới, đường bê tông ngõ xóm thoáng đãng thuận lợi cho việc đi lại cho khách du lịch.

Khách du lịch trong các tour đi qua ba xã cánh Bắc của Sơn Hòa, nếu đi từ Hòa Đa lên thì ghé các vườn đỏ trước rồi lên Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa xuân. Còn từ trung tâm huyện Sơn Hòa qua và từ huyện Đồng Xuân sang thì đến 'địa chỉ đỏ' rồi xuống du lịch… đỏ. Từ tháng 5 đến tháng 9, vườn đỏ rất đông khách, người dân hồ hởi với việc được làm du lịch.

Món ngon đặc sản 'mắm thơm'

Ngoài cây đỏ, 'vùng ba xã' còn có các món ăn đặc sản quê hương. Đó là mắm thơm ba xã, gà nấu lá dít và gà kho mắm thơm.

Đặc sản mắm thơm tại 'vùng ba xã'

Mắm thơm ba xã được làm từ nguyên liệu chính là thơm cùng với đu đủ, mít chín, đều được trồng tại chỗ. Giống thơm địa phương trồng ở vùng đất này lớn hết cỡ cũng chỉ to bằng lon sữa bò, có vị ngọt thanh. Trái thơm xắt miếng nhỏ, phơi héo mặt trộn với mắm nêm cho vào thẩu (hộp) nhựa, để mắm nêm “ôm” miếng thơm lâu ngày, dậy mùi thơm ngon.

Bà Trần Thị Nhung, ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), chia sẻ mỗi lần đến đây, mắm thơm ba xã là món ruột của bà. Nó có vị mặn mà thấm vào đầu lưỡi, ai ăn cũng khen, hương mắm ba xã vì thế mà... bay xa, nhiều người biết đến.

Gà nấu lá dít, đó là món 'gà chạy bộ' làm thịt nấu với lá dít mọc ở bờ rào, nêm gia vị, giã giập ớt xiêm 'chân dài', loại ớt cây cao, trái nhỏ mọc tự nhiên ở ngoài rừng cho vào. Món này ăn với cơm hay bún, vừa chan vừa húp thưởng thức đậm đà vị nóng, cay, lạnh.

Lá dít mọc trên vùng đất ba xã, có người đem về TP Tuy Hòa trồng thì khi nấu mất mùi ngon. Có người đặt 'con gà xách tay' làm thịt nhổ lông sẵn, kèm theo lá dít, mắm thơm, ớt mang về nhà nấu cho cả gia đình ăn thưởng thức món ngon ba xã nhưng không ngon bằng nấu ăn tại chỗ, ông Bùi Văn Trung, người dân 'vùng ba xã' nói.

Ngoài ra, 'vùng ba xã' còn nổi danh với món gà kho mắm thơm. Thịt gà chặt thành miếng vừa ăn, ướp dầu rồi cho mắm thơm vào, để khoảng 10-15 phút rồi bắt lên bếp kho. Trong quá trình kho riu lửa cho sắc bớt nước lại, nhớ thăm chừng còn ít nước trong nồi để chan. Khi kho thấm lửa, hơi nóng đẩy mùi thơm bung nắp vung bay ra, đứng cuối đầu gió hít mùi thịt gà kho mắm thơm thơm nức.

Cách chế biến đơn giản là chặt to kho mặn, nhưng hương vị đặc trưng của món 'thịt gà ba vị' này không chê vào đâu được. Gắp miếng thịt gà kho thấm mắm thơm, ăn vào vị ngon níu kéo xuống tận dạ dày.

Khách tham quan nông trại nông sản sạch của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB. Ảnh: Mạnh Hòa Nam

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết tuyến du lịch này có nhiều địa điểm tham quan như Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ Bác Hồ, Hội trường Mùa Xuân, vườn đỏ Sơn Xuân và nông trại nông sản sạch của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB...

Tuyến du lịch vừa phục vụ du lịch, vừa trình diễn nghề và bán sản phẩm đạt chất lượng OCOP để các sản phẩm làng nghề được tiếp cận với khách du lịch trong và ngoài nước.

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối