(SGTTO) – Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký các quyết định xếp hạng cho 15 di tích quốc gia trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh và Hưng Yên.

15 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia lần này gồm:

  1. Danh lam thắng cảnh Hang Tiên, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang.
  2. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phương Khê, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
  3. Danh lam thắng cảnh Hang Chùa, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
  4. Di tích lịch sử Địa điểm khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (1953), xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
  5. Danh lam thắng cảnh Hang động Thẳm Khến, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.
  6. Di tích lịch sử Đèo Pha Đin, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
  7. Di tích lịch sử Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
  8. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Phù Thụy, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  9. Di tích lịch sử Đền thờ Dương Trí Trạch, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  10. Di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Trần Tịnh, xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  11. Di tích lịch sử Miếu Ông – Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
  12. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Tô Hiệu, xã nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
  13. Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Thiện Thuật, xã Xuân Dục, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
  14. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình An Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
  15. Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Sầm Khúc, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Khu du lịch Pha Đin Top trên đỉnh đèo Pha Đin. Ảnh: Báo Sơn La.

Theo các Quyết định, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh. Trong đó, hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong số các di tích quốc gia có 112 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản thế giới.

Số lượng di tích nhiều là điều kiện để phát triển du lịch, văn hóa, tuy nhiên, cũng đặt ra yêu cầu về bảo tồn, tu bổ các di tích này. Riêng tại TPHCM, tính đến cuối năm 2019, theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT), toàn thành phố có 172 di tích được xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 114 di tích cấp thành phố và 100 công trình, địa điểm thuộc Danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố giai đoạn 2016-2020.

Số lượng các di tích trải dài qua các địa phương, tuy nhiên, chức năng của các di tích này hiện chỉ mới dừng lại ở việc trưng bày các hiện vật cổ, mở cửa cho khách tham quan, thăm viếng. Các hoạt động liên kết giữa các di tích chưa được chú ý, hoạt động phát triển du lịch, giáo dục văn hóa hay nghiên cứu, sưu tầm… chưa được thực hiện tốt

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây