(SGTTO) - Những người mới tập gym, đặc biệt là những người chưa bao giờ vận động, nên bắt đầu bằng những bài tập nhẹ, ở cường độ vừa phải để tránh tình trạng nôn ói vào những ngày đầu.
"Trong ngày đầu tiên tập gym, tôi thấy thấm mệt, hơi chóng mặt và nôn ngay tại phòng gym luôn. Phải nghỉ ngơi đúng một tuần, tôi mới đi tập lại được", chị Gia Hằng, thường tập gym ở phòng tập quận 5 (TPHCM) cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Anh, chuyên gia dinh dưỡng - vận động của các phòng gym, tình trạng đau đầu, nôn ói là do cơ thể chưa quen với việc vận động ở cường độ tập luyện cao và cũng có thể do ăn quá no trước khi tập hay bị đói trong khi tập.
Kiểm tra thể lực trước khi bắt đầu tập gym
Tình trạng nôn ói một phần xuất phát từ thể trạng của mỗi người và cũng do tâm lý nóng vội muốn có kết quả nhanh chóng nên tập nặng ngay từ đầu. Do đó, người tập cần phải kiểm tra sức khỏe trước để biết mình hợp với dạng bài tập nào, tránh trường hợp tập quá sức.
Một số người đến phòng tập vốn có thể trạng không tốt, mắc bệnh tim, bệnh liên quan đến hô hấp, đau xương khớp, bị chấn thương... Để tránh những rủi ro xảy ra trong quá trình tập luyện, hiện nay các phòng gym thường kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của người tập trước khi đưa ra chế độ tập phù hợp từng người.
Anh Nguyễn Huỳnh Trí, nhân viên marketing của Getfit Gym & Yoga, cho biết bất kỳ người tập gym nào cũng sẽ được trung tâm đo các chỉ số của cơ thể để đánh giá các thành phần quan trọng như cơ, mỡ, lượng nước và xương. Ngoài ra, huấn luyện viên cũng sẽ tìm hiểu kỹ về tình trạng bệnh lý của người tập.
Không chỉ đánh giá sơ bộ tình trạng sức khỏe người tập, một số trung tâm còn đưa ra các chế độ tập nhẹ để cơ thể quen dần với việc tập luyện và cũng là cách đo lường thể lực.
Huấn luyện viên thể hình và boxing Phan Minh Nguyên của phòng tập Iron Body Gym cho biết: "Tôi thường cho khách mới bắt đầu tập những bài cơ bản như chạy, nhảy, leo núi, ném banh, kéo tay. Qua đó có thể biết được thể lực của họ đang ở mức độ nào để thiết kế chương trình tập phù hợp. Sau một thời gian tập nhẹ, người tập sẽ được nâng dần lên cường độ tập cao hơn".
Nên biết sức mình sức ta
Tập gym là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và bền bỉ nhưng hiện nay, theo huấn luyện viên gym Đỗ Ngọc Thiện, tình trạng nóng vội, tập ngay những bài với cường độ cao khá phổ biến.
Theo anh Thiện, những người chưa bao giờ tập trên máy chạy bộ nên khởi đầu bằng việc đi bộ nhanh dần. Sau một thời gian tập luyện, người tập chuyển sang chạy bộ nhẹ nhàng, rồi tăng dần tốc độ chạy để tăng thể lực, cải thiện sức khỏe tim mạch và đồng thời đốt cháy nhiều năng lượng hơn.
Tuy nhiên, tình trạng đau đầu, nôn ói xảy ra sau khi tập gym không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, khiến người tập phải dừng việc tập luyện. Bác sĩ Nguyễn Văn Anh tư vấn rằng: "Khi xảy ra tình trạng nôn ói, người tập tạm thời ngưng tập, nghỉ ngơi nhiều, khi nào cảm thấy khỏe thì có thể tập tiếp. Đồng thời, cần thay đổi chế độ tập và cường độ tập. Khi cơ thể bắt đầu quen với việc vận động nhiều, tình trạng nôn ói sẽ không còn nữa, có thể tập rất dễ dàng, thoải mái. Trong lúc tập, cần lượng sức mình và nên dừng lại khi thấy đau hay khó chịu".
- Kỳ sau: Cách "trị" tình trạng nôn ói khi mới tập gym
Quỳnh Châu