(SGTT) - Thời tiết không ngừng thay đổi, nắng mưa thất thường là lúc chúng ta cần chú ý phòng tránh ảnh hưởng ngoại cảnh đến sức khỏe con người, đặc biệt là lên trẻ em và người lớn tuổi.
Khi giao mùa, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh. Đây là lúc, nhóm bệnh đường hô hấp hoặc ngoài da như dị ứng, viêm da… vốn dễ lây lan có cơ hội bùng phát.
Điều chỉnh, giữ vệ sinh môi trường sống
Bác sĩ Dương Anh Phượng, Khoa Nội tổng quát, bệnh viện quốc tế City, cho biết để chủ động phòng tránh bệnh khi nắng mưa thất thường thì không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không nên để quạt thổi thẳng, cố định vào người. Nên để nhiệt độ trong phòng không cách biệt quá 5 độ C với nhiệt độ bên ngoài. Vệ sinh không gian sống thật sạch sẽ. Cung cấp đủ nước cho cơ thể để giúp duy trì thân nhiệt ổn định. Ngoài ra, nên bổ sung vitamin C bằng cách uống hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá.
Theo bác sĩ Phượng, nên vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý hai lần mỗi ngày. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay sau khi tiếp xúc người bệnh cảm cúm hay bệnh đường hô hấp. Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Đặc biệt thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời tùy theo thể trạng để tăng cường hệ miễn dịch, sự dẻo dai, giúp tinh thần sảng khoái, lạc quan. Điều cuối cùng là nên tiêm vắc xin phòng cúm, là cách để ngừa bệnh cúm hiệu quả.
Chú ý về dinh dưỡng
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch và các thành phần thức ăn hằng ngày có mối quan hệ chặt chẽ. Các loại gia vị như hành tây, tỏi, gừng… là một trong những gia vị không những kích thích giúp vị giác cảm giác ngon miệng hơn mà còn chứa hàm lượng các chất chống oxy hóa và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó không thể thiếu các loại rau củ, ngũ cốc, trái cây và các sản phẩm từ sữa, sữa chua, trà xanh, mật ong các sản phẩm có chứa probiotics (vi khuẩn có lợi cho hệ miễn dịch).
Ngoài ra, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin C có tác dụng chống lại hoạt tính của histamin, một chất gây dị ứng mạnh, giảm được hiện tượng nổi mề đay, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để cơ thể chống lại vi khuẩn. Ngoài ra, nên bỏ rượu, hạn chế uống cà phê hằng ngày và các chất gây kích thích khác. Các chất này có thể làm giảm sức đề kháng, gây mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe.
3 bệnh hô hấp thường gặpCảm cúm: Cảm lạnh thông thường và cúm là hai bệnh khác nhau. Cúm do vi rút gây ra, thường làm bệnh nhân sốt cao hơn, khiến cơ thể đau nhức, mệt mỏi nhiều hơn. Mầm bệnh là các virus cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày với những người mắc bệnh. Virus này phát triển rất nhanh trên cơ thể có hệ miễn dịch yếu. Ở các đối tượng như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai do sức đề kháng kém nên bệnh dễ trở nặng, diễn tiến nhanh chóng làm suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu sốt, mệt mỏi, ngủ li bì, ho thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Thời tiết trở lạnh, khi đưa trẻ đi học vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối nên giữ ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người.Viêm họng: là bệnh khá phổ biến ở người già và trẻ em. Thời tiết giao mùa khiến bệnh viêm họng xuất hiện nhiều. Triệu chứng rất dễ nhận biết là sốt; đau họng khi ăn, nuốt nước bọt; xuất hiện những cơn ho do bị kích ứng đường hô hấp; hạch cổ sưng; sổ mũi… Theo các bác sĩ nếu trường hợp chỉ đau, ngứa họng gây khó chịu thì có thể điều trị ở nhà bằng cách súc miệng bằng nước muối để giảm đau và chống nhiễm trùng. Ngoài ra nên dùng các gia vị như tỏi, gừng… và tăng cường uống vitamin C để tăng sức đề kháng. Nếu bệnh không thuyên giảm thì nên đến cơ sở y tế để khám bệnh.Viêm phế quản và viêm phổi: Thời tiết thay đổi trẻ rất dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn. Viêm phế quản thường không quá nguy hiểm nhưng nếu không được theo dõi và xử lý kịp thời có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.Viêm phổi là một trong những bệnh đường hô hấp nguy hiểm khi nhiệt độ giảm sâu về đêm. Nếu viêm phổi gây ra do vi khuẩn thì phải điều trị bằng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi dùng kháng sinh trẻ phải nạp đủ toàn bộ liều bác sĩ đã kê cho trẻ kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Không được ngưng thuốc sớm hơn chỉ định của bác sĩ.
Pháp Từ