Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao, 19 địa phương đã có dịch

Hôm nay (7-5), số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tiếp tục tăng với 41 ca mới trên cả nước. Với chùm ca bệnh tại bệnh viện ở Hà Nội, trong khi số ca nhiễm liên quan đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vẫn tăng thì Bệnh viện K Tân Triều lại trở thành bệnh viện thứ hai có chùm ca nhiễm, với 11 ca.

Tình hình tại nhiều địa phương khác cũng phức tạp không kém, như ở TPHCM đã có người dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã hết bệnh cuối tháng Ba. Đến nay, 19 tỉnh, thành đã có ca mắc Covid-19 và đang quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn dịch.

Hai chùm ca bệnh phức tạp tại Hà Nội

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày hôm nay (7-5), cả nước có thêm 41 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng gồm 24 ca ở Hà Nội; 5 ca ở Đà Nẵng, 4 ca ở Hưng Yên; Thanh Hóa, Hải Dương, Điện Biên, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ và Vĩnh Phúc mỗi nơi có thêm 1 ca

Lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiện tại chợ Phạm Văn Hai. Nguồn: Trung tâm Y tế quận Tân Bình

Trong đó, Hà Nội hiện đang thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn dịch vì có 2 chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Trang thông tin của Thành phố Hà Nội cho biết báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Trung ương với các tỉnh, thành về công tác phòng, chống dịch Chủ tịch UBND thành phố từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 34 ca mắc tại cộng đồng và 2 chùm ca bệnh phức tạp tại 2 bệnh viện này.

Thành phố đang khoanh vùng xử lý dịch và phong tỏa tạm thời 15 khu vực liên quan đến 10 quận, huyện, thị xã; sàng lọc sớm để đánh giá nguy cơ với những nhóm có nguy cơ cao như các quán bar, karaoke, các khu vực đông chuyên gia, chợ đầu mối dân sinh; các khu vực có nhiều người dân từ Đà Nẵng trở về.

Với 2 chùm ca bệnh ở bệnh viện, tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, thành phố đã rà soát hơn 2.600 trường hợp; tình hình tại Bệnh viện K Tân Triều phức tạp hơn vì số lượng người liên quan rất đông, cỡ 5.000 người gồm hơn 1.700 cán bộ công nhân viên y tế, hơn 1.600 bệnh nhân cùng người nhà chăm sóc bệnh nhân. Thêm vào đó, quanh khu vực này còn có hơn 250 chỗ trọ, 65 ki ốt tạp hóa… Thành phố hiện đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc ngăn ngừa nguy cơ.

Tuy tình hình dịch diễn biến phức tạo nhưng Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Hà Nội đã có phương án và kịch bản cho tất cả các tình huống từ việc tăng cường lực lượng lấy mẫu trong tình huống phát sinh; nâng năng lực xét nghiệm, cách ly, xử lý và điều trị tất cả các tuyến.

Nâng mức cảnh báo cao nhất ở các bệnh viện

Hôm nay, Bộ Y tế đã ban hành công điện số 615/CĐ-BYT về nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và chủ động xét nghiệm Covid-19 tại các bệnh viện.

Theo đó, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và thủ trưởng các đơn vị có liên quan nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.

Với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày.

Theo trang thông tin về dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào chiều 7-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến trung ương cao hơn rất nhiều so với các địa phương, do đây nơi tổng hợp tất cả các nguồn từ các tỉnh, thành đổ về.

Để ngăn dịch xâm nhập vào bệnh biện, Bộ Y tế đã có công điện về hạn chế người đến khám bệnh, truyền thông cho người dân đến khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới. Bộ cũng đã áp dụng hệ thống Telehealth để hội chẩn liên tuyến, đảm bảo chất lượng khám bệnh.

Cùng với việc siết chặt công tác phòng dịch tại các bệnh viện công, người đứng đầu ngành y tế cũng yêu cầu, với các cơ sở y tế tư nhân, nếu không thực hiện nghiêm theo quy định thì ngay lập tức dừng hoạt động.

Ông đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây, nhiều chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Do vậy, diễn biến dịch trong nước đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó kiểm soát hơn so với các đợt trước.

Theo kết quả giải trình tự gen mới nhất, chủng Covid-19 ở Anh và Ấn Độ, chủng được coi là siêu lây nhiễm, đã được phát hiện trong đợt dịch lần này.

Bộ Y tế đã đã yêu cầu rà soát lại hết các cơ sở y tế trên toàn quốc để chuẩn bị cho các tình huống để chuẩn bị cho các kịch bản trong phòng chống dịch.

Phát hiện ca tái nhiễm, TPHCM dừng thêm nhiều dịch vụ

TPHCM đang ráo riết truy vết một trường hợp tái nhiễm Covid-19 sau khi đã hết bệnh từ cuối tháng Ba rồi. Theo thông tin vào trưa nay của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), vào hôm qua (6-5), HCDC đã ghi nhận 1 người cư ngụ tại quận 3, từng là bệnh nhân Covid-19 với mã số BN2.458 tái dương tính với SARS-CoV-2.

Qua điều tra ban đầu, người bệnh thường trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Người này được phát hiện nhiễm bệnh khi cách ly sau nhập cảnh từ Campuchia và điều trị tại Hà Tiên, xuất viện ngày 27-3 vừa qua. Ngày 19-4, sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, bệnh nhân lên TPHCM.

Ngày 27-4 bệnh nhân đến tạm trú tại nhà ở một con hẻm đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3. Đến ngày 5-5, người này đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thực hiện xét nghiệm Covid-19 để đi nước ngoài thì có kết quả dương tính.

Trong đêm qua, thành phố đã lấy mẫu khẩn toàn bộ người sống chung trong căn nhà bệnh nhân. Tổng số có 38 mẫu đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Để giám sát nguy cơ dịch bệnh, thành phố tiến hành lấy mẫu mở rộng tầm soát khu vực hẻm mà bệnh nhân cư ngụ với 254 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm và tiếp tục điều tra truy vết.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập và lây lan vào thành phố, UBND TPHCM đã yêu cầu từ 18:00 chiều ngày 7-5, tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà như gym, fitness, billiards, yoga, các trung tâm nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người ở nơi công cộng như thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ.

Các hoạt động trên tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Các sự kiện, hoạt động được phép tổ chức đảm bảo giãn cách tối thiểu 1 mét và số lượng người tham dự không quá 50% sức chứa của địa điểm tổ chức. Ban tổ chức phải đo thân nhiệt, cho khách đeo khẩu trang, khử khuẩn…

Minh Duy

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

TPHCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

0
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca bệnh...

Người nhập cảnh nghi ngờ hoặc mắc đậu mùa khỉ sẽ...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khi nhập cảnh từ vùng có dịch hoặc không có...

Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát...

0
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế...

Bàn chuyện có nên cách ly tập trung khi mắc đậu...

0
(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết....

Nhiều địa phương vẫn cách ly người đến từ TPHCM

0
(SGTT) - Lai Châu, Bình Định là những địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi y tế đối với người...

Kết nối