Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Sông Cái, từ nguồn ra biển: Thanh bình đập Tam Giang (kỳ 5)

(SGTT) - Trên hành trình "Sông Cái từ nguồn ra biển", nhóm tác giả dừng chân ở khúc sông được xem là nơi trữ tình, thơ mộng nhất. Nếu phía thượng nguồn, dòng sông Cái cho ta cảm giác dữ dội bao nhiêu thì đến đây, sông Cái lại hiền hòa và êm ả bấy nhiêu.

Nơi dòng sông Cái cho ta cảm giác yên bình, thơ mộng ấy nằm trên địa bàn hai xã An Thạch và An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trên hành trình xuôi về với biển, khi đến nơi đây, dòng sông Cái gặp một công trình thủy lợi đưa nước về tưới cho những cánh đồng ở các xã quanh vùng, đó là đập Tam Giang.

Đập Tam Giang. Ảnh: Kông Thành

Theo các tài liệu, trước 1945, cứ mỗi mùa nước cạn, người dân thường lên thượng nguồn chặt cây và chà bổi về đóng cừ chắn ngang sông, rồi dùng đất cát đắp thành đập giữ nước đưa vào ruộng. Mùa lũ lụt đến, nước dâng cao chảy xiết, cuốn phăng cây cừ và chà bổi ra biển. Hết năm này sang năm khác, nông dân ở đây nhọc nhằn đắp đập đưa nước về đồng. Sau này, một con đập bằng xi măng kiên cố được xây dựng.

Không chỉ là một công trình thủy lợi lớn ở huyện Tuy An, đập Tam Giang còn có cảnh quan đẹp. Với những người con sinh ra và lớn lên bên đập Tam Giang, thì nơi đây đã trở thành ký ức mỗi khi xa quê. Ký ức của những buổi trưa hè nóng bức cùng bạn bè ngụp lặn dưới dòng nước mát. Ký ức của một thời khó nhọc theo cha lưới cá về cho bữa cơm gia đình.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là một người con sinh ra và lớn lên ở đất Tuy An, nơi dòng sông Cái sắp hòa mình vào biển cả. Từ lâu, thiên nhiên thơ mộng bên đập nước Tam Giang và cuộc sống mưu sinh của người dân ở khúc sông này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho nghệ sỹ nhiếp ảnh này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thanh Xuân. Ảnh: NVCC

Không chỉ với anh, mà có lẽ bất kỳ "tay máy" nào khi đến đây cũng khó thể cưỡng lại trước khung cảnh nên thơ này. Mặt nước êm đềm với vài ngư dân lưới cá, xa xa là những bãi cát vàng và rặng tre yên mình soi bóng bên dòng sông. Rồi thấp thoáng nhà thờ, tiếng chuông sáng chiều ngân lên... Bấy nhiêu đó cũng đủ làm ngất ngây những người cầm máy, cầm cọ…

Theo nghệ sỹ nghiếp ảnh Dương Thanh Xuân, không gian ở đoạn sông Cái này đẹp suốt cả ngày, song đẹp nhất vẫn là lúc bình minh và hoàng hôn. Hai khoảng thời gian này, mây trời non nước đều cho ánh sáng đẹp, mà đã có ánh sáng đẹp thì những tay máy rất dễ có được những bức ảnh ưng ý.

Không chỉ làm say đắm những người yêu bộ môn nhiếp ảnh, không chỉ mang phù sa bồi đắp cho đôi bờ, sông Cái còn ban tặng cho người dân nơi đây một món ngon giản dị mà độc đáo - đó chính là cá mương. Loài cá không chỉ sông Cái mới có, song nhiều người vẫn cho rằng cá mương ở sông Cái là ngon nhất.

Đánh lưới cá mương ảnh. Ảnh: Kông Thành

Suốt một đoạn dài trên dòng sông này, từ nơi con sông có tên là Kỳ Lộ cho đến nơi dòng sông mang tên sông Cái, đâu đâu cũng có cá mương. Và thật lạ, loài cá sống ở sông, song dân trong vùng vẫn gọi là cá mương. Có lẽ ông bà xưa đã nhìn vào hình dáng vừa nhỏ vừa dài mà đặt tên cho loài cá nước ngọt thơm ngon nức tiếng này.

Cá mương ở sông Cái có quanh năm, nhưng thường xuất hiện nhiều vào hai thời điểm, đó là sau mùa mưa lũ ở miền Trung khoảng tháng 11 đến tháng Chạp và vào tháng Tư, tháng Năm âm lịch, sau những cơn mưa của tiết tiểu mãn. Nhờ nguồn nước đục, dân ở đây thường gọi là nước bạt, nên cá mương đua nhau sinh sôi, nảy nở. Cũng vào hai thời điểm này cá mương cho thịt thơm và ngon nhất.

Lưới cá mương là một cái thú của cư dân đôi bờ sông Cái. Nếu bắt được nhiều cá thì mang ra chợ hoặc mang đến bán cho các quán ở ven sông. Nhiều khi, người ta thả lưới chỉ để kiếm vài chục con cá cho bữa cơm của gia đình, hoặc cho một cuộc hội ngộ bạn bè lâu ngày.

Quanh năm, dưới dòng sông Cái, luôn có những đàn cá mương tung tăng bơi lội. Sau một ngày mệt nhoài với công việc, cư dân bên sông lại thả chiếc sõng câu, loại thuyền nhỏ, xuống dòng nước, buông lưới mà đón nhận sản vật của dòng sông. Đôi khi, cái được lớn nhất không phải là những mẻ lưới kéo lên từ sông Cái, mà là cảm giác thư thái, nhẹ nhàng khi khua mái chèo đuổi cá trên sông nước, hòa mình vào không gian bao la của đất trời

Chỉ có vậy, song cái thú lưới cá mương và những âm thanh của tiếng khua mái chèo đuổi cá đã trở thành nỗi nhớ khi xa quê của nhiều người. Có khi nhớ đến nao lòng chỉ vì những hình ảnh bình dị và rất đỗi mộc mạc của một vùng sông nước quê nhà.

Cá mương nướng. Ảnh: Kông Thành

Ai đã một lần thưởng thức cá mương sông Cái có lẽ sẽ khó quên được cảm giác ấy. Cá mương rất dễ để chế biến thành những món ngon, nấu lẩu chua hoặc chiên giòn nhưng ngon nhất vẫn là cá mương nướng bằng lửa than. Những ai đã từng dùng món bánh tráng cuốn cá mương nướng kèm với mấy loại rau thơm, mới chỉ nghe nhắc đến cũng khó cưỡng lại được, bởi hương vị của món ăn dân dã này.

Không chỉ tạo ra một vùng sông nước mênh mông, với vẻ đẹp làm say đắm khách thập phương, với chiều dài khoảng 800m, đập Tam Giang còn đưa nước tưới mát cho những đồng lúa ở đôi bờ sông Cái. Hiện, cơ giới đã thay thế sức người trên những cánh đồng ở hạ lưu sông Cái nên hình ảnh gái trai lao động vào mùa gặt giờ cũng không còn.

Ngày trước, dân ở những vùng khác thường rủ nhau đến những đồng lúa hưởng nước từ đập Tam Giang để gặt lúa mướn. Cùng lao động trên đồng, nhiều chàng trai, cô gái để ý thương nhau rồi nên vợ thành chồng. Cũng có những người thương nhau mà duyên không tròn, bèn đưa nỗi buồn chia ly vào trong ca dao: "Nước ròng chảy bến Tam Giang/ Sầu đông chín rụng sao chàng bặt tin/ Nỗi buồn con nhện đêm đêm/ Chầu rày người bạn chắc quên ta rồi".

“Sông Cái, từ nguồn ra biển” là chuỗi bài viết khám phá sông Cái, một trong ba con sông chính ở Phú Yên đã bồi đắp cho đôi bờ những di sản văn hóa từ hơn 400 năm. Hành trình từ dãy Kon Clon – nơi đầu nguồn sông Cái, xuôi về thị trấn La Hai, qua phường Lụa, đập Tam Giang… rồi hòa vào biển cả ở cửa biển Tiên Châu sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về dòng sông di sản ở phía Bắc tỉnh Phú Yên.

Trần Thanh Hưng - Lê Kông Thành

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối