Thứ Sáu, Tháng Chín 13, 2024

Thu hút khách quốc tế thông qua chuyển đổi số trong du lịch

(SGTT) – Trong 5 tháng còn lại của năm 2022, việc “lấp đầy” 85%, tương đương 4,25 triệu lượt khách quốc tế còn “trống” so với kế hoạch đặt ra là thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam. Nhiều giải pháp đã được đặt ra, trong đó thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch, cởi mở chính sách visa… là những yếu tố then chốt.

“Trong khi du lịch nội địa vượt chỉ tiêu, thì khách quốc tế vẫn còn rất hạn chế, chỉ đạt 8% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh, và khoảng 15% so với kế hoạch đã đặt ra trong năm 2022, còn quá xa để đến đích. Phát triển du lịch quốc tế là yêu cầu cấp bách của hàng triệu nhân sự, hàng chục nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ tại sự kiện Diễn đàn Lữ hành toàn quốc, bàn về giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam trong khuôn khổ chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam 2022.

Du khách quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: Minh Hải

Lời giải cho ‘bài toán’ đón 5 triệu lượt khách quốc tế 

Tại sự kiện, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết có những nguyên nhân khách quan khiến thị trường du lịch quốc tế chưa thể tăng tốc trở lại, điển hình như xung đột Nga – Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam – Nga, ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước cũng khác nhau, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á hiện vẫn đang siết chặt phòng chống dịch. Mặt khác, ở Việt Nam hiện vẫn chưa phải là mùa du lịch quốc tế.

Ông Khánh cho rằng, làm mới sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để tăng khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch… Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh nổi trội của từng doanh nghiệp, từng địa phương…

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Phong

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận để tiếp tục thu hút khách quốc tế, Chính phủ cần tạo điều kiện cho khách quốc tế vào Việt Nam nhiều hơn, thuận lợi hơn, điển hình là miễn visa.

“Sau dịch Covid-19, mọi thứ đã thay đổi, đòi hỏi du lịch Việt Nam phải phát triển những thị trường mới. Chúng ta cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trực tiếp triển khai một số công việc xúc tiến du lịch, mở thị trường mới như Mỹ, Úc, Ấn Độ…”, ông Bình nói thêm.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, mỗi địa phương cần khai thác tối đa lợi thế. Xúc tiến, liên kết vùng hiệu quả dựa trên thế mạnh của từng địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách thông qua việc nghiên cứu, đề xuất xem xét việc cấp, miễn thị thực đơn phương cho du khách một số nước ở thị trường tiềm năng.

Nghiên cứu mở đường bay thẳng đến các điểm đến an toàn, các quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh và thị trường có khả năng chi trả cao nhằm thu hút du khách đền từ các quốc gia này.

Lượng thị thực Việt Nam cấp cho khách Ấn Độ tăng 25 lần so với trước Covid-19. Trong ảnh, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ tìm hiểu cơ hội hợp tác du lịch. Ảnh: Dinh Nguyễn

“Tăng cường, quan tâm hơn thị trường ngách thay vì thị trường truyền thống hiện chịu sự cạnh trạnh gay gắt giữa các nước trong khu vực”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc Sản phẩm Vidotour Indochina Travel, cho biết để “hút” khách quốc tế, cần có chính sách visa cởi mở, đẩy mạnh việc cấp e-visa và khôi phục chính sách miễn thị thực. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển, quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường “ngách” nhằm đa dạng nguồn khách.

Chuyển đổi số ngành du lịch để tăng tốc phát triển

“Để du lịch quốc tế bức phá, cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, du lịch ‘không chạm’, giảm thiểu tiếp xúc khi di chuyển, nghỉ dưỡng và trải nghiệm là xu hướng phù hợp trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.

Bàn về xu hướng du lịch quốc tế đến Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, cho biết du lịch an toàn, du lịch phục hồi sức khỏe, du lịch được lựa chọn phương thức di chuyển, du lịch trở về với thiên nhiên, du lịch gắn với công nghệ cao, sự linh hoạt trong quá trình du lịch là những xu hướng được du khách quốc tế quan tâm khi đến Việt Nam.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng một trong những giải pháp phát triển khách quốc tế tại Việt Nam chính là thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch nhằm tối đa hóa yếu tố an toàn trong du lịch, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong giai đoạn mới.

Ông Graham Cooke, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards (WTA – Giải thưởng Du lịch thế giới), chia sẻ rằng ảnh hưởng của truyền thông mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok…) đến ngành du lịch là rất lớn. Ngành du lịch Việt Nam cần tận dụng tối đa khả năng tiếp cận khách hàng trên khắp thế giới từ các nền tảng này nhằm thu hút du khách.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho rằng du lịch Việt Nam cần có những chính sách quảng bá, xúc tiến mới trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, ‘số hóa’ trong du lịch là xu hướng ‘nổi cộm’. Việc xây dựng các nền tảng kết nối trực tuyến với khách hàng tiềm năng là điều tất yếu.

“Bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận khi có đến 70% khách hàng tìm kiếm thông tin du lịch qua internet”, ông Dũng chia sẻ.

Sáng 8-8, tại TPHCM, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch TPHCM phối hợp với Tổng cục Du lịch đã tổ chức khai mạc diễn đàn “Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết và bàn giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.Tại sự kiện, các Sở, ngành du lịch của các tỉnh, thành phố, các hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến… sẽ giao thương, gặp gỡ, kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước với nhau. Trong hai ngày diễn ra sự kiện, các công ty lữ hành, đơn vị du lịch trong nước cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi giảm giá sâu khi mua tour du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Nguyễn Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chúng ta hiểu du khách Ấn Độ đến đâu?

0
(SGTT) - Đoàn khách khổng lồ 4.500 người từ Ấn Độ đã chia thành nhiều đoàn đến Việt Nam trong thời gian từ ngày...

Gần 11,4 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong 8...

0
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2024 đạt 1,43 triệu lượt,...

Tìm cách thu hút khách du lịch theo đạo Hồi

0
(SGTT) – Từ đầu năm 2024 đến nay, Ấn Độ và một số quốc gia theo đạo Hồi luôn nằm trong top đầu thị...

Khách quốc tế trải nghiệm đua ghe ngang cùng người dân...

0
(SGTT) – Sáng 2-8, trên sông Hoài, thành phố Hội An, đông đảo du khách quốc tế đã tham gia trải nghiệm đua ghe...

Gần 9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong...

0
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu...

Việt Nam kỳ vọng đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế...

0
(SGTT) - Ngành du lịch đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào...

Kết nối