Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

Thiết bị y tế nhập khẩu làm chủ ‘sân chơi’ trị giá hàng tỉ đô la

Với mức tăng trưởng lên đến 18% mỗi năm, thế nhưng thị trường thiết bị y tế Việt Nam với giá trị khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ hiện nay lại chủ yếu đến từ nguồn nhập khẩu.
Ông Hứa Phú Doãn (phải) chia sẻ thông tin với báo chí tại cuộc họp công bố tổ chức Vietnam Medi-Pharm Expo 2022. Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin trên được ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch thường trực Hội Thiết bị y tế TPHCM cung cấp tại cuộc họp báo chiều ngày 1-8 về tổ chức Vietnam Medi-Pharm Expo – Triển lãm Quốc tế ngành Y dược 2022 sẽ diễn ra tại TPHCM từ ngày 11 đến 13-8 tới.

Theo ông Doãn, với tốc độ phát triển hàng năm khoảng 18% (ngay cả 2 năm diễn ra dịch bệnh, ngành thiết bị y tế của Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn các nhà kinh doanh và cả nhà sản xuất nước ngoài.

Từ mức giá trị 1,1 tỉ đô la Mỹ của năm 2017, người đại diện của Hội Thiết bị y tế TPHCM cho biết tổng giá trị đầu tư cho trang thiết bị y tế của Việt Nam hiện đã tăng lên khoảng 1,5 tỉ đô la.

Đáng chú ý, theo ông Doãn, dù doanh nghiệp sản xuất ngành này của Việt Nam đã ngày càng gia tăng sản phẩm, nhất là nhóm các mặt hàng thiết bị y tế cao cấp và giá trị hơn nhưng đến nay hơn 90% trang thiết bị tiêu thụ ở Việt Nam vẫn là nguồn hàng nhập khẩu.

Điều này cho thấy trang thiết bị y tế trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Nhìn thấy tiềm năng từ thị trường Việt Nam, một số nhà sản xuất thiết bị y tế nước ngoài đang có ý định đầu tư nhà máy ở Việt Nam. Đáng chú ý, do Trung Quốc duy trì chính sách zero Covid trong khoảng thời gian dài nên một số nhà sản xuất của Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu cũng có ý định mở rộng sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư này, theo ông Doãn, là chưa hiệu quả mà chủ yếu mang tính lẻ tẻ. Việt Nam hiện chưa có một khu hoặc cụm công nghiệp chuyên biệt về sản xuất thiết bị y tế và chưa có cơ quan chuyên trách về thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, ông Doãn cho rằng nếu các nhà sản xuất thiết bị y tế đến đầu tư sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển như điện tử, quang học, cơ khí, phần mềm… và tạo ra chuỗi công nghiệp hỗ trợ cho ngành y tế.

Mặt khác, sản xuất thiết bị y tế đòi hỏi áp dụng công nghệ cao, nhưng công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém. Từ đó, ông Doãn kiến nghị cần quy hoạch phát triển khu công nghiệp chuyên ngành về thiết bị y tế để thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 (Vietnam Medi-Pharm Expo 2022) sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13-8 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7 thu hút 260 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia trưng bày tại 320 gian hàng. Tại đây sẽ có 5 khu gian hàng mô hình xúc tiến quốc gia (gồm Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ) và các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế có nền y học phát triển như Ba Lan, Đài Loan, Nga, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thụy Sỹ, Úc, Trung Quốc…Sự kiện triển lãm thường niên ngành thiết bị y tế và dược phẩm do Công ty Vinexad (trực thuộc Bộ Công Thương) phối hợp với Hội thiết bị y tế TPHCM tổ chức trong suốt gần 2 thập kỷ qua được xem là một trong những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong ngành y- dược  tham gia quảng bá và kết nối giao thương, tìm đối tác.

Lê Hoàng
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối