Thứ Năm, Tháng Mười 10, 2024

Sông Cái, từ nguồn ra biển: Từ dãy Kon Clon đến làng Xí Thoại (kỳ 1)

A.I
(SGTT) - Nhóm tác giả chọn dãy núi Kon Clon làm điểm khởi đầu cho chuyến khám phá sông Cái, một trong ba con sông chính ở Phú Yên đã bồi đắp cho đôi bờ những di sản văn hóa từ hơn 400 năm qua.

Từ dãy Kon Clon…

Đây là ngọn núi thiêng, là niềm kiêu hãnh của đồng bào Chăm và Ba Na huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dãy Kon Clon là điểm khởi nguồn của dòng sông Cái với những câu chuyện bi tráng của đồng bào vùng cao xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân trong kháng chiến.

Đỉnh Kon Clon. Ảnh: Kông Thành

Những khối đá cheo leo ở dãy núi này từng là tấm chắn thép, cản bước tấn công của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, là nơi chở che đồng bào trong những tháng ngày mưa bom, bão đạn. Theo già làng Oi Tứ ở xã Phú Mỡ, Kon Clon tiếng Ba Na nghĩa là núi đá. Băng rừng, lội suối, vượt những dốc cao dựng đứng, phải mất gần ba giờ tác giả mới tới được khối đá đầu tiên của dãy Kon Clon.

Theo lời kể của những già làng, năm 1967, giặc vào làng Đồng, xã Phú Mỡ bắn xả, dân làng đưa nhau lên đỉnh Kon Clon ẩn náu trong những khối đá này. Để truy kích dân làng, địch dùng cả máy bay trực thăng bắn xối xả vào những khối đá nhưng chẳng hề hấn gì, dân làng vẫn an toàn dưới những mái đá.

Một hang đá Kon Clon. Ảnh: Kông Thành

Rời dãy Kon Clon trở lại làng, tác giả được bà con chỉ cho một loại cây rừng từng giúp người dân diệt quân thù. Đó là cây ngăn, loài cây có mủ cực độc. Trong chiến tranh, dân làng Đồng đã dùng mủ cây này chế tạo chất độc để tẩm vào mũi tên giết giặc. Gần 60 năm qua, những cây ngăn với đầy vết sẹo trên thân vẫn sừng sững bên con suối Mằng Quân, như một chứng tích về những năm tháng chiến tranh ác liệt mà người dân làng Đồng đã trải qua.

Cây ngăn. Ảnh: Kông Thành

Như nhiều buôn làng vùng cao của tỉnh Phú Yên, sau ngày quê hương giải phóng, làng Đồng được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và đặc biệt là hạ tầng giao thông, đường, điện. Cuối năm 2010, hai thôn cuối cùng của xã vùng cao Phú Mỡ đã hòa lưới điện quốc gia. Đời sống của bà con làng Đồng đã đổi thay. Những ngày "đói cơm lạc muối" đã lùi xa, ấm no ngày được vun đầy trên vùng đất đã chịu nhiều thương đau này...

Ảnh: Kông Thành

Nếu có dịp ở lại qua đêm ở làng Đồng, du khách sẽ có dịp được say cùng men rượu cần và nhịp trống đôi, cồng ba, chinh năm, bộ nhạc cụ như sự giao hòa âm nhạc giữa đồng bào Chăm và Ba Na ở vùng cao Phú Yên.

… đến làng Xí Thoại

Rời dãy Kon Clon, xuôi về phía tả ngạn thượng nguồn sông Cái, có một sắc tộc sinh sống từ lâu đời với những nét rất đặc trưng về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán…đó là cộng đồng Chăm H’roi. Có nhà nghiên cứu gọi là Bana Chăm, một tộc người chỉ có ở miền núi hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Biểu diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Ảnh: Kông Thành

Làng Xí Thoại, ngôi làng được sáp nhập từ hai làng Xí và Thoại, xã Xuân Lãnh huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nằm ở Tây Bắc của tỉnh, giáp với tỉnh Bình Định là địa bàn sinh sống của đồng bào Chăm H’roi. Tuy chưa có những nghiên cứu thấu đáo về tộc người Chăm H’roi, nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, sau năm 1975, làng Xí, địa bàn cư trú của người Bana ở Phú Yên và làng Thoại, nơi sinh sống của người Chăm nhập lại thành làng Xí Thoại, hai cộng đồng dân cư này tiếp tục có những giao thoa về văn hóa, phong tục tập quán.

Dễ dàng nhận thấy nhất về sự giao thoa của hai tộc người này qua bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Trống đôi của người Chăm hợp cùng cồng, chiêng của người Bana thành bộ nhạc cụ hết sức độc đáo, chỉ có ở Phú Yên. Từ lâu, bộ nhạc cụ này có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm H’roi.

Sự kết hợp hài hòa từ âm điệu, tiết tấu đến ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn hết sức độc đáo. Âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm có nhiều điệu thức, được vận dụng trong từng bối cảnh khác nhau từ lễ hội đến đón khách, giao lưu, tiễn khách...

Hội làng xoay cột con trâu. Ảnh: Kông Thành

Theo già làng La Chí Thái, hội làng xoay cột con trâu của đồng bào Chăm H’roi là nơi thể hiện rõ nhất những nét độc đáo về văn hóa của sắc tộc này. Khác với lễ hội đâm trâu ở những nơi khác, hội làng xoay cột con trâu của người Chăm H’roi không phải tổ chức định kỳ mà là để cầu mong hay tạ ơn sau những lần vượt qua tai ương, hoạn nạn.

Mỗi lần tổ chức cách nhau đến hàng chục năm với ý nghĩa khác nhau, như mừng ngày quê hương giải phóng, cầu cho mưa thuận gió hòa, hay để tạ ơn Giàng vì làng có người mắc tội...

Về với làng Xí Thoại là được hòa cùng âm thanh rộn rã của trống đôi cồng ba chiêng năm, một nghệ thuật trình diễn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giúp du khách hiểu thêm những giá trị văn hóa độc đáo của một sắc tộc phía thượng nguồn sông Cái, tỉnh Phú Yên.

“Sông Cái, từ nguồn ra biển” là chuỗi bài viết khám phá sông Cái, một trong ba con sông chính ở Phú Yên đã bồi đắp cho đôi bờ những di sản văn hóa từ hơn 400 năm. Hành trình từ dãy Kon Clon - nơi đầu nguồn sông Cái, xuôi về thị trấn La Hai, qua phường Lụa, đập Tam Giang... rồi hòa vào biển cả ở cửa biển Tiên Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về dòng sông di sản ở phía Bắc tỉnh Phú Yên.

Trần Thanh Hưng - Lê Kông Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ký sự sông Ba (kỳ cuối): Di sản dòng sông và...

0
(SGTT) - Ví dòng sông như một thiếu nữ là cách mà tác giả dành để kết bài viết này. Nếu như Ayun Pa...

Gợi ý 6 dòng thác nên ghé thăm khi đến Phú...

1
(SGTT) – Thác J’rai Tang, Vực Phun, thác Cây Đu hay thác H’ly là những dòng thác đẹp, còn khá hoang sơ mà du...

Văn hóa khăn rằn cần được quảng bá rộng hơn

0
(SGTT) – Sáng nay, 5-10, tại buổi giao lưu ra mắt sách “Văn hoá khăn rằn” ở nhà sách Phương Nam (thành phố Cần...

Cắm trại, ngắm hoàng hôn trên cù lao Mái Nhà

0
(SGTT) - Cù lao Mái Nhà thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách làng chài Phước Đồng khoảng 4km. Trên...

Thăm Sùng Nghiêm Diên Thánh, ngôi cổ tự ngàn năm ở...

0
(SGTT) - Tọa lạc tại làng Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Sùng Nghiêm Diên Thánh là ngôi chùa...

Ngôi chùa cổ có cây thị trăm tuổi ở Cầu Kè,...

0
(SGTT) – Tọa lạc tại xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, chùa Cành Đa (hay còn gọi là Cành Đal) là...

Kết nối