Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Sáng 30-7, Việt Nam ghi nhận 4.987 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước

(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng ngày 30-7, Việt Nam ghi nhận thêm 4.987 ca nhiễm mới Covid-19 trong nước, trong đó TPHCM có 2.740 ca.
Tiêm vắc-xin Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Các địa phương khác như Bình Dương có 1.284 ca, Tiền Giang 242 ca, Đồng Nai 203 ca, Đồng Tháp 90 ca, Tây Ninh 88 ca, Bến Tre 79 ca, Khánh Hòa 78 ca, Hà Nội 63 ca, Cần Thơ 23 ca, Long An 21 ca, Phú Yên 17 ca, Bình Định 17 ca, Kiên Giang 17 ca, Vĩnh Long 15 ca, Thái Nguyên 3 ca, Đắk Nông 2 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Lạng Sơn 2 ca, Nam Định 1 ca; trong đó có 987 ca trong cộng đồng.

Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 129.622 ca, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Trong ngày 29-7 có trên 208.040 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là gần 5.529.900 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.983.500 liều, tiêm mũi 2 là trên 546.400 liều.

Dừng hoạt động bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc từ ngày 30-7

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, kể từ 0:00 ngày 30-7, dừng hoạt động bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc cho đến khi có thông báo mới.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Sở GTVT TPHCM yêu cầu tạm dừng khai thác bến phà Cần Giờ - Cần Giuộc. Ảnh: tuoitre.vn

Thông tin trên được Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông báo nhằm đảm bảo tăng cường các biện pháp giãn cách, phòng dịch Covid-19 hiệu quả.

Ngoài ra, từ 0:00 ngày 30-7 đến hết ngày 1-8, bến phà Bình Khánh, Cát Lái chỉ phục vụ vận chuyển các đối tượng như xe ô tô chở công nhân, xe cấp cứu, xe chở lực lượng tham gia công tác chống dịch, xe của lực lượng vũ trang, xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Việc vận chuyển hành khách bảo đảm tối đa không quá 50% sức chứa; hành khách bắt buộc phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên phương tiện, tại khu vực nhà chờ và thực hiện khai báo y tế theo đúng quy định.

Thành phố Thủ Đức gỡ phong tỏa 5 phường

Tối ngày 29-7, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của UBND thành phố Thủ Đức đã ban hành quyết định số 4662 về việc gỡ phong tỏa thêm 5 phường là: Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú. Việc dừng thiết lập phong tỏa bắt đầu từ 18:00 ngày 30-7.

Từ 18:00 ngày 30-7, thành phố Thủ Đức sẽ gỡ phong tỏa thêm 5 phường: Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú. Ảnh: Nguyễn Nam

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Thủ Đức cũng yêu cầu các UBND phường thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ thị 16 tăng cường của UBND TPHCM.

UBND các phường phải đánh giá vị trí, số dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ ảnh hưởng đến sự lây nhiễm của dịch bệnh, xác định phạm vi phong tỏa từng khu vực trên địa bàn.

Thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình.

Các phường cũng phải thường xuyên đánh giá mức độ an toàn của các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời có những giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trên địa bàn.

Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, việc dừng phỏng tỏa thêm 5 phường trên, thành phố Thủ Đức không còn phường nào bị phong tỏa.

Một số địa phương dừng tiếp nhận người tự ý về quê

Theo thông tin trên báo điện tử Vnexpress, chiều ngày 29-7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ đạo, từ 0:00 ngày 1-8 sẽ ngừng tiếp nhận người dân về từ các tỉnh thành đang bùng phát dịch.

Người dân về quê bằng xe gắn máy. Ảnh: cand.com.vn

Theo đó, một tuần qua, khoảng 5.000 người đi xe máy hoặc ôtô dịch vụ từ TPHCM và các tỉnh về quê, trong đó đã ghi nhận 5 người dương tính. Việc người dân tự ý rời khỏi các tỉnh, thành phố đang cách ly xã hội về Quảng Ngãi là vi phạm nguyên tắc của Chỉ thị 16 và Nghị quyết 78 của Chính phủ.

Báo Vnexpress dẫn lời lãnh đạo Quảng Ngãi cho biết thêm, tỉnh đang cách ly tập trung 6.000 người, năng lực đã quả tải, phải sử dụng các cơ sở giáo dục ở các địa phương nhưng gặp nhiều hạn chế trong quản lý, vận hành, sinh hoạt, xử lý rác thải nên nguy cơ lây nhiễm chéo.

Năng lực y tế của địa phương này không bảo đảm yêu cầu chống dịch nếu số F0 tăng cao hoặc cùng lúc thêm nhiều F0 kèm bệnh lý nền, nặng; năng lực tài chính không bảo đảm phục vụ tiếp nhận, cách ly y tế tập trung theo quy định.

Quảng Ngãi còn 164 bệnh nhân đang điều trị. Năng lực xét nghiệm 2.000 mẫu đơn một ngày, và có một phòng xét nghiệm Covid-19 mới khai trương. Địa phương này có 3 máy PCR, 2 cơ sở điều trị với 300 giường bệnh.

Trước đó, tỉnh này đã đưa ôtô vào TPHCM đón khoảng 400 người. Do số người dân Quảng Ngãi ở TPHCM quá đông, việc tổ chức đón chỉ đáp ứng một phần nhỏ.

Trước đó, từ 12:00 ngày 29-7, tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các huyện, thành phố tuyệt đối không tiếp nhận các trường hợp tự ý về bằng xe cá nhân hoặc các phương tiện khác mà không liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương.

Theo Vnexpress, địa phương này sẽ lên phương án, kế hoạch để đưa người dân từ các vùng dịch về quê “an toàn, đảm bảo công tác phòng chống Covid-19”, ưu tiên người yếu thế như người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng.

Trước đó, hàng nghìn người dân các tỉnh đang làm việc sinh sống ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... đi thành đoàn chạy xe máy về miền Trung, Tây Nguyên để tránh dịch. Nhiều đoàn được CSGT hộ tống hàng trăm kilomet trên cung đường về quê.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối