Bản báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng toàn cầu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, trong quí 2-2022, người tiêu dùng Việt Nam đã mua 14 tấn vàng, tăng 11% so với cùng kỳ 2021.
- Cú sốc giá vàng – tâm điểm thị trường tài chính tuần qua
- Những kiến thức hữu ích về vàng mà bạn nên tường tận
Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015 với tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng xu, đạt 9,6 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu vàng trang sức cũng tăng đến 28%, đạt 4,5 tấn.
Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới lý giải lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro. “Điều này được phản ánh qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng miếng trong nước”, ông Naylor nói.
Nhu cầu trang sức tăng mạnh thời gian qua nhờ giá vàng trong nước có sụt giảm và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng trong bối cảnh Nhà nước tung gói kích cầu trị giá 15 tỉ đô la.
Kết quả kinh doanh quý 2-2022 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) ghi nhận, doanh thu thuần tăng 56%. Riêng vàng miếng mang về cho PNJ hơn 5.100 tỉ đồng, tăng hơn 65% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ năm 2017.
Mở cửa phiên sáng nay (29-7), hai thương hiệu vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng theo đà thế giới, tỷ giá trung tâm giảm mạnh tới 25 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, Công ty Doji Hà Nội điều chỉnh giá vàng SJC tăng 500.000 đồng/lượng, hiện niêm yết giá từ 64,80 – 65,80 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện niêm yết từ 65,30 – 66,30 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giảm xuống ngưỡng 1.738 đô la Mỹ/ounce, tăng 17 đô la/ounce so với cùng thời điểm sáng qua. Mức giá này tương đương 49,71 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá đô la Mỹ trong nước, thấp hơn thương hiệu SJC khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.
Dự báo thị trường thời gian tới, Chứng khoán MB (MBS) nhận định nhu cầu vàng miếng và vàng tiếp tục tăng khi các nhà đầu tư bán lẻ đều tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế đang diễn ra.
Riêng với vàng trang sức, Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng doanh thu của các công ty trong ngành vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau Covid-19. Ngành này được cho là đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K.
Xu hướng thị trường thế giới cũng có thể là chỉ dấu cho thị trường trong nước sắp tới. Ông Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) tại Hội đồng Vàng Thế giới, dự báo “Nhu cầu với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng của người dân Việt Nam, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa của Chính phủ và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng đô la Mỹ có thể gây ra nhiều biến động khó lường đối với thị trường vàng”.
Đ.Hải
Tổng hợp từ WCG, TTXVN, KTSGO